(VTC News) - TP.HCM sẽ tuyên truyền và cưỡng chế đối với những trường hợp không thực hiện nghiêm vấn đề tiêu chuẩn mũ bảo hiểm.
Từ ngày 15 đến 30/6 tới, cơ quan chức năng TP.HCM sẽ ra quân tuyên truyền, nhắc nhở người dân đội mũ bảo hiểm (MBH) theo đúng tiêu chuẩn chất lượng để đến ngày 1/7 sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.
Tuy nhiên, các quy định liên quan đến đội MBH vẫn đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cơ quan chức năng, nhà sản xuất, phân phối lẫn người dùng. Trong khi cơ quan chức năng dù tiến hành họp đưa ra giải pháp thấu đáo cho vấn đề nhưng vẫn rối…
Hơn 60% vẫn không đạt chuẩn
Ông Đỗ Ngọc Chính, Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – Vinastas) thẳng thắn chia sẻ, từ khi quy định bắt buộc đội MBH (năm 2007), Vinastas đã tổ chức 5 đợt khảo sát về tiêu chuẩn chất lượng MBH trên các tỉnh, thành cả nước (trong đó, TP.HCM là địa phương khảo sát nhiều nhất).
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra, thu giữ MBH rởm tại một cửa hàng đầu mối ở quận 5 |
Đến nay vẫn còn 60% MBH không đạt chuẩn. Điều đáng lo ngại là các đợt khảo sát trên đều ở các cửa hàng, đại lý có địa chỉ, hóa đơn và tem dán hợp quy đàng hoàng. “Nếu khảo sát ở các điểm bán trôi nổi trên thị trường, các điểm bán dạo, không có địa chỉ rõ ràng, không biết còn số MBH không đạt chất lượng sẽ tới đâu nữa”, ông Chính lo ngại.
Đề cập đến chất lượng MBH, đại diện Vinastas đưa ra thực trạng đáng quan ngại khi mẫu và quy chuẩn sản xuất MBH đưa ra thì rất tốt nhưng khi sản xuất lại có vấn đề. Điều này cần đặt câu hỏi đối với nhà sản xuất là tại sao như vậy. Bên cạnh đó, hiện tại ngay cả các cửa hàng kinh doanh MBH chính hãng dù có dán tem CR vẫn không thể khẳng định 100% đạt hết chất lượng.
Bởi, hiện nay sau khi được chứng nhận đảm bảo chất lượng, việc in tem số lượng bao nhiêu là do doanh nghiệp tự quyết định, điều này đã tạo ra lỗ hổng quản lý. Doanh nghiệp có thể tự in tem để hợp thức hóa cho những lô hàng kém chất lượng là một nhận định còn chủ quan, nhưng với cơ chế hiện nay những mẫu tem CR rất dễ bị đánh cắp tại các cơ sở in ấn.
Ông Nguyễn Thành Hiển, Chi Cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Dương lại nêu ra thực trạng đáng buồn hơn khi có trong tổng số 28 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thì đa số người lao động đội MBH không đạt chuẩn, chủ yếu mua MBH 1 lớp tại các điểm bán dạo lề đường do giá thành rẻ và phù hợp với thu nhập người lao động.
Trong khi các điểm bán MBH “rởm” vẫn không ngừng mọc lên và chủ yếu bán vào những thời gian và địa điểm mà cơ quan chức năng khó kiểm soát như buổi trưa, ban đêm…
Còn trung tá Lương Văn Thanh, Phó đội trưởng đội điều tra giải quyết TNGT và tuyên truyền (Công an tỉnh Bình Dương) trao đổi, với lượng MBH chưa đạt chuẩn lớn trên thị trường như vậy thì việc áp dụng xử phạt người dân tham gia giao thông có vội vàng quá không?
Việc người dân đội MBH không đạt chuẩn một phần chỉ là ý thức chưa cao nhưng trách nhiệm trước hết phải thuộc về cơ quan chức năng và nhà sản xuất.
Tuyên truyền và cưỡng chế
Theo tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, thực trạng khi công bố MBH đạt chuẩn nhưng kiểm tra lại không đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao.
Do vậy, Ủy ban ATGT quốc gia đã kiến nghị Chính phủ để Bộ Khoa học – Công nghệ “hạ chuẩn” nhằm tạo điều kiện cho đa phần MBH bán tại các quầy đều hợp quy. Hiện Bộ Khoa học – Công nghệ cũng dùng dằng chưa dám đưa ra vì nếu “hạ chuẩn” mà xảy ra TNGT chết người nhiều liên quan đến MBH thì rất… sợ.
Đối với vấn đề quản lý người sử dụng rất nan giải từ xưa tới nay nên cần thông qua tuyên truyền kết hợp với cưỡng chế để người dân thay đổi nhận thức. Bởi, thực tế khi áp dụng các biện pháp tuyên truyền thì người dân vẫn chưa thay đổi ý thức nhiều, tình trạng đội MBH không đúng quy định lại “mọc như nấm”, ông Tạo kiến nghị.
Dù có giấy chứng nhận hợp quy nhưng nhiều cơ sở sản xuất MBH vẫn lo bị thu hồi, tiêu hủy |
“Làm sao chúng ta sản xuất được trên 80 đến 90% MBH đạt chất lượng thì khi đó mới bàn đến chuyện xử phạt, còn trước hết cần phải làm sao sản xuất đúng chuẩn và tuyên truyền cho người dân hiểu được tác hại của việc đội MBH không đúng chất lượng”, trung tá Lương Văn Thanh nêu rõ.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho hay, trước khi tiến hành xử phạt, đề nghị Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp cùng Bộ Công an thống nhất xác định rõ điều kiện xử phạt, phạt ra sao, MBH hợp chuẩn phải đáp ứng tiêu chí như thế nào...
Khi MBH sản xuất đưa ra ra thị trường không đảm bảo chất lượng, trước hết trách nhiệm thuộc về đơn vị đó. Sau đó phải là chính quyền địa phương nơi trú đóng của đơn vị sản xuất MBH.
Thế nhưng, giải pháp trước mắt và thiết thực nhất vẫn là tuyên truyên sâu rộng đến quần chúng nhân dân. Cụ thể, từ ngày 15 đến 30/6, TP.HCM sẽ triển khai chiến dịch tuyên truyền trước khi chính thức áp dụng xử phạt MBH kém chất lượng từ ngày 1/7.
200 nghìn đồng cho 1 MBH đạt chuẩn
Tại Hội thảo tăng cường triển khai chỉ đạo, quản lý và thực thi chính sách pháp luật liên quan đến chất lượng MBH, cơ quan chức năng trung ương và các tỉnh, thành khu vực phía Nam cho rằng, trước khi triển khai xử phạt MBH không đạt chuẩn từ ngày 1/7, các đại biểu dự hội thảo đều cho rằng, nhà sản xuất MBH hợp quy cần đưa ra mức giá phù hợp với nhu cầu bình dân của đa số người dân.
Theo đó, nên đưa ra mức giá bình quân 200 nghìn đồng/MBH đạt chất lượng, để phù hợp với đa số thu nhập của người dân, đồng thời, triển khai nhiều điểm đổi MBH cũ lấy mới, để tạo điều kiện cho người dân xài được nhiều MBH đúng chất lượng.
Theo quy định, MBH đúng quy chuẩn phải có đủ 3 lớp (vỏ mũ – đệm hấp thụ xung động bên trong – quai mũ), ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và có dấu hợp quy CR.
Tuấn Hưng – Sỹ Hưng
Bình luận