23 giờ 30 ngày 11.3, ông Đức tử vong do lọt vào máy xay bột giấy của xưởng sản xuất giấy Hùng Cường. Thi thể của nạn nhân được phát hiện vào lúc 0 giờ 30 ngày 12.3 trong tình trạng dập nát.
Xưởng sản xuất giấy Hùng Cường treo bảng “Bán xưởng gấp”. |
Nạn nhân là ông Nguyễn Văn Đức (SN 1952, quê An Giang).
Theo lời kể của người dân sống gần xưởng sản xuất giấy Hùng Cường (đầu đường Vườn Thơm, ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM), từ những năm 1998, ông Đức đã chuyển đến sinh sống, làm việc tại xã Bình Lợi và luôn sống một mình.
Sau một thời gian làm hồ, bốc vác ở bên ngoài, năm 2003, ông Đức xin vào làm nhân viên ở xưởng sản xuất giấy Hùng Cường. Từ đó đến giờ, phần lớn cuộc sống của người đàn ông này gắn bó với xưởng sản xuất giấy.
Làm việc siêng năng lại có khả năng quản lý, năm 2007, ông Đức được chủ xưởng tin tưởng giao nhiệm vụ quản công (quản lý và điều phối công nhân trong xưởng). Dù đảm nhận nhiệm vụ mới với thu nhập khá cao, nhưng vì từ lâu đã xem xưởng giấy là nhà nên ông Đức xin kiêm thêm nhiệm vụ bảo vệ xưởng. Theo đó, ban ngày ông làm quản công, ban đêm ngủ lại trông coi xưởng.
Cỗ máy xay bột giấy nghiền nát thi thể ông Đức. |
Người miền Tây, mấy ai là không biết nhậu nhưng ông Đức lại không giống thế. Thay vào thói quen chè chén, ngày nào ông cũng sang quán cà phê đối diện xưởng giấy nhâm nhi từng giọt đắng như một thú vui. “Ổng hiền mà ít nói lắm, sáng nào cũng qua đây uống cà phê một mình” - bà Hương, chủ quán cà phê đầu đường Vườn Thơm, kể về người đàn ông xấu số.
Cuộc sống bình dị, đơn lẻ của người đàn ông bất hạnh này cứ thế trôi qua. “Ngày nào ổng cũng lao đầu vào công việc. Cứ như làm để quên đi những chuyện buồn hay sao ấy”. Theo lời kể của những công nhân làm việc tại Nhà máy Sản xuất giấy Hùng Cường, ông Đức là người ít nói và rất nghiêm túc trong công việc. “Ổng quản lý chắc lắm, xưởng ăn nên làm ra một phần cũng nhờ vào công sức của ổng đó” - một công nhân kể về người quản công bất hạnh.
Thường lệ, dù đêm hôm khuya khoắt, chỉ cần điện thoại đổ chuông 3 tiếng là ông Đức đã bốc máy. Nhưng trong đêm bị nạn, máy đổ chuông khá nhiều nhưng vẫn không có động tĩnh gì. “Nghi là ổng xảy ra chuyện, mấy anh em đổ xô đi kiếm.
Tại cối xay bột giấy, tôi phát hiện có máu cùng nhiều phần thân thể và một bộ quần áo rách nát dính đầy máu. Cơ quan công an đã nhanh chóng có mặt để khám nghiệm hiện trường và đưa những phần thi thể của ông Đức ra khỏi cối xay" - anh Sang, người đầu tiên phát hiện thi thể của ông Đức kể.
Gia đình ly tán
Sau khi thi thể của ông Đức được chuyển lên pháp y huyện Bình Chánh để kiểm tra, khám nghiệm, chị T., con gái ông Đức đã có mặt tại Công an xã Bình Lợi để làm thủ tục nhân thân. Khi nghe cơ quan điều tra khẳng định người xấu số là cha mình, chị T. đã ngất xỉu ngay trên bàn làm việc.
Anh Sơn - công an xã Bình Lợi - cho biết khi đến trụ sở công an xã, chị T. như người mất trí. “Hay tin cha bị nạn xong, chị T. ngất xỉu, sau khi tỉnh lại thì miệng nói lắp bắp, mặt mũi nhợt nhạt. Thậm chí, khi được hỏi về quê quán còn nói sai đến hai, ba lần” - anh Sơn kể.
Những người quen ông Đức cho biết, do chuyện gia đình trục trặc nên ông Đức chuyển lên TP.HCM đi làm thuê. “Ban đầu ổng còn về thăm quê. Mỗi lần về quê lên, khuôn mặt ổng đều sầu thảm nên chuyện về quê thưa thớt dần.
Nhiều người dân tụ tập tại hiện trường vụ chết người. |
5 năm trở lại đây không thấy ổng về nữa!” - anh Sơn, lái xe ôm ở đường Vườn Thơm, kể. Cũng theo anh Sơn, những năm gần đây, chị T. cũng đã chuyển lên sống tại huyện Bình Chánh nhưng cha con vẫn mỗi người một nẻo. “Thỉnh thoảng thấy con nhỏ đến thăm ổng rồi về chứ cha con không mấy khi gặp nhau” - anh Sơn nói tiếp.
Được biết, sau khi làm thủ tục nhân thân xong, chị T. đã lên đường trở về quê để báo hung tin cho gia đình và chuẩn bị lễ an táng cho cha. Tại hiện trường nơi ông Đức thiệt mạng, nhiều công nhân và người dân vẫn chưa hết kinh hoàng. Tối ngày 13.3, chủ xưởng sản xuất giấy Hùng Cường đã treo biển "bán xưởng gấp". Vụ án mạng thương tâm bất ngờ xảy ra đã làm xôn xao khắp một con phố vắng ở cửa ngõ phía Nam Thành phố.
Theo Dân Việt
Bình luận