Ý tưởng thành lập Đội Cứu hộ Hà Nội xuất phát từ sự đồng cảm của bản thân với những người hỏng xe giữa đường không có ai trợ giúp.
Những ngày đầu, số lượng thành viên chỉ khoảng 5-6 người. Sau hơn 2 năm hoạt động, nhiều người được trợ giúp biết được hành động nhân văn của đội nên đăng ký tham gia. Đến nay, số thành viên thường xuyên ứng trực đã lên tới hơn 30 người.
Lái ô tô đi 10km... vá 1 miếng săm miễn phí
Đêm 12/11, tôi theo chân Đội Cứu hộ Hà Nội rong ruổi trên nhiều tuyến đường của Thủ đô. Trời về đêm càng lạnh, xen kẽ cơn mưa dày hạt. 21h, tại quán nước trước số nhà 214, đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), các thành viên trong Đội Cứu hộ Hà Nội đã tề tựu đầy đủ, trực chờ những cuộc gọi trợ giúp.
“Công việc của đội diễn ra từ 21h - 3h sáng hôm sau. Chúng tôi ngồi tại điểm trực, nếu ai đó bị hỏng xe cần giúp đỡ, họ sẽ đăng thông tin lên nhóm facebook “CỨU HỘ HÀ NỘI” hoặc gọi qua số hotline.
Từ thời điểm đi vào hoạt động, trung bình Đội Cứu hộ Hà Nội hỗ trợ được từ 300 - 350 xe máy/tháng, đến nay, đã có khoảng 10.000 xe được trợ giúp.
Anh Âu Văn Tuân
Thông tin sẽ được ban quản trị thông báo cho tất cả các thành viên. Mọi người căn cứ vào khoảng cách của mình để xác nhận và tới trợ giúp”, anh Đặng Đức Quang, một thành viên trong đội vừa dứt lời chia sẻ, trên kênh thông tin của nhóm báo tới có một trường hợp bị thủng săm trước số 245, đường Nguyễn Xiển.
Anh Quang cùng những cộng sự lập tức lên đường đi “cứu hộ”. Chỉ vài phút là đã tới nơi. Chưa đầy 15 phút, anh Quang với những thao tác sửa chữa “lành nghề” đã vá xong chiếc lốp. Chủ xe bày tỏ cảm ơn và lấy tiền ra gửi, hai thành viên của đội nhất quyết từ chối.
“Từ điểm trực của bọn anh ra đây chỉ vài phút, miếng vá không đáng là bao, em không cần trả tiền”, anh Quang nói và lên xe về điểm trực.
Đến 0h5, cuộc hành trình cùng Đội Cứu hộ Hà Nội tiếp tục với một trường hợp hỏng xe tại số 84, Trần Cung (quận Cầu Giấy). Chuyến trợ giúp lần này đặc biệt hơn khi anh Âu Văn Tuân, thành viên Ban quản trị cũng là “cha đẻ” của đội lái chiếc xe ô tô “kiếm cơm” hàng ngày của mình đưa cả đội gồm 4 người di chuyển quãng đường gần 10km để… vá một miếng săm.
Đến địa điểm được báo, hai thanh niên đang ngồi lo lắng bên vỉa hè trên tuyến đường Trần Cung vắng không một bóng người. “Đang trên đường từ Cổ Nhuế về khu đô thị Times City thì xe bị thủng săm, mà hàng quán xung quanh đóng cửa hết, không biết phải làm thế nào”, một cậu vừa gãi đầu vừa nói.
Ngay sau đó, anh Dũng nhanh chóng lấy đồ nghề rồi thoăn thoắt dựng xe kiểm tra và vá lại lốp cho chiếc xe Honda Click dưới sự trợ giúp nhiệt tình của các đồng đội. Sau 10 phút, chiếc xe được trao trả cho “khổ chủ”. Khi được đề nghị trả tiền công, những thành viên đội cứu hộ vẫn câu trả lời quen thuộc “miếng vá không đáng là bao, không phải trả tiền”.
Rời đường Trần Cung lúc 0h35, điểm hẹn dự kiến kế tiếp là trường hợp hỏng xe trên đường Tôn Thất Tùng. Song trên hành trình hướng về Ngã Tư Sở, đội cứu hộ thấy một người chạy Grab bị thủng săm trên đường Láng. Anh Tuân liền nói các thành viên trong đội xuống trợ giúp, còn chiếc xe hỏng ở đường Tôn Thất Tùng được chuyển giao cho thành viên khác xử lý. Chỉ chưa đầy 10 phút, chiếc xe đã được vá xong.
Anh Hòa, người chạy xe Grab xúc động bởi: “Vừa chạy được cuốc xe 200.000 đồng, tôi rất lo sẽ mất ít nhất 100.000 đồng cho việc sửa chữa để có thể về Lĩnh Nam. Không ngờ, trong đêm vắng lại được anh em vui vẻ giúp đỡ miễn phí như thế”.
Thành viên Dũng cho biết, hàng đêm, trung bình mỗi anh em đảm nhiệm khoảng 4-5 trường hợp. Lượng xe gặp sự cố hàng ngày không cố định, có ngày chỉ 1-2 xe nhưng có ngày lên đến 20 - 40 xe.
“Có những trường hợp xe hỏng quá nặng, không khắc phục được, thành viên đội cứu hộ lại cùng nhau hỗ trợ đẩy chiếc xe hỏng về tận nhà gia chủ. Nếu nhà chủ xe ở xa, anh em sẽ gợi ý để ở những điểm gửi xe gần nhất, chờ đến ngày hôm sau sửa. Những lần như thế hầu hết đội làm miễn phí”, anh Dũng nói.
Lấy nụ cười làm công...
Chia sẻ về sự ra đời của đội, anh Âu Văn Tuân cho biết, Đội Cứu hộ Hà Nội được thành lập ngày 30/7/2016.
“Ý tưởng thành lập đội xuất phát từ sự đồng cảm của bản thân với những người hỏng xe giữa đường không có ai trợ giúp”, anh Tuân nói và cho biết, những ngày đầu, số lượng thành viên chỉ khoảng 5-6 người. Sau hơn 2 năm hoạt động, nhiều người được trợ giúp biết được hành động nhân văn của đội nên đăng ký tham gia để giúp đỡ nhiều người khác. Đến nay, số thành viên thường xuyên ứng trực đã lên hơn 30 người.
“Tất cả anh em mỗi người một công việc, người chạy xe ôm, người lái taxi, người làm xây dựng, người còn là sinh viên nhưng đều chung một mong muốn mang lại những chuyến xe an toàn cho người tham gia giao thông”, anh Tuân chia sẻ.
Vị thủ lĩnh của đội cũng cho biết, thời gian đầu việc vá săm được đội làm hoàn toàn miễn phí. Nhưng qua thực tiễn hoạt động, có những trường hợp khoảng cách di chuyển quá xa, nhóm mới có quy định giá vá săm là từ miễn phí đến 10.000 đồng để hỗ trợ phần nào tiền xăng xe cho các thành viên. Riêng những xe phải thay săm, đội sẽ tính tiền nhưng chỉ tính giá gốc của chiếc săm đó.
Hoạt động thiện nguyện của Đội Cứu hộ Hà Nội ngày càng được lan tỏa nhưng ít ai biết, để duy trì được quá trình ấy là sự cố gắng không mệt mỏi của cả một tập thể.
“Anh em đều phải tự bỏ tiền túi từ 600.000 - 700.000 đồng để mua sắm bộ đồ sửa xe cơ bản. Trung bình một buổi tối mỗi xe đi khoảng 30km, tiền xăng xe mọi người cũng phải tự túc nên việc tuyển thành viên, nhân rộng mô hình khó khăn. Cũng chính vì không có nhiều kinh phí mua trang thiết bị nên đội mới chỉ giúp người đi đường khắc phục một số lỗi cơ bản như: Hỏng săm, hỏng bugi, chết máy dạng đơn thuần”, anh Tuân chia sẻ.
Để khích lệ các thành viên, Ban quản trị cố gắng tìm cách, hàng tháng tổng kết và trao quà cho ai thực hiện được nhiều ca nhất, phần quà nhận được cũng chỉ đơn giản là chiếc săm hay cái bugi xe máy. “Dù chỉ là những món quà nhỏ, song nó lại tạo ra sợi dây liên kết giúp chúng tôi gần nhau hơn, đoàn kết hơn và hạnh phúc về việc mình đang làm hơn”, anh Tuân nói.
Còn với anh Đặng Đức Quang, công việc này chưa bao giờ khiến anh phải bận tâm khi lựa chọn. “Từng có người bảo mình khùng, vô công rồi nghề, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc mình tìm được niềm vui cho bản thân và tạo được niềm tin trong cộng đồng”, anh Quang tâm sự.
Trở lại địa điểm số 214 đường Nguyễn Trãi lúc 1h30, không gian phố phường đã dần tắt tiếng xe cộ, những hiệp sĩ của Đội Cứu hộ Hà Nội lại trở về, người tranh thủ ăn gói xôi, người uống chén trà nóng để thêm phần tỉnh táo. Nhìn những dáng người lam lũ, những bộ quần áo nhuốm màu thời gian, khó ai có thể nhận ra được họ đang là những bông hoa đẹp giữa lòng Thủ đô, là niềm cảm hứng để mọi người mở lòng nói với nhau lời cảm ơn nhiều hơn, người với người có thể tin nhau nhiều hơn, giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp.
Ông Lưu Xuân Bình, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho biết, Ban ATGT TP rất ủng hộ mô hình hoạt động thiện nguyện của Đội Cứu hộ Hà Nội.
“Giữa những bộn bề cuộc sống, không phải ai cũng có thời gian giúp đỡ những người gặp nạn trên đường. Đặc biệt, thời gian hoạt động của đội là ban đêm, khi mà tất cả các dịch vụ sửa chữa đều nghỉ”, ông Bình nói và cho rằng, trên địa bàn thành phố cũng có rất nhiều đội cứu hộ miễn phí giúp đỡ người gặp nạn khi tham gia giao thông.
Tới đây, Ban ATGT sẽ gặp gỡ các đội để tuyên dương, khuyến khích, có thể sẽ trích nguồn kinh phí hoặc ủng hộ các thiết bị sửa chữa để đội hoạt động hiệu quả, lan tỏa hơn.
Bình luận