• Zalo

Đối thoại chính sách công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam – Nhật Bản

Thời sựThứ Sáu, 16/01/2015 05:52:00 +07:00Google News

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Truyền thông Nhật Bản đối thoại chính sách công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam – Nhật Bản

Ngày 16/1/2015, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã tổ chức Đối thoại chính sách công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam – Nhật Bản.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng và Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Yasuo Sakamoto đồng chủ trì buổi đối thoại này.  

Tại buổi đối thoại, đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu về tình hình phát triển CNTT-TT trên cả 5 lĩnh vực: Viễn thông và Internet; Công nghiệp CNTT; Ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước; Nhân lực CNTT; Bảo mật thông tin.
 

Đại diện Ban chính sách Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Thông tin và Truyền thông Nhật Bản ban hành năm 1985, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: Quy chế tham gia thị trường, chính sách bảo vệ người sử dụng… Luật được ban hành và thực thi nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các nhà mạng, thúc đẩy tự do hóa thị trường, phòng chống việc độc quyền nhóm của các nhà mạng…

Về chiến lược CNTT trong ASEAN, theo đại diện Ban Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015, ASEAN sẽ có chiến lược mới về CNTT. Nhật Bản hiện đã đề xuất sử dụng Quỹ CNTT Nhật Bản – ASEAN để tổ chức hội thảo về chính sách CNTT vào tháng 5/2015.

Đại biểu Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tham gia phiên đối thoại
 Đại biểu Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tham gia phiên đối thoại

Cũng tại buổi làm việc, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã giới thiệu về truyền hình thế hệ mới, truyền hình hybrid và TV thông minh. Truyền hình thế hệ mới 4k, 8k sẽ có độ nét, màu sắc hiển thị hình ảnh gấp từ 1,5 đến 4 lần so với truyền hình hiện nay (truyền hình 2k). Ngoài ra, truyền hình 4k, 8k không chỉ ứng dụng làm tăng độ nét trong hình ảnh của truyền hình mà còn có hiệu quả cao trong điều trị y tế, quảng cáo, camera phòng chống tội phạm... Dự kiến đến năm 2020, tại Nhật Bản tỉ lệ phổ biến truyền hình 4k là hơn 52%. Về lộ trình thúc đẩy phát triển 4k, 8k của Nhật Bản, năm 2016 phát thử nghiệm truyền hình 4k, 8k, năm 2018 phát chính thức truyền hình 4k, 8k.

Thách thức đặt ra khi thúc đẩy truyền hình 4k, 8k phải kể đến việc nghiên cứu sản xuất TV đáp ứng tiêu chuẩn 4k, 8k và sự hợp tác không thể thiếu giữa 3 nhà: Nhà đài, nhà sản xuất nội dung và khán giả xem truyền hình.

Đại biểu Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tham gia phiên đối thoại
 Đại biểu Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tham gia phiên đối thoại

Liên quan đến hoạt động số hóa truyền hình tại Nhật Bản, đại diện Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản chia sẻ quá trình số hóa truyền hình tại đất nước mặt trời mọc kéo dài 10 năm, trong đó 2 năm cuối cùng là khó khăn nhất. Trong công cuộc số hóa, Cục Phát thanh truyền hình đóng vai trò quan trọng, ngoài ra còn có vai trò phối hợp không thể thiếu của các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương. Có thể khẳng định số hóa truyền hình là nhiệm vụ của cả Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản.

Phát biểu kết luận phiên đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ cần chuẩn bị kỹ cho Hội thảo giới thiệu về truyền hình thế hệ mới do phía Nhật Bản tổ chức tại Việt Nam tháng 3/2015 để cùng lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm của nước bạn trong công cuộc số hóa truyền hình, tại sao Nhật Bản thành công khi số hóa truyền hình, các yếu tố nảy sinh liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước. Thứ trưởng nhấn mạnh cần nghiêm túc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong số hóa truyền hình để người dân Việt Nam nhanh chóng được hưởng những lợi ích của công nghệ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông

>> ĐỌC TIẾP...
Bình luận
vtcnews.vn