Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, xây dựng lòng tin chiến lược, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế, tăng cường sức mạnh quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị để phát triển đất nước.
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã thực sự trở thành trụ cột then chốt trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là phương thức thực hiện các mục tiêu về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của quân đội trong thời bình.
Đánh giá về vai trò của đối ngoại quốc phòng Việt Nam thời gian qua, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nền đối ngoại Việt Nam đã dạy: Thực lực là cái chiêng, mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to thì tiếng mới lớn. Và phải Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Thực hiện lời dạy của Bác, công tác đối ngoại Quốc phòng luôn làm tốt vai trò là bộ phận quan trọng của đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại Nhân dân”.
Với việc triển khai đồng bộ toàn diện linh hoạt hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương, công tác đối ngoại quốc phòng thời gian qua đã góp phần xây dựng lòng tin, duy trì quan hệ hữu nghị với các nước, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Nhiều mối quan hệ quốc phòng song phương được củng cố, đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc; nhất là quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước bạn bè truyền thống.
Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối ngoại quốc phòng với hơn 100 quốc gia, trong đó hầu hết là các đối tác chủ chốt; đã đặt 33 cơ quan Tùy viên quốc phòng thường trú tại các nước và tại trụ sở Liên hợp quốc; 52 nước đã đặt cơ quan Tùy viên quốc phòng, Tùy viên quân sự tại Việt Nam.
Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối ngoại quốc phòng dưới mọi hình thức như trao đổi các đoàn quân sự các cấp, tham vấn - đối thoại quốc phòng, tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế... nhằm tăng cường tình hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột. Thông qua đối ngoại quốc phòng, bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam; về tính chất quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam cùng truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Đối ngoại quốc phòng đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đối ngoại và quốc phòng. Thứ nhất là nó góp phần quan trọng tăng cường tin cậy chính trị, đan xen lợi ích nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa và giữ vững môi trường hòa bình ổn định cho phát triển của đất nước.
Thứ hai là bên cạnh góp phần nâng cao vị thế uy tín quốc tế của đất nước và quân đội ta, thì đối ngoại quốc phòng còn tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài, cho tăng cường cái tiềm lực quốc phòng góp phần nâng cao tiềm lực và sức mạnh tổng hợp của quốc gia”.
Thời gian qua, Việt Nam được ASEAN và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao về những nỗ lực vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, tham gia chủ động tích cực, hiệu quả, góp tiếng nói quan trọng, thể hiện vai trò chủ đạo, kiến tạo trong tất cả các cơ chế hợp tác quốc phòng mà Việt Nam tham gia như: ADMM, ADMM+, Đối thoại ShangriLa, Diễn đàn Hương Sơn-Bắc Kinh, diễn đàn an ninh quốc tế Moscow, góp phần nâng tầm vị thế, củng cố vai trò của Việt Nam, cũng như tạo thêm xung lực cho hòa bình an ninh phát triển của khu vực và thế giới.
Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ để lại dấu ấn tốt đẹp về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời đại mới; nêu bật lòng dũng cảm, tinh thần tự lực, tự cường và cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo của các lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam trong triển khai nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự gần gũi, gắn bó, hết lòng giúp đỡ người dân địa phương, tạo hình ảnh lực lượng "mũ nồi xanh" của Việt Nam thực sự là “sứ giả của hòa bình và tình hữu nghị”.
Sau 10 năm triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến các khu vực xung đột, Việt Nam đã cử hơn 900 lượt quân nhân, cảnh sát tham gia các Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Khu vực Abyei; triển khai 6 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Nam Sudan, 3 Đội Công binh tại Phái bộ Khu vực Abyei.
Sự chủ động và tích cực của Việt Nam đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam trách nhiệm, thân thiện, nghĩa tình, thủy chung, yêu chuộng hòa bình... trong mắt bạn bè quốc tế; đồng thời, khẳng định năng lực hội nhập quốc tế và làm việc trong môi trường đa phương của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Liên hợp quốc và các đối tác quốc tế đánh giá cao.
Phó tổng thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix đánh giá: “Kể từ lần đầu tiên được triển khai năm 2014, lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam đã góp phần vào các hoạt động hòa bình ở những môi trường rất đa dạng và khó khăn. Từ Cộng hòa Trung Phi đến Nam Sudan và Abyei.
Sự cống hiến của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam với tính chuyên nghiệp xuất sắc và cam kết rất mạnh mẽ của họ đối với các giá trị của Liên hợp quốc đã tạo nên sự khác biệt cho nhiều nhóm dân cư và cộng đồng dễ bị tổn thương. Liên hợp quốc vô cùng biết ơn sự phụng sự của lực lượng này”.
Có thể khẳng định, hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng là “chìa khóa” để kiến tạo và tăng cường lòng tin chiến lược với các nước trong khu vực và trên thế giới; là “trụ cột” để nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là đối với các nước lớn, các nước đối tác, cũng như các nước khác biệt về chế độ chính trị.
Đây là vấn đề rất quan trọng trong tình hình và xu thế hiện nay, vừa góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước nói chung, Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế, vừa là thành tố quan trọng trong kiến tạo, gìn giữ môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, mở ra cơ hội để chúng ta tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để xây dựng Quân đội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương vào cuối tháng 8 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc theo phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Kịp thời nhận diện, xử lý đúng đắn, hài hòa, linh hoạt đối tác, đối tượng, không để bị động, bất ngờ; ngăn ngừa nguy cơ xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc”.
Những thành tựu quan trọng của hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng thời gian qua, đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, nhất là trong xử lý các quan hệ quốc tế và làm sâu sắc thêm bài học về nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; kết hợp linh hoạt giữa hợp tác và đấu tranh, xử lý tốt mối quan hệ quốc phòng với các nước trong và ngoài khu vực, đặc biệt là các nước lớn, tạo thế đan xen lợi ích, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, ngăn ngừa xung đột và nguy cơ chiến tranh, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Bình luận