• Zalo

Đổi giờ GMT+8: Lợi ích 'khổng lồ' hay bình cũ, rượu cũ?

Kinh tếThứ Hai, 30/12/2013 11:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Nhiều độc giả cho rằng, việc đổi múi giờ từ GMT+7 thành GMT+8 sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nhưng cũng sẽ gây xáo trộn trong sinh hoạt.

(VTC News) – Nhiều độc giả cho rằng, việc đổi múi giờ từ GMT+7 thành GMT+8 sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế nhưng cũng sẽ gây xáo trộn trong sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Lợi ích khổng lồ

Độc giả Đoàn Hữu Nguyên từng có bài viết rất sâu sắc trên báo chí về vấn đề này, theo Hữu Nguyên, cách đây nhiều năm, một vị chuyên gia kinh tế người Nhật đã có chia sẻ về những lợi ích khổng lồ nếu Việt Nam đổi múi giờ theo giờ Singapore, nghĩa là GMT +8, thay vì GMT + 7 như hiện nay.

múi giờ
 
Xét về môi trường tài chính toàn cầu, hầu hết các trung tâm kinh tế khu vực đều nằm trong GMT+8 (Singapore, Kualar Lumpur, Hong Kong, Thượng Hải, Đài Loan...). Vì vậy các tin tức kinh tế tài chính thường đi trước Việt Nam và Thái Lan do mở cửa sớm hơn.

Những tác động tiêu cực nếu có (hiệu ứng domino) sẽ tác động nặng nề đến Thái Lan và Việt Nam (nếu tham gia sâu rộng hơn vào thị trường thế giới) trong khi các thị trường khác trong khu vực đã đóng cửa trước 1 giờ và có thêm một buổi đêm để các nhà đầu tư và hoạch định chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ tỉnh táo suy nghĩ trước khi mở cửa lại thị trường vào sáng hôm sau.

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 đã là một bài học nhãn tiền khi thị trường chứng khoán Bangkok gánh chịu toàn bộ cơn sóng thần bán tháo chứng khoán trong khi thị trường Singapore - nơi khơi mào cơn sóng thần này - đã đóng cửa trước 1 tiếng.

Điều này khiến cho thủ tướng Thai Lan Thaksin, vào năm 2001, tuyên bố dự định dịch chuyển múi giờ thêm 1 tiếng nữa để thúc đẩy kinh tế đất nước, dù rằng, xét về địa lý, Thái Lan cách xa múi giờ GMT+8 hơn Việt Nam chúng ta rất nhiều.

Việt Nam có nên đổi múi giờ thành GMT+8?

  • Nên
  • Không nên
  • Cần có nghiên cứu
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Về thực thi tiết kiệm, việc dịch chuyển múi giờ thêm 1 tiếng sẽ khiến đêm dường như ngắn đi và ngày dường như dài ra.

Hãy tưởng tượng, Sài Gòn vào lúc 7 giờ tối sẽ sáng như 6 giờ hiện nay và 7 giờ sáng sẽ sáng mờ mờ như 6 giờ sáng hiện nay. Điều này mang lại lợi ích gì? Rất nhiều.


Thành phố sẽ lên đèn trễ hơn hiện nay, thay vì 6:00 sẽ là 6:30 hoặc 7:00 theo múi giờ mới, nửa tiếng đồng hồ tiết kiệm điện thắp sáng vào đầu buổi chiều tối sẽ là một khoản tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng.

Chưa kể đến việc người dân sẽ lên giường ngủ "sớm hơn", nếu như giờ đi ngủ thông thường là 10:00, thời gian sử dụng điện sinh hoạt sẽ là 4 tiếng (từ 6:00-10:00), nếu theo múi giờ mới, thời gian sử dụng điện sinh hoạt chỉ là 3 - 3,5 tiếng đồng hồ.

Những khoản tiết kiệm này có thể bị bớt đi một phần khi có một số người dân thức dậy lúc 6:00 sáng (theo giờ mới) mà trời vẫn tối như lúc 5:00 (theo giờ cũ), và đặc biệt là vào tháng 10 âm lịch khi ngày ngắn, đêm dài nhất trong năm, nhưng nhìn chung vẫn không che lấp được những lợi ích thiết thực của múi giờ GMT+8.

“Trong khi nhà nước kêu gọi thực hành tiết kiệm và Tổng Công Ty Điện Lực Việt Nam (EVN) dù có dư tiền tỷ cũng không biết làm gì vì dòng sông cạn nước không chạy thủy điện được, một giải pháp mang tính quyết định dựa trên những thực tế khoa học được ghi nhận đang bị lãng quên. Không biết bao giờ, những vấn đề này mới được phân tích, mổ xẻ một cách nghiêm túc và đi đến kết luận cuối cùng”, độc giả Nguyên bày tỏ.

Đồng tình với quan điểm này, một độc giả khác cũng cho rằng, việc Việt Nam đổi sang giờ GMT + 8 sẽ có rất nhiều điểm thuận lợi.

Cụ thể, nếu như theo giờ cũ thì buổi chiều, tan sở lúc 17h, về đến nhà thì 18h trời đã tối. Nhưng nếu dùng GMT +8, tan sở lúc 17h, nhưng đến 19h mặt trời mới lặn, như vậy sẽ tiết kiệm về mặt năng lượng, nhà nhà sẽ bật điện trễ hơn 1 tiếng, tức là cả nước tiết kiệm được 1 tiếng năng lượng điện mỗi ngày.

“Về mặt xã hội, khi về đến nhà mà trời tối rồi thì con người sẽ có tâm lý ngại rời khỏi nhà, đằng này khi về nhà mà trời chưa tối thì người ta sẽ làm được nhiều việc khác: đi shopping, chơi thể thao, làm việc ngoài giờ... Tạo thêm GDP cho xã hội. Điều này thấy rõ nhất là vào giai đoạn giờ mùa hè các hoạt động trong ngày diễn ra dài hơn và đa dạng hơn”, độc giả này phân tích.

 

Kuala Lumpur và Singapore ở kinh độ thấp hơn Việt Nam, họ lẽ ra phải dùng GMT +7, nhưng 2 nước này lại đang dùng GMT+ 8.

Một độc giả
 
Về mặt kinh tế, tất cả hoạt động làm ăn buôn bán càng ít chênh lệch với quốc tế càng tốt, còn thị trường tài chính có những ngày "đen tối", các thị trường đóng cửa trễ hơn lãnh hậu quả là điều có thật, nhất là kinh tế thế giới càng ngày càng liên hệ chặt chẽ như hiện nay. Lợi ích kinh tế là rất lớn.


Nếu nhìn lên bản đồ một số nước trong khu vực sẽ thấy Kuala Lumpur và Singapore ở kinh độ thấp hơn Việt Nam, họ lẽ ra phải dùng GMT +7, nhưng 2 nước này lại đang dùng GMT+ 8.

...hay bình không mới, rượu cũng chẳng mới?

Tuy nhiên, cũng không ít độc giả cho rằng, việc có đổi giờ hay không cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế.

Độc giả Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, nếu đồng bộ giờ Việt Nam với giờ Singapore để tránh vụ sụp đổ tài chính thì sao không đổi sang GMT +9 cho trùng giờ Tokyo hay đổi hẳn sang GMT -8 cho trùng giờ Mỹ?

Về việc tiết kiệm điện, độc giả Tuấn nêu ý kiến, thực tế việc bật đèn đường ở Việt Nam hiện nay được thực hiện theo quy luật tối bật, sáng tắt. Như vậy dù có thay đổi múi giờ thì cũng không đổi được tổng số thời gian đèn sáng trong ngày.

Nhà ở, văn phòng tại các đô thị Việt Nam đa số là nhà ống, cao ốc, ít sử dụng ánh sáng tự nhiên, nghĩa là vào nhà là phải bật đèn.

“Theo tôi biết thì tiêu thụ điện cao điểm ở Việt Nam là điện sản xuất chứ không phải điện sinh hoạt, vì vậy nếu có thay đổi thì chắc gì đã tiết kiệm được nhiều. Việc sử dụng múi giờ GMT +8 ở Malaysia là vì nước này nằm ở cả 2 múi giờ, Singapore cũng theo giờ cũ từ khi họ còn là một phần của Mã Lai”, độc giả Tuấn phân tích.

Còn theo độc giả Hải Chiến, từ trước tới nay, các nước như: Singapore , Hong Kong, Kualar Lumper (Malaysia) họ theo GMT +8 nhưng giờ làm việc người ta bắt đầu từ 9h sáng. Còn Việt Nam hiện nay thì bắt đầu sớm hơn, từ 8h sáng.

Như vậy, tính ra thời gian bắt đầu công việc 1 ngày cũng như nhau. “Theo tôi cái cần thay đổi chính là đổi cái tư duy về "giờ làm việc" và "chất lượng" của mấy giờ làm việc đó”, độc giả Chiến nói.

Việt Nam có nên đổi múi giờ thành GMT+8?

  • Nên
  • Không nên
  • Cần có nghiên cứu
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Độc giả có ý kiến gì về vấn đề trên? Tòa soạn mong tiếp tục nhận được đóng góp của bạn đọc để góp phần làm sáng tỏ vấn đề gây tranh cãi này.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn