• Zalo

Đòi tăng chiết khấu, 'thủ đoạn' hất cẳng doanh nghiệp Việt của Big C?

Kinh tếThứ Ba, 10/05/2016 06:50:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Big C mau chóng "vòi" chiết khấu có thể là “một biện pháp, một thủ đoạn, một cách thức để “ép” doanh nghiệp Việt phải trả hoa hồng cao, nếu không chấp nhận thì họ đưa hàng Thái vào…”.

(VTC News) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Big C mau chóng "vòi" chiết khấu có thể là “một biện pháp, một thủ đoạn, một cách thức để “ép” doanh nghiệp Việt phải trả hoa hồng cao, nếu không chấp nhận thì họ đưa hàng Thái vào…”.

Khi thâu tóm các hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, các tập đoàn ngoại đều công bố vẫn tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp và hàng Việt Nam. Thế nhưng trên thực tế, không bao lâu sau khi các siêu thị chuyển sang tay người Thái, hàng của nước này đã phủ dần ở các kệ hàng trong siêu thị. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết: Nhiều siêu thị khoe hàng Việt chiếm 80-90% trong hệ thống siêu thị, nhưng điều này không bền vững vì khi BJC của Thái Lan mua Metro, đại diện công ty này từng tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái Lan trong hệ thống siêu thị này. Càng lo lắng hơn vì hàng Thái Lan có chất lượng, giá cả cạnh tranh và đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt.

Đặc biệt, để “hất cẳng” hàng Việt, các siêu thị ngoại đang tìm mọi cách để thu phí, tăng phí đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

“Chiêu” ép doanh nghiệp Việt?

Mới đây, ngay sau động thái Big C về tay Tập đoàn Thái Lan Central Group, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải gửi công văn kiến nghị của các doanh nghiệp thủy sản thuộc CLB hàng nội địa VASEP tới hệ thống Big C Việt Nam, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời giảm tổng mức chiết khấu xuống mức nhỏ hơn hoặc bằng 15%.

Cụ thể, trong số các hệ thống siêu thị đề nghị tăng chiết khấu năm 2016 thì Big C Việt Nam đòi cao nhất, tăng thêm 4,25 - 5% so với năm 2015. Với mức tăng thêm này, doanh nghiệp phải chịu mức chiết khấu lên đến 17 - 20%, thậm chí có mặt hàng chịu chiết khấu lên đến 25%. 

Big C đang “ép” doanh nghiệp phải trả hoa hồng cao, nếu không chấp nhận thì Big C đưa hàng Thái vào? (Ảnh minh họa)
Big C đang “ép” doanh nghiệp phải trả hoa hồng cao, nếu không chấp nhận thì Big C đưa hàng Thái vào? (Ảnh minh họa) 

“Mức chiết khấu này là quá khó khăn cho doanh nghiệp để có thể tồn tại chứ đừng nói đến có lợi nhuận để tái đầu tư” - giám đốc một doanh nghiệp thủy sản than thở.

Trao đổi với PV VTC News về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng: Rất khó để “bắt bẻ” hay kiện Big C bởi siêu thị cũng giống như một cái chợ, không có luật  nào quy định một con số chiết khấu hoa hồng cụ thể (10% hay 20%) khi đưa hàng vào siêu thị, đây chỉ là thỏa thuận theo kiểu “thuận mua, vừa bán” giữa 2 bên, hợp lý thì vào, không hợp lý thì quay ra. 

“Đối với Big C, có thể chủ cũ không ép nhưng giờ chủ mới, họ lại ép, buộc doanh nghiệp ít lợi nhuận hơn. Anh không đồng ý thì anh thôi, không thích nơi này thì tìm nơi khác… Đây là một biện pháp, một thủ đoạn, một cách thức để “ép” doanh nghiệp phải trả hoa hồng cao, nếu không chấp nhận thì Big C đưa hàng Thái vào. Và khi đưa hàng Thái vào, tất nhiên doanh nghiệp Việt sợ mất thị trường vì hàng Thái tràn ngập” – ông Long phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Long: Các doanh nghiệp Việt không nên quá lo lắng khi hàng Thái tràn vào thị trường Việt Nam. Bởi nếu về gốc gác, bản chất, hàng Việt sản xuất chất lượng tốt, giá thành lại hạ, giá bán rẻ hơn so với hàng Thái thì không có lý do gì không thể cạnh tranh được với hàng Thái. 

Vì vậy, bản thân hàng Việt phải nỗ lực, tự cố gắng để thay đổi chất lượng và giá thành của sản phẩm.

Đặc biệt là khi Việt Nam trở thành “một mái nhà chung” hội nhập sâu rộng với nhiều quốc gia trên thế giới, đã tham gia  thị trường tự do ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các doanh nghiệp nội phải nỗ lực, đừng đòi hỏi câu chuyện “ưu ái” hay cơ chế “xin – cho”.  Tất cả đều tuân thủ nguyên lý của thị trường cạnh tranh lành mạnh.

“Không thể có chuyện “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” được. Giả dụ hàng Thái rẻ hơn, chất lượng tốt hơn, chẳng dại gì người tiêu dùng mua hàng Việt. Ngược lại, nếu hàng Thái ngập trong siêu thị Big C mà quá đắt, chất lượng không tốt thì cũng sẽ bị tẩy chay. Ví dụ như hàng Trung Quốc rất rẻ nhưng chất lượng không ra sao, ảnh hưởng tới an toàn vệ sinh thực phẩm, độc tố với môi trường thì cũng bị đánh bật” – ông Long nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt cần “kêu cứu” tập thể

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng khi các nhà đầu tư ngoại nắm được các hệ thống phân phối, bán lẻ thì việc ưu tiên cho hàng nước họ là đương nhiên. Thậm chí, ông còn tuyên bố: “Khi Big C về tay người Thái, chúng ta đã thua 70% ngay trên sân nhà”.

Trước việc doanh nghiệp Việt “kêu trời” về mức tăng chiết khấu của Big C đối với các hợp đồng cung cấp hàng hóa năm 2016 quá cao, chia sẻ với VTC News, ông Phú lưu ý: “Trong luật cạnh tranh có câu: Không được từ chối hàng hóa khi không có lý do chính đáng”. 

Ông Phú nhấn mạnh: Sức ép của Big C đối với các nhà cung ứng hàng hóa phải là “sức ép hợp lý, sức ép của người chân chính, tử tế chứ không phải sức ép cào cấu, muốn làm gì thì làm… Như vậy là không ổn”. 

“Chúng ta luôn coi các doanh nghiệp liên doanh đầu tư vào đây như doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, họ nên giảm chiết khấu, thân thiện với việc phát triển trên đất nước Việt Nam và không ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư tại Việt Nam” – ông Phú nói.

Theo ông Vũ Vinh Phú: Các doanh nghiệp Việt cần khiếu nại về mức tăng chiết khấu của Big C (Ảnh: Internet).
Theo ông Vũ Vinh Phú: Các doanh nghiệp Việt cần khiếu nại về mức tăng chiết khấu của Big C (Ảnh: TPO). 

Theo vị Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Các Bộ ngành, các tỉnh thành và hệ thống Big C cần xem xét kỹ để hỗ trợ cho doanh nghiệp cung ứng bằng các cách như sau:

Thứ nhất, các doanh nghiệp cần đề nghị siêu thị giải trình xem mức tăng chiết khấu như vậy có hợp lý không, cơ sở nào để tăng như vậy?!

Thứ hai, các doanh nghiệp nội cần kiến nghị tập thể lên Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương xem có hiện tượng tập trung kinh tế, ép nhà cung ứng hay không?!

Thứ ba, trong nội tại, các đơn vị sản xuất, các nhà cung ứng cũng phải thay đổi để hạ giá thành, giảm bớt chi phí.

Thứ tư, cần rà soát cả các siêu thị nội, yêu cầu Bộ Công thương công bố công khai các con số chiết khấu của các siêu thị ở Việt Nam để thấy sự chênh lệch cụ thể, chính xác giữa siêu thị nội và siêu thị ngoại.

Với sức ép từ các doanh nghiệp Thái như vậy, các doanh nghiệp sản xuất nội phải ngồi lại với nhau, bàn cách trụ vững, “thắng trên sân nhà” như thế nào. Bởi số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan: 2 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng và linh kiện lên tới 226,9 triệu USD, tăng 20,45% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ thị trường châu Á, trong đó Thái Lan là thị trường cung cấp chính, chiếm trên 50% tổng kim ngạch. 

Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính về số lượng nhập khẩu, hàng xuất xứ Thái Lan đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Đồ dùng gia đình, hàng may mặc do Thái Lan sản xuất có mặt ở gần 9.000 chợ trên cả nước; hàng điện lạnh, điện tử chiếm 70% thị phần, riêng hoa quả chiếm 40% thị phần

Các nhà đầu tư Thái Lan hiện đang đón đầu cơ hội khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN để mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Vì vậy, hàng Việt sẽ chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

“Khi hàng hóa không còn được bày bán nhiều sẽ dẫn đến hệ quả sản xuất cũng dần dần bị thu hẹp. Do vậy, không chỉ thị phần bán lẻ của doanh nghiệp nội bị thu hẹp mà còn kéo theo hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng co lại”, ông Phú nói.

Ngọc Hân

Bình luận
vtcnews.vn