• Zalo

Đổi múi giờ thành GMT+8: Những lý do không cần thiết

Kinh tếThứ Sáu, 03/01/2014 11:55:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chuyên gia nghiên cứu Lịch bày tỏ quan điểm xung quanh tranh luận việc Việt Nam cần hay không đổi múi giờ từ GMT+7 lên thành GMT+8.

(VTC News) - Chuyên gia nghiên cứu Lịch bày tỏ quan điểm xung quanh tranh luận việc Việt Nam cần hay không đổi múi giờ từ GMT+7 lên thành GMT+8.

Xung quanh tranh luận việc Việt Nam cần hay không đổi múi giờ từ GMT+7 lên thành GMT+8 để từ đó thu được nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế xã hội được VTC News đăng tải thời gian qua cho thấy, 56% ý kiến độc giả cho rằng không nên đổi múi giờ, có 29% số người tham gia cuộc thăm dò ý kiến cho rằng nên đổi lại múi giờ.

Kết quả thăm dò ý kiến tới sáng ngày 3/1/2014
Kết quả thăm dò ý kiến tới sáng ngày 3/1/2014 

VTC News cũng đã đăng tải những phân tích dưới góc độ khoa học của ông Nguyễn Đức Phường – Đại học Quốc gia và PGS-TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam về vấn đề này. Qua đó có thể thấy, dưới góc độ khoa học, các chuyên gia cho rằng: Việc các quốc gia thuộc múi giờ nào được tính theo nước đó nằm ở kinh tuyến thế nào đối với trái đất.

Việt Nam có nên đổi múi giờ thành GMT+8?

  • Nên
  • Không nên
  • Cần có nghiên cứu
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Việc phân chia các múi giờ chỉ tương tự như phân định các cột mốc chứ không có gì đặc biệt. Và múi giờ được phân chia không phụ thuộc vào tình hình kinh tế của các quốc gia nằm trong các múi giờ khác nhau.

"Nếu như một quốc gia nào đó trải rộng trên nhiều múi giờ khác nhau thì họ có thể chọn một múi giờ chuẩn  trong các múi giờ đó để qui định thời gian địa phương tại quốc gia đó, trong khi Việt Nam của chúng ta nằm trong múi giờ thứ +7 thì chẳng có lý do gì để chọn múi giờ +8", ông Nguyễn Đức Phường – Đại học Quốc gia nói.
Chưa có nghiên cứu nào nói rằng, việc đổi múi giờ đem lại lợi ích to lớn.
Chưa có nghiên cứu nào nói rằng, việc đổi múi giờ đem lại lợi ích to lớn. 

Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Đặng Ngọc Dinh đề xuất, không nên thay đổi múi giờ hiện tại của Việt Nam, hay chăng chúng ta có thể nghiên cứu xem có thể thay đổi múi giờ theo mùa đông và hè để nâng cao hiệu quả hơn hoạt động của cộng đồng vì hiện cũng chưa có nghiên cứu cụ thể nào khẳng định việc thay đổi múi giờ sẽ giúp một quốc gia phát triển hơn.

VTC News giới thiệu thêm bài viết nêu ý kiến của ông Trần Tiến Bình - Phòng nghiên cứu Lịch coi như lời kết cho chuyên đề này.

"Đổi múi giờ thành GMT +8, những lý do không cần thiết

Nhà nghiên cứu Lịch Trần Tiến Bình 
Gần đây trên mạng có một số ý kiến về việc đổi sang múi giờ GMT +8 hay áp dụng theo giờ mùa hè, tôi xin nêu mấy lý do để khẳng định việc "không cần thiết" như sau:


Trong thế kỷ vừa qua, trong từng vùng hay toàn lãnh thổ Việt Nam đã trải qua 10 lần thay đổi giờ chính thức, nhiều khi chỉ để phục vụ mục  đích tạm thời của nhà cầm quyền như việc Phát xít Nhật buộc Đông Dương phải dùng theo múi giờ thứ 9 của Tokyo sau khi đảo chính Pháp năm 1945.

Việc Chính phủ ta (vào các năm 1945, 1967 và 2002) quy định lấy múi giờ thứ 7 làm giờ chính thức của Việt Nam cũng như Âm lịch sử dụng ở nước ta được tính theo múi giờ này đã khẳng tính khoa học và văn hoá dân tộc.

Hầu hết lãnh thổ Việt Nam nằm trong múi giờ GMT +7, trừ một số đảo ở Hoàng Sa hay Trường Sa nên việc chọn múi giờ này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện địa lý của Việt Nam.

Thời gian làm việc hay sinh hoạt của con người là một khoảng thời gian cố định phù hợp với đồng hồ sinh học và điều kiện kinh tế. Nếu buổi chiều chúng ta nghỉ sớm hơn 1 giờ so với hiện nay thì buổi  sáng chúng ta lại phải dậy sớm hơn 1 giờ, trong khi giờ Mặt trời mọc - lặn trên lãnh thổ Việt Nam (theo giờ quốc tế) không có gì thay đổi.

Như vậy xảy ra trường hợp chúng ta có thể đi làm khi Mặt trời chưa mọc hay kết thúc công việc lúc Mặt trời còn chưa lặn.

Không có sở cứ nào khẳng định, thị trường chứng khoán hay thị trường vàng sẽ tốt hơn khi chúng ta có cùng múi giờ với với các trung tâm tài chính châu Á ở Hồng Kông hay Singapor, vì hiện chúng ta chậm hơn những nơi này 1 giờ trong khi trung tâm tài chính lớn nhất ở New York chậm sau chúng ta cả nửa ngày.   

Áp dụng giờ mùa hè chỉ có ý nghĩa đối với các nước ngoài Chí tuyến (> 23 độ 27' hay < - 23 độ 27') còn các nước nằm trong vùng Chí tuyến như nước ta thì không mấy hữu hiệu.

Thí dụ ở London vào tiết Hạ chí (~ 21/6) Mặt trời mọc lúc 3 giờ 43' và lặn lúc 20 giờ 21', còn ở tiết Đông chí ( ~ 21/12)  Mặt trời mọc lúc 8 giờ 4' và lặn lúc 15 giờ 54', nghĩa là chênh nhau đến hơn 4 giờ; Còn ở Tp HCM, vào tiết Hạ chí Mặt trời mọc lúc 5 giờ 33' và lặn lúc 18 giờ 18'; trong khi ở tiết Đông chí Mặt trời mọc vào 6 giờ 07' và lặn lúc 17 giờ 36'. Như vậy, chỉ chênh khoảng nửa tiếng đồng hồ.

Thêm lý do nữa cho việc không cần thiết phải đổi múi giờ ở Việt Nam là vì việc này sẽ kéo theo nhiều thay đổi và tốn kém.

Vào năm 2005, đã có ý kiến dùng chung một múi giờ trong ASEAN nhưng cuối cùng không thực hiện được vì gặp phải sự phản đối.

Mọi người thấy rằng ngay như Cộng đồng châu Âu cũng sử dụng nhiều múi giờ khác nhau của các nước thành viên. Ngoài lý do kinh tế còn cả vấn đề văn hoá, điều này cũng giống như việc Uỷ ban cải cách lịch thế giới muốn đưa ra một lịch thế giới  tiện lợi hơn Dương lịch hiện thời (lịch Gregorius) nhưng không được Liên hiệp quốc thông qua vì lịch Gregorius không những gắn với hơn tỷ người công giáo trên thế giới mà còn là một phần văn hoá của nhân loại hơn 4 thế kỷ qua.  

Âm lịch đang dùng ở nước ta liên quan đến các ngày Tết, lễ hội, giỗ kị... nhiều lúc khác với Âm lịch tính theo múi giờ GMT +8 (lịch Trung Quốc). Một sự xáo trộn sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.

Trần Tiến Bình

(Phòng nghiên cứu Lịch)"

Việt Nam có nên đổi múi giờ thành GMT+8?

  • Nên
  • Không nên
  • Cần có nghiên cứu
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến




Bình luận
vtcnews.vn