Trường “lách luật”
Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) là một trường dân lập, vì vậy nguồn giáo viên giảng dạy nhà trường hoàn toàn phải thuê từ các trường công lập nên rất khó có thể thay đổi thời khoá biểu để phù hợp với lịch học mới. Để chấp hành quy định của UBND thành phố Hà Nội về khung giờ học mới, trường THPT Lương Thế Vinh đã “giam” học sinh đến 19h mới được cho về dù giờ học của các em đã kết thúc vào lúc 17h15.
Tuy nhiên, lãnh đạo trường THPT Lương Thế Vinh cũng chia sẻ nhiều lúc vẫn phải linh động cho học sinh về sớm đối với một số em học sinh có cha mẹ đón từ 5h30 đến 6h.
Theo quan sát của PV chiều tối 3/2, tại cổng trường THPT Lương Thế Vinh, nhiều cha mẹ đã có mặt từ 18h để chờ con trong khi phải đến 19h các em học sinh mới được ra về theo quy định. Nhiều phụ huynh sau khi tan sở đã về đứng đợi con vì quãng đường về nhà rất xa.
Chị Hương, (nhà ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ : "Cơ quan tôi cũng gần đây, tiện về rồi đón cháu luôn nhưng mấy ngày nay đều phải chờ cả tiếng đồng hồ. Có hôm tôi phải lấy lý do nhà có việc để cho cháu về sớm. Nhưng không phải ngày nào cũng làm được vậy".
Học sinh vẫn được linh động cho về sớm dù chưa tới 19h (Ảnh: Phạm Thịnh)
Bên cạnh đó, trường THPT Lương Thế Vinh cũng có một số lớp chỉ học 4 tiết buổi chiều nên thời gian các em tan học sẽ là 16h30. Do đó nhà trường cũng giải quyết cho các em về sớm vì đây là khoảng thời gian chưa xảy ra ùn tắc tại các khu vực giao thông.
Cùng cách làm tương tự với trường THPT Lương Thế Vinh, một số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội cũng chọn cách đẩy thời gian kết thúc học buổi chiều trước 16h30 và cho học sinh về sớm. Theo lý giải của lãnh đạo một số trường tư thục, khoảng thời gian này, mật độ giao thông ở Hà Nội thưa thớt nên hoàn toàn có thể để các em về mà không gây ra ùn tắc giao thông.
Thầy Nguyễn Trọng Vĩnh - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu cho biết, mặc dù có quy định về khung giờ mới nhưng nhà trường vẫn tổ chức lịch học như trước và giờ tan học của học sinh là trước 17h. Việc thực hiện này đã được trường báo cáo lên Sở GD&ĐT Hà Nội.
“Do trường tổ chức học hai buổi/ngày chứ không phải học hai ca nên việc bố trí linh động sẽ tối ưu hơn so với việc thực hiện cứng. Hơn thế nữa phần lớn học sinh các cấp học ở trường tôi đều sử dụng dịch vụ xe đưa đón của trường”. Thầy Vĩnh lý giải nguyên nhân của việc “lách luật”.
Liệu học sinh có thể tập trung học tốt nếu giờ học kéo dài đến 19h?
Sở GD&ĐT “tuýt còi”
Ngay sau khi nhận được văn bản báo cáo của các trường THPT và một số phòng GD&ĐT đề nghị được thực hiện giờ học điều chỉnh riêng của các trường để giải quyết những khó khăn của các đơn vị này, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã có công văn trực tiếp xuống các trường quán triệt vấn đề này.
Ngày 4/2, trao đổi với PV VTC News, ông Mai Sỹ Nhật, trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau khi có thông tin một số trường “lách luật” để cho học sinh về sớm, Sở đã có công văn chỉ đạo ngay lập tức.
Học sinh về học muộn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng nhấn mạnh: “các trường học không được tự phép đặt ra giờ làm việc và học tập của riêng mình và chủ động tìm các giải pháp khắc phục khó khăn của trường trong quá trình thực hiện”.
Trong quá trình thực hiện các nhà trường cần tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cán bộ giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về những khó khăn, thuận lợi, những giải pháp kiến nghị tháo gỡ.
Bên cạnh đó, các trường cần tính toán kỹ các chi phí phát sinh cho hoat động như (điện thắp sáng, nước sạch, công tác bảo vệ, làm thêm giờ và các chi phí khác nếu có…) để báo cáo sau 1 tháng thực hiện điều chỉnh trong hội nghị của ngành vào cuối tháng 2/2012.
“Tuyệt đối không cho phép nhà trường thu thêm khoản kinh phí nào để phục vụ cho công tác này” - Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội kết luận.
Khung giờ học tập và làm việc mới do UBND thành phố Hà Nội ban hành liệu có hợp lý? Ý kiến đóng góp của bạn đọc xin gửi vào ô thảo luận cuối bài viết.
Phạm Thịnh
Bình luận