• Zalo

Đợi thi hành xong bản án thì công ty gần...phá sản

Pháp luậtThứ Sáu, 27/04/2012 11:53:00 +07:00Google News

(VTC News) - Gần 2 năm qua đi, Công ty Hải Dương vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định của pháp luật.

(VTC News) – Mặc dù tòa án đã có quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự; Chi cục Thi hành án cũng có quyết định yêu cầu trả lại tiền cho Công ty Trường Xuân. Nhưng gần 2 năm qua đi, Công ty Hải Dương vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định của pháp luật.

Theo đó, vào khoảng tháng 9/2007, Công ty Đóng tàu và Vận tải Hải Dương (nay là Công ty CP CNTT Hải Dương – một công ty “cháu” của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin)  đã kí hợp đồng đóng mới cho Công ty cổ phần Vận tải biển Trường Xuân (Công ty Trường Xuân) 1 tàu vận tải biển trọng tải 2000 tấn. Thời hạn giao tàu là sau 9 tháng kể từ ngày ký hợp đồng và đầy đủ các điều kiện thi công.

Để thực hiện hợp đồng, phía Công ty Trường Xuân đã huy động thêm nguồn lực của cán bộ, nhân viên để đặt cọc cho thực hiện hợp đồng đóng tàu.

Phía công ty Trường Xuân tạm ứng đóng tàu cho Công ty Hải Dương đến ngày 18/4/2008 số tiền là 6,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đóng mới tàu, nhận thấy việc thi công và bàn giao tàu đến ngày 31/12/2008 của Công ty Hải Dương là không khả thi nên Công ty Trường Xuân đã yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng, thanh toán lại toàn bộ tiền gốc và lãi phát sinh cho phía Trường Xuân theo lãi suất.

Đến ngày 8/4/2009, Công ty Hải Dương mới chỉ trả được cho công ty Trường Xuân 2,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại cho đến nay, Công ty Hải Dương vẫn luôn tìm cách khất lần, trốn tránh nghĩa vụ thanh toán, buộc lòng Công ty Trường Xuân phải khởi kiện ra TAND TP Hải Dương.

Ngày 30/9/2010, TAND TP Hải Dương đã ra Quyết định số 05/2010/QĐST-KDTM công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, yêu cầu Công ty Hải Dương có trách nhiệm hoàn trả Công ty Trường Xuân số tiền 5.229.385.000đ.

Ngày 5/11/2010, Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương ra Quyết định thi hành án số 12/QĐ-THA đối với Công ty Hải Dương yêu cầu trả lại số tiền trên cho Công ty Trường Xuân. Vậy nhưng toàn bộ sự việc “đóng băng” cho đến nay, Công ty Hải Dương không thực hiện nghĩa vụ trả tiền theo quy định của pháp luật, mặc dù công ty này thừa điều kiện thi hành án với tổng tài sản theo báo cáo tài chính quý 1/2011 là gần 500 tỷ đồng.  

Về phía Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương cũng chỉ mới “thi hành án trên giấy” chứ không thực hiện cưỡng chế một phần tài sản của Công ty Hải Dương để hoàn trả tiền cho công ty Trường Xuân.

Quá bức xúc, lãnh đạo Công ty Trường Xuân đã nhiều lần gửi đơn đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng (Công ty mẹ của Công ty CP CNTT Hải Dương) yêu cầu được thanh toán số tiền theo quyết định của tòa.

Tuy nhiên, cả 2 đơn vị này đều cho rằng, Công ty Hải Dương là pháp nhân độc lập, phải tự chịu trách nhiệm về việc ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế, cũng như quyết định của tòa án. Hai đơn vị này không thực hiện bảo lãnh cho hợp đồng kinh tế giữa hai bên, do vậy việc đòi nợ họ là không có cơ sở.

Mặt khác, Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng nêu cách giải quyết là chờ Công ty Hải Dương xây dựng phương án khôi phục hoạt động tàu Vinashin Orient, khi tàu đi vào hoạt động có nguồn thu, Tổng Công ty sẽ chỉ đạo Công ty CP CNTT Hải Dương trả nợ.

Trong khi đó, đại diện của Trường Xuân cho rằng, không biết đến khi nào tàu Vinashin Orient mới đi vào hoạt động, có nguồn thu, trong khi số phận công ty Trường Xuân đã ở vào tình thế phá sản.

Mới đây nhất, ngày 03/4/2012, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2169/VPCP - KNTN gửi Bộ Tư pháp để chỉ đạo việc xem xét giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp trong các hợp đồng kinh tế.

 LS. Trương Anh Tú – Trưởng VPLS Trương Anh Tú cho hay, đối chiếu với quy định tại khoản 1, Điều 45 -56 Luật thi hành án dân sự, về trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong vụ việc này là phải thực hiện cưỡng chế thi hành án (kê biên, tịch thu tài sản, tổ chức bán đấu giá đối với bên có nghĩa vụ trả nợ) khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành quyết định thi hành án. Quy định pháp luật trên đây có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo cho các bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành trên thực tế.

Còn theo LS. Phạm Hồng Quảng – VPLS Hưng Giang, trong quá trình thi hành án, việc không kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, kê biên tài sản, cưỡng chế thi hành án sẽ là một kẽ hở để người phải thi hành án có thể lợi dụng để tẩu tán tài sản. Hậu quả là bản án, quyết định có hiệu lực thi hành rất khó thi hành trên thực tế, gây thiệt hại cho người được thi hành án.

Khoản 4, Điều 165 Luật Thi hành án dân sự quy định: “Nếu Chấp hành viên trì hoãn việc thi hành ánthì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Nam Minh

Bình luận
vtcnews.vn