(VTC News) - Hiện tại việc làm thẻ căn cước chưa bắt buộc và chứng minh thư nhân dân vẫn có giá trị song song.
Sau ngày đầu tiên triển khai cấp thẻ căn cước công dân, nhiều người dân thắc mắc việc cấp đổi thẻ căn cước có bắt buộc hay không, chứng minh thứ nhân dân có còn gía trị phục vụ các giao dịch dân sự hay không.
PV VTC News đã phỏng vấn Đại tá Lê Học Thu - Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý về Trật tự xã hội (Công an TP Hà Nội) để làm rõ vấn đề này.
- Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64, Công an Hà Nội) đã chuẩn bị như thế nào để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được thông suốt, thưa Đại tá?
Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 1/1/2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Người dân chưa nhất thiết phải đổi ngay từ chứng minh thư sang thẻ căn cước công dân |
Ngoài ra, chúng tôi cũng chuẩn bị tốt nhất về trụ sở làm việc, máy móc thiết bị, đường truyền để đảm bảo phục vụ công dân hiệu quả nhất.
- Vậy việc làm thủ tục cấp thẻ căn cước có bắt buộc không, thưa ông?
Hiện việc làm thẻ căn cước công dân chưa bắt buộc, người dân nào có nhu cầu thì đến trụ sở để được làm thủ tục cấp. Theo lộ trình, đến năm 2020 mới triển khai trên cả nước. Địa phương nào cấp thẻ căn cước công dân thì dừng cấp chứng minh thư.
- Có thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân có còn giá trị sử dụng nữa không?
Thẻ căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân cả 9 số và 12 số đều có giá trị như nhau. Các loại giấy tờ này đều có thể sử dụng cho các giao dịch trong cuộc sống hằng ngày. Nếu người dân chưa có nhu cầu, hoàn toàn có thể sử dụng chứng minh thư nhân dân như hiện hành.
Khi người dân làm thủ tục cấp, đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước, cán bộ tiếp nhận sẽ cắt góc chứng minh thư cũ và trả cho người dân giữ. Khi gặp khó khăn trong việc công chứng, hay giao dịch ngân hàng, bảo hiểm... người dân có thể xuất trình chứng minh thư đã bị cắt góc và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết như bình thường.
- Thông tin nhóm máu trên thẻ căn cước công dân có bắt buộc không thưa đại tá? Hiện Hà Nội có bao nhiêu điểm tiếp nhận làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân?
Người dân cũng không nhất thiết đi xét nghiệm máu vì thông tin này có cũng được, không có cũng được.
Hiện toàn thành phố có 31 điểm phân bố tại các quận, huyện.
Nhiều người dân đi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân ở Hà Nội trong ngày 4/1 |
Thẻ căn cước công dân được sử dụng thay cho hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
- Thẻ căn cước công dân có khác biệt nhiều so với chứng minh thư nhân dân không, thưa đại tá?
Về cơ bản, chứng minh thư 12 số và căn cước công dân giống nhau vì cả hai cùng được cấp tại thời điểm công dân đủ từ 14 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, nội dung trong thẻ với 20 cột mục tại hai loại giấy tờ này có sự khác nhau ở tên gọi, phần dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Ngoài ra, một điểm khác nhau là hạn sử dụng. Trong đó, hạn của chứng minh thư là 15 năm; thẻ căn cước sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi công dân không cần đổi.
- Xin cảm ơn đại tá!
Hà Minh(thực hiện)
Bình luận