Hơn 11h, dù nắng gay gắt nhưng anh Nguyễn Văn Thu (thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, thành phố Nam Định) vẫn cố gắng bấm tỉa nốt vườn quất cảnh của mình trước khi nghỉ trưa. Vườn quất cảnh của anh Thu có khoảng 400 gốc cây, được trồng đan xen nhau, trong đó có 200 cây chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, có thể bán cho khách chơi vào dịp Tết Nguyên đán 2025.
“Tùy từng thời điểm nhưng nhìn chung bình quân quất cảnh trong vườn của tôi có giá từ 1 - 5 triệu đồng/cây. Do đó, nếu chăm sóc tốt, gia đình tôi có thể thu nhập khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đổi lại, gia đình tôi phải chấp nhận cảnh cả năm lăn lộn ngoài vườn không kể nắng mưa”, anh Thu nói.
Đôi tay cầm kéo, liên tục cắt tỉa lá, anh Thu cho biết, đây là thời điểm cây quất chuẩn bị ra hoa, vì thế người trồng phải bấm tỉa lộc non để tạo dáng cuối cùng cho cây, đồng thời, dồn chất dinh dưỡng, thúc cây ra thật nhiều hoa.
“Dù trời nắng nóng nhưng do là thời điểm quan trọng để tạo hình cho cây nên chúng tôi buộc phải đội nắng để làm việc. Những thứ để người nông dân chống chọi với thời tiết khắc nghiệt là chiếc ô dù bằng vải, đội thêm mũ nón, một số ít người có thể đầu tư tiền mua áo điều hòa để giảm nhiệt. Dù nhiều người cố gắng đi làm thật sớm từ 6h sáng cho mát nhưng thực tế, lượng công việc quá nhiều nên ai phải làm đến sát giờ trưa mới nghỉ”, anh Thu chia sẻ.
Ông Bùi Văn Tài cũng cho biết, hôm nay ông qua bấm tỉa vườn quất giúp gia đình nhà anh Thu hoàn toàn miễn phí, không lấy một đồng công nào. Bởi vì ở làng Vạn Diệp, 100% người dân đều sinh sống bằng nghề trồng quất cảnh, người dân thay vì thuê người làm thì tự thỏa thuận “đổi công” cho nhau để tiết kiệm chi phí và sức người.
“Hôm nay, tôi sang làm giúp cho vườn nhà chú Thu, mấy hôm nữa, nhà chú ấy lại kéo sang làm cho nhà tôi. Cứ thế nay làm nhà này, mai làm nhà kia, vừa có thêm người giúp đỡ, vừa không phải bỏ tiền thuê nhân công. Ở đây, việc đổi công diễn ra rất phổ biến”, ông Tài nói.
Theo chia sẻ của những người dân làng Vạn Diệp, giống cây quất cảnh Nam Phong nhiều năm gần đây đã có thương hiệu trên cả nước. Mỗi khi đến gần Tết Nguyên đán, người dân từ khắp nơi đổ về chọn lựa tại vườn, đua nhau chốt cây, đặt cọc. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập như ngày hội cả tháng trời.
“Chúng tôi mua cây giống với giá khoảng 200.000 đồng, trồng khoảng 2-3 năm là có thể có cây thành phẩm để bán cho khách hàng. Chăm sóc quất cảnh cần rất nhiều công sức, vì thế gần như này nào chúng tôi cũng có mặt ngoài vườn quất, không nhổ cỏ thì cắt lá, tỉa cảnh, xới đất, phun thuốc…chúng tôi thường nói đùa rằng thời gian chăm quất của đàn ông làng này còn nhiều hơn thời gian chăm vợ con”, ông Tài cười nói.
Nói về các công đoạn chăm sóc cây quất cảnh, người dân làng Vạn Diệp cho biết, khi cây bắt đầu ra quả, chủ vườn sẽ phải dành 100% thời gian để chăm sóc để cây cho chất lượng quả tốt nhất: “Phải chăm sóc sao cho cay đủ chất dinh dưỡng, đạt mã đẹp nhất, độ bền cao nhất, dáng cây cũng được chỉnh sửa để không bị hỏng bởi quả nặng”.
Theo những người dân xã Nam Phong, dù công việc trồng quất khá vất vả nhưng họ vô cùng yêu công việc của mình. Bởi việc chăm sóc vườn quất hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao, thậm chí giúp nhiều người "đổi đời". Vì thế, trên cánh đồng quất bạt ngàn của thôn Vạn Diệp luôn xuất hiện những tiếng cười.
Bình luận