‘Cung đường bạc triệu’
Cách cửa khẩu Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) khoảng 300m, nằm ngay sát chùa Tân Thanh, có một con đường mòn.
Con đường vắt qua quả đồi nhỏ nối Việt Nam và Trung Quốc này từ lâu đã trở thành cung đường chuyên vận chuyển hàng lậu.
Mặt hàng nhập lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu vẫn là các hàng hóa tiêu dùng, hàng gia dụng như đồ điện, hàng may mặc, hàng cấm... Hàng xuất lậu chủ yếu là mặt hàng thủy sản, nông sản...
Sau khi ôm hàng, các chủ hàng xé lẻ và thuê người mang vác qua các đường mòn sau đó dùng xe máy, ô tô vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ.
Bởi vậy, từ nhiều năm nay, tại vùng biên Lạng Sơn đã hình thành một đội chuyên mang vác hàng hay còn gọi là cửu vạn.
Ngày 8/12, sau khi mất một khoản chi phí, chúng tôi được một người bản địa dẫn vào bãi bốc hàng ở khu vực này.
Đây là điểm đầu tiên tập kết người và hàng trước khi vận chuyển qua bên kia biên giới bằng cách đi theo con đường mòn.
Trước khi xuất phát, người này liên tục nhắc nhở chúng tôi về việc không được chụp ảnh, quay phim, không được "nhìn ngang ngó dọc" ở những địa điểm này.
Dù trời mưa, hàng trăm cửu vạn, cả nam và nữ, đã có mặt để hoạt động. Họ đến từ các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh thậm chí là các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Thanh Hóa…
Điểm dễ nhận dạng ở những cửu vạn này là đôi giày màu xanh chuyên dụng để vượt đồi núi.
Dụng cụ lao động của họ chỉ là một sợi dây để buộc hàng, chiếc gùi và “lap top” – theo cách gọi hài hước của những người cửu vạn. “Lap top” ở đây là một miếng mút xốp có kích cỡ bằng chiếc máy tính xách tay dùng để kê lên vai lúc vác hàng.
Từ bãi đất này có con đường mòn dẫn sang biên kia biên giới. Theo ghi nhận của PV, con đường này có địa thế khá hiểm trở, dốc, hai bên là cỏ dại rậm rạp. Cơn mưa của đợt không khí lạnh đã làm cho tuyến đường đất này trở nên nhão nhoét.
Một ngày bốc hàng
Hơn 12 giờ trưa, các cửu vạn vẫn miệt mài cõng hàng qua con đường mòn. Trời rét dưới 10 độ C tuy nhiên nhiều cửu vạn đổ mồ hôi.
Có người cởi trần, có người chỉ manh áo cộc cõng lên vai những bao hàng lớn hơn cả người để vượt cung đường. Các bao hàng đều được bọc cẩn thận trong áo mưa. Dường như đường lầy lội khiến những cửu vạn chậm bước chân hơn.
Sau khi vác các chuyến hàng, những cửu vạn dừng chân ở bãi đất dưới chân đồi. Tại đây, có khoảng 4 quán cóc bán đồ ăn như trứng vịt lộn, bún, xôi… Các quán có ô che, khói bốc lên nghi ngút từ chiếc bếp dầu.
Những cửu vạn dừng chân, ăn vội vàng để lấy sức sau những chuyến hàng nặng nhọc. Họ trò chuyện, nghỉ ngơi khoảng 15 phút trước khi bước vào những chuyến hàng tiếp theo.
1h30 chiều 8/12, một chiếc xe tải chở hàng từ dưới vượt lên đỗ tại bãi đất dưới chân núi. Đang ngồi ăn, hàng chục cửu vạn bỏ bát đũa, cầm dụng cụ lao ra nhận hàng.
Một người đàn ông cầm chiếc ô che, lớn tiếng phân công người bốc hàng. Tiếng người gọi nhau, tiếng xé băng dán, tiếng động cơ xe… náo động cả một vùng.
Theo quan sát của chúng tôi, tại bãi đất này luôn có một vài người đàn ông túc trực. Một cửu vạn tiết lộ họ là “cai cửu”, người đứng ra nhận và thuê cửu vạn khuân vác hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam và ngược lại.
Cửu vạn này tiết lộ thêm, ở đây ít có người lạ mặt xâm phạm bởi có “tai mắt" túc trực. Họ ngồi ở quán nước quan sát mọi di chuyển của lực lượng chức năng, hễ thấy “động” thì ngay lập tức thông báo cho các “cai cửu”.
Kiếm tiền ‘khủng’ mỗi đêm
Bãi hàng cạnh chùa Tân Thanh nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. 9h đêm, dừng chân tại một quán nước, anh Thành (SN 1974, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa), lên đây làm cửu vạn từ hơn 1 năm nay, tranh thủ nghỉ ngơi sau các chuyến hàng.
Người đàn ông này cho biết: “Cứ có điện thoại của chủ gọi cần người bốc vác là chúng tôi đi. Làm nhiều được nhiều, làm ít được ít nên chúng tôi ra bãi vác hàng bất kể ngày đêm”.
Theo anh Thành, mỗi bao hàng nặng khoảng 25 - 30kg. Giá cõng hàng là 2.000 đồng/kg. Mỗi chuyến, đàn ông cõng khoảng 70-80kg, phụ nữ thì cõng khoảng 30 - 40kg.
“Tuyến đường dài khoảng 200m, mỗi chuyến hàng chúng tôi được trả trung bình khoảng từ 100 -150 nghìn đồng. Mỗi đêm, tôi làm việc từ khoảng 8h đêm đến 6h sáng và đi được khoảng 10 chuyến hàng”, anh nói thêm.
Cửu vạn này cũng tiết lộ, nếu có nhiều hàng, mỗi đêm anh có thể kiếm được 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
“Công việc này tùy sức khỏe. Càng chịu khó, càng khỏe càng kiếm được nhiều. Hàng còn cứ bốc, bốc hết thì chúng tôi về tắm rửa, nghỉ ngơi và ăn uống để lấy sức ngày mai làm tiếp”, anh nói.
Anh Thành kể tiếp: “Tôi có một người bạn cùng quê, anh ấy rất chăm chỉ. Một lần, anh vác hàng liên tục từ 8 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau.
Tối hôm đó, anh được trả hơn 3 triệu đồng- một số tiền kỷ lục đối với cánh cửu vạn. Tuy nhiên, sáng hôm sau khi về đến phòng trọ anh ấy quỵ xuống vì kiệt sức, phải đi cấp cứu. Nhưng chỉ mấy hôm sau, anh ấy đã đi làm lại”.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
>>> Đọc thêm: Phát hiện xe khách vận chuyển 2.000 bao thuốc lá lậu ở Quảng Nam
Bình luận