• Zalo

Đổi mới không làm cặp học sinh nặng thêm

Giáo dụcThứ Bảy, 27/09/2014 08:18:00 +07:00Google News

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ có nhiều điểm khác trước và giảm tải cho học sinh.

(VTC News) – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này sẽ có nhiều điểm khác trước và giảm tải cho học sinh.

Sáng 27/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp bàn thảo luận về tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Góp ý cho đề án, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lo lắng  nhiều bộ SGK sẽ làm nặng cặp sách của học sinh vì phụ huynh, giáo viên sẽ muốn con em tham khảo nhiều sách khác nhau.
Ông Phùng Quốc Hiển lo ngại việc có nhiều bộ sách giáo khoa sẽ khiến học sinh vác cặp nặng hơn  vì phụ huynh muốn các em thao khảo nhiều sách
Bên cạnh đó, ông Hiển cũng đồng tình cần có 1 bộ sách giáo khoa cơ bản của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, ông Hiển vẫn tỏ ra băn khoăn về chất lượng của các bộ sách giáo khoa khác.

Chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến: “Bộ vừa tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa, vừa thẩm định thì có khách quan hay không?”

Ông Phúc mong muốn có một bộ sách giáo khoa chuẩn, huy động được trí tuệ, sáng tạo của các tổ chức cá nhân biên soạn và đề nghị Bộ không soạn, chỉ nên thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ khác chỉ là sách tham khảo. Nhiều bộ thì rất dễ giáo viên học sinh phải mua nhiều, tham khảo nhiều, con nhà nghèo không có tiền để mua nhiều.

“Các nước đã vận dụng cách này nhiều. Việt Nam đi sau thì nên học tập. Làm như vậy thì sẽ có 1 bộ sách giáo khoa chuẩn, khách quan, cũng giảm được chi phí đi. Theo đó, bộ sách giáo khoa nào được chọn thì mới được cấp kinh phí” – ông Phúc nêu ý kiến.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này phải giúp học sinh giảm tải  (Ảnh: Phạm Thịnh)
Trả lời những câu hỏi của các thành viên Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một đề án lớn và khó thực hiện. Việc đổi mới chương trình sách giáo khoa được nhân dân rất quan tâm và thực ra một số công việc đã bắt đầu thực hiện cách đây 1 năm.

Từ năm 1981, việc đối mới đã được thực hiện, sau đó cứ trung bình 15-20 năm lại có một lần đổi mới. Khi đánh giá Nghị quyết 40 thì cũng đã đánh giá những cái cơ bản.

“Vậy tại sao bây giờ lại tiếp tục đổi mới? Chắc đây là điều trăn trở lớn nhất”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ cùng lãnh đạo ở Bộ GD-ĐT đã gặp rất nhiều các chuyên gia để lắng nghe những góp ý cho việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này.

“Chúng tôi đã họp chung rất nhiều và thậm chí cũng nghe riêng ý kiến các đồng chí lão thành đến những cán bộ giáo dục còn rất trẻ. Đó là những người có tâm huyết với đổi mới giáo dục”, Phó Thủ tướng thông tin.

Sau khi lắng nghe ý kiến của của các chuyên gia, đa số đều cho rằng vẫn phải đổi mới vì trên thế giới, những nước có nền giáo dục phát triển nhất hiện tại cũng đặt ra vấn đề thay đổi chương trình, sách giáo khoa.

Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT phải có riêng một đề án về hệ thống giáo dục. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến giáo dục sau phổ thông sẽ liên thông dọc thế nào, liên thông ngang ra làm sao, liên thông chéo thế nào để vừa đảm bảo theo chuẩn quốc tế để hội nhập đồng thời cũng hướng tới xã hội học tập suốt đời.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều điểm mới trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này khác biệt so với những lần trước.

Trước đây chúng ta vẫn có chương trình và sách giáo khoa nhưng cái chương trình trước đây nó rất cô đọng như một cái bài chỉ có phần I, II, III, IV… còn chương trình bây giờ nó sẽ là chương trình cụ thể hơn rất nhiều.

Chương trình bây giờ sẽ là 1 rồi đến a, b, c, rồi đến các gạch đầu dòng. Đó sẽ là cơ sở pháp lý để sau này chúng ta đánh giá, kiểm định.

“Tôi cho rằng, đó là điểm thay đổi rất mới. Tức là có phần tách bạch giữa chương trình và sách giáo khoa ra. Trên tinh thần, chương trình là pháp định và rất cụ thể, chi tiết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan những điểm mới trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Trước đây, những cán bộ viết chương trình và sách giáo khoa cơ bản là một. Tuy nhiên, đề án đổi mới lần này sẽ có sự tách bạch rõ ràng. Thậm chí, ngay trong phần dự trù kinh phí cũng có sự thể hiện chi tiết cho phần viết chương trình, phần viết sách giáo khoa.

Trả lời cho những câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách – Phùng Quốc Hiển, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Nhiều bộ sách giáo khoa không phải trong cặp học sinh sẽ nhiều sách hơn. Tinh thần chung vẫn phải là giảm tải”.

Ông Đam cho rằng kiến thức của thế giới thì ngày càng nhiều vì vậy muốn giảm tải thì phải thay đổi cách làm. Vì vậy, đề án đổi mới lần này phải chú ý đến vấn đề giảm tải cho học sinh.

 

Nhiều bộ sách giáo khoa không phải trong cặp học sinh sẽ nhiều sách hơn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
 
Trước những băn khoăn về tính khách quan khi Bộ GD-ĐT cũng tham gia biên soạn sách giáo khoa, Phó Thủ tướng cũng đã có những lý giải về vấn đề này.


Phó Thủ tướng cho biết ban đầu Chính phủ trình ra 2 phương án. Phương án 1 là Bộ GD-ĐT soạn 1 bộ sách và khuyến khích các tổ chức các nhân cũng soạn sách. Phương án 2 là Bộ GD-ĐT chỉ soạn chương trình, không soạn sách.

Khi ban soạn thảo làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban đã đề nghị Chính phủ nên bàn kỹ.

Quan điểm của Ủy ban là nếu để các tổ chức, cá nhân làm mà Bộ GD-ĐT không làm thì sẽ mất đi tính chủ động, trong khi đó, ấn định thời điểm đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

“ Vì vậy, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội đề nghị Chính phủ nên chọn phương án Bộ GD-ĐT cũng được giao làm 1 bộ sách. Chính phủ không nên trình 2 phương án vì nếu trình 2 phương án, Quốc hội khó quyết”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về kinh phí, Phó Thủ tướng cho biết, trước đây ban soạn thảo đề án đã đưa tất cả các kinh phí liên quan đến việc kiên cố hòa trường lớp học nên dẫn tới số tiền rất lớn. Đó là bao gồm cả kinh phí của 4 – 5 đề án trong số 18 đề án của Chính phủ.

Sau đó, lãnh đạo Chính phủ đã bàn bạc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT để xác định rõ các loại kinh phí này.

“Việc kiên cố hóa trường lớp học và tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của các trường sư phạm thì dù có không đổi mới chương trình sách giáo khoa, chúng ta vẫn phải làm.Thủ tướng mới phê duyệt đề án kiên cố hóa trường lớp học đến năm 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020”, Phó Thủ tướng thông tin.

Trong khi làm đề án này, lãnh đạo Chính phủ cho biết cũng đã tiếp thu kinh nghiệm thế giới nhưng có sự chọn lọc cho phù hợp và theo một định hướng rõ ràng.

“Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ đưa đề án này ra Quốc hội, sau đó  căn cứ vào đó Chính phủ sẽ phê duyệt và làm đề án. Trong quá trình làm Đề án này, còn rất nhiều việc phải làm tiếp tục, Chính phủ cũng cố gắng với tinh thần khắc phục được căn bản những bất cập để có một chương trình mới thực sự đáp ứng yêu cầu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn