• Zalo

Độc quyền điện, xăng, Bộ Công thương nhận lỗi

Kinh tếThứ Năm, 14/06/2012 09:39:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, để xảy ra sự độc quyền quá lâu đối với ngành điện và xăng, dầu, một phần trách nhiệm là của Bộ Công thương.

(VTC News) - Giải trình trước Quốc hội sáng nay (14/6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng việc để xảy ra sự độc quyền quá lâu đối với ngành điện và xăng, dầu, một phần trách nhiệm là của Bộ Công thương.

Là thành viên thứ ba của Chính phủ đăng đàn trong phiên chất vấn ngày 14/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận được nhiều chất vấn xung quanh các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, xử ký hàng tồn kho, tăng sức mua, giúp DN trả nợ, tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, một số vấn đề khác liên quan đến công nghiệp dầu khí, xăng điện và hiệu quả hoạt động của 1 số tập đoàn lớn cũng được nhiều đại biểu đặt câu hỏi quan tâm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) về việc phá bỏ thế độc quyền của điện và xăng dầu và trách nhiệm của Bộ đối với vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, điện và xăng là 2 lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.

Đối với ngành điện, Bộ Công thương phải xử lý các nhu cầu về phụ tải gia tăng lớn, mỗi năm tăng khoảng 15%. Nhưng nếu tiếp tục độc quyền như hiện nay, điện sẽ thiếu sự cạnh tranh lành mạnh và liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Vừa qua, Bộ đã ban hành các chinh sách để xóa bỏ thế độc quyền doanh nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng (Ảnh minh họa internet)

Sau một thời gian thí điểm, từ 7/2012 sẽ chính thức phát triển thị trường điện cạnh tranh, các DN sẽ được chào giá và căn cứ vào đó Trung tâm điện lực quốc gia sẽ lựa chọn. Đến năm 2014 tiến hành phát triển thị trường bán buôn cạnh tranh. Và đến năm 2022 sẽ phát triển thị trường điện bán lẻ cạnh tranh.

Về xăng, dầu, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có 12 đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu, có cả ngoài quốc doanh, chứ không phải chỉ có nhà nước. Với 12 DN này đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng của người dân. Trước đây hầu hết các hoạt động xăng dầu đều do Dầu khí đảm nhận, nên hiện nay thị phần của doanh nghiệp này luôn chiếm khoảng trên 60%.

“Tôi cũng xin nhấn mạnh là nếu không có tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì sẽ rất khó khăn. Vì có những giai đoạn, họ phải sẵn sàng chịu lỗ để duy trì mạng lưới hoạt động. Nếu chúng ta kiên trì thực hiện theo nghị định 84, thị trường sẽ vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Về việc để thế độc quyền lâu như vậy, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn thừa nhận: “Bộ Công thương đúng là chưa làm hết trách nhiệm, còn thiếu sự kiểm tra, đôn đốc và kiến nghị với TƯ để tránh độc quyền với DN. Thời gian tới, trong quá trình tái cơ cấu, Bộ sẽ có tham mưu phù hợp hơn. Hiện Bộ cũng đã kiến nghị với Chính phủ tách khâu phân phối và sản xuất ra. Vừa qua, cũng đã thành lập 3 Tổng công ty phát điện riêng, theo mô hình công ty mẹ, công ty con là Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2 và Tổng công ty Phát điện 3”.

Xăng dầu vận hành kém linh hoạt lỗi do... Nghị định 84

Cũng liên quan đến giá xăng, nhiều đại biểu đặt câu hỏi băn khoăn về việc vì sao khi giá thế giới tăng cao thì giá trong nước tăng ngay, còn khi hạ thì lại chậm chạp. Ở đây liệu có vấn đề lợi ích nhóm hay không?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện nay giá xăng đang được điều hành theo nghị định 84. Theo đó, một trong những yêu cầu là các doanh nghiệp đầu mối khi có biến động giá thế giới, trên cơ sở giá cơ sở của 30 ngày trước đó sẽ điều chỉnh. Lý do chọn 30 ngày là do xăng dầu của VN hiện nay vẫn phải dựa vào nguồn nhập khẩu, nên cần có thời gian dự trữ trong 30 ngày.

“Chính vì thế, có thể lô hàng đến VN hôm nay đã được đặt hàng nhập khẩu trước đó cả tháng. Nhưng đúng như đại biểu đã nói là giá xăng hiện nay điều chỉnh chưa kịp thời, tăng khá và giảm mức độ. Nhưng cái này là do vận hành theo nghị định 84. Chúng tôi sẽ nghiêm túc cùng Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng để xem xét”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Liên quan đến giá điện, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) băn khoăn về việc hiện nay giá nhập điện từ Trung Quốc khá cao, vậy Bộ Công thương đang điều hành giá xăng, điện như thế nào.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, mua điện của Trung Quốc là câu chuyện đã diễn ra từ lâu. Trong sơ đồ 7 tới, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục mua. Hợp đồng mua với Trung Quốc thường là 5 năm, giá tính từ thời điểm bắt đầu và công suất lớn (có lúc lên đến 700kWh). Giá mua của Trung Quốc hiện nay là 6,08 cent, tức là khoảng 1.200 – 1.300 đồng/KWh, giá này so với thủy điện thì đúng là cao hơn hẳn (giá thủy điện nhỏ hiện nay khoảng 700 – 800 đồng/KWh), nhưng so với nhiệt điện chạy dầu thì mức giá này vẫn thấp hơn rất nhiều (giá nhiệt điện chạy dầu khoảng 1.600 – 1.700 đồng/KWh).

Đại biểu Vũ Thị Lương Sen (Hải Dương) đặt câu hỏi về sự bất hợp lý giữa giá than, giá điện dẫn đến nhiều ngành sản xuất được hưởng lợi nhờ giá điện thấp. Bộ trưởng Hoàng cho rằng, giá bán than hiện đã theo cơ chế thị trường, giá than bán cho điện khoảng 60% so với bán ra thị trường, giá điện do đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng nên dẫn đến một số ngành khác được hưởng lợi từ giá điện rẻ. Tới đây trong bảng giá điện sẽ có biểu giá phù hợp hơn.

Cũng liên quan đến giá xăng dầu, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng, thời gian vừa qua có ý kiến cho rằng các Bộ chưa có sự thống nhất, dẫn đến việc không chủ động hạ giá xăng dầu, mà khi có dư luận mới hạ giá.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hoàng cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu do Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp thực hiện. Còn có ý kiến cho rằng, có sự khác biệt giữa Bộ này, Bộ kia là không có. Ý kiến này chỉ có thể ở các hội thảo. Còn về lợi ích nhóm thì không có và chưa đủ cơ sở để khẳng định.

Về phát triển thủy điện, đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị người đứng đầu Bộ Công thương cho biết thực trạng của Thủy điện Sông Tranh và giải thích vì sao quy hoạch thủy điện nhiều nhưng thực hiện không bao nhiêu.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, câu chuyện phát triển thủy điện nhỏ luôn được xã hội và nhân dân quan tâm. Vì thế, Bộ đã nhiều lần có báo cáo gửi đại biểu và cử tri cả nước. Đối với 1 đất nước như VN, sông suối nhiều, ngoài chức năng thủy điện lớn, thì thủy điện còn tham gia vào việc chống lũ về mùa mưa và cấp nước về mùa khô. Do đó, việc triển khai các công trình thủy điện vừa giải quyết năng lượng điện, vừa tham gia chông lũ, chống hạn.

Vừa qua, các công trình thủy điện đều giải quyết được nhu cầu này. VN hiện nay đang dẫn dần trở thành nước nhập khẩu năng lượng, thì phát triển thủy điện chi phí rẻ hơn rất nhiều, lại cải thiện được môi trường. Quy hoạch phát triển thủy điện là rất quan trọng.

Về cơ bản các công trình thủy điện đang triển khai đều dựa trên các quy hoạch đã được duyệt. Đến nay đã đưa vào vận hành 195 dự án, công suất xấp xỉ 2000MW, sản xuất là 36% sản lượng điện quốc gia. Tuy nhiên, tỷ lệ số lượng đã và đang triển khai mới đáp ứng được 40% số dự án và 75% về công suất so với quy hoạch.

Đối với một số mặt tiêu cực phát sinh từ xây dựng nhà máy thủy điện như: môi sinh môi trường, rừng đầu nguồn, đền bù, di dân tái định cư,…Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, trách nhiệm của Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành, địa phương là làm sao tìm được giải pháp phát huy mặt tích cực của thủy điện, hạn chế mặt tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Không có cơ sở nói Thủy điện Sông Tranh 2 không an toàn

Vừa qua, Bộ đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, nhất là ở các tỉnh miền trung và loại bỏ 52 công trình không có tính khả thi.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để khắc phục các mặt tiêu cực hiện nay, các giải pháp cần làm là: Rà soát lại toàn bộ hệ thống, yêu cầu các các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các vấn đề về phát điện, điều tiết hồ chứa đã được các cấp ngành phê duyệt. Hiện nay đã có 5 quy hoạch liên hồ chứa được Chính phủ phê duyệt. 

Riêng thủy điện Sông Tranh 2, nhân dân, dư luận và chính phủ rất quan tâm. Chính Phủ cũng đã chỉ đạo EVN, Bộ Công thương nghiêm túc chỉ đạo vấn đề này. Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng theo phương pháp bê tông đầm lăn, đây là phương pháp được nhiều nước trên thế giới sử dụng từ năm 1980 đến nay. Riêng ở VN có 12 công trình sử dụng phương pháp này. Trong đó có nhiều công trình lớn như: Thủy điện Sơn La….

“Về chất lượng thì khẳng định là chưa có cơ sở nói là chưa an toàn. Nếu phát hiện không an toàn thì chúng tôi sẽ kiên quyết dừng. Về việc chưa kiểm tra hết các công trình thủy điện là do lực lượng còn mỏng. Nhưng đây một phần là trách nhiệm của Bộ Công thương. Chúng tôi xin hứa muộn nhất là trước 2014 sẽ hoàn tất vấn đề này”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến đập Sông Tranh 2, đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị Bộ trưởng làm rõ về chất lượng của đập thủy điện này. Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, lưu lượng nước thấm qua đập đúng là lớn, cái này hội đồng giám sát chất lượng nhà nước đã có ý kiến và sẽ phải nghiêm túc xử lý.

“Nếu nghi ngại về chất lượng công trình sẽ phải tiếp tục kiểm tra lại, tinh thần là phải đảm bảo an toàn. Nếu xảy ra khiếm khuyết công trình thì Bộ Công thương cũng phải chịu một phần trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) “Làm thế nào để người dân hạ lưu ít chịu ảnh hưởng bởi việc xả lũ”. Bộ trưởng cho biết, việc thông báo trước 2 giờ đồng hồ là rất khó do địa hình ở các địa phương này khá dốc, thiết bị quan chắc dòng chảy đang thiếu thốn, nhất là khu vực miền núi, có nhiều quy trình vận hành chưa nghiêm túc. Chúng tôi đã báo cáo với Bộ TNMT để cải thiện hệ thống quan chắc tại những địa điểm này.

Liên quan đến vấn đề một số thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam, đại biểu Nguyễn Quang Cường (Hải Phòng) đề nghị Bộ Công thương cho biết phương án giải quyết tình trạng này.

Bộ trưởng cho biết, thương nhân Trung Quốc hay nước ngoài hoạt động ở nước ta đã có Luật Thương mại điều chỉnh. Ngay sau khi có thông tin, Bộ đã tiến hành kiểm tra và thấy rằng, một số thương lái đã không thực hiện đúng Luật là trực tiếp tham gia thu mua, dẫn đến nợ đọng tiền khi bán cho nông dân.

Bộ Công thương thời gian vừa qua đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các Sở công thương phải rà soát lại để kịp thời báo cáo lại với Bộ Công thương để xử lý theo Luật Thương mại. Nếu mức độ nhẹ thì sẽ nhắc nhở. Nếu nặng sẽ phải chấm dứt và đền bù thiệt hại theo đúng luật.

Tới đây, Bộ cũng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát với sự vào cuộc của nhân dân cả nước để phát hiện. Xử lý nghiêm các hình thức vi phạm.

Trong sáng nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng trả lời vấn đề có liên quan như giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, phá thế độc quyền của ngành điện và xăng dầu.

Theo Phó Thủ tướng, về vấn đề độc quyền của ngành điện và xăng, dầu, thời gian vừa qua, các Bộ đều đã tham gia rất tích cực, chứ không hề lơi lỏng. Luật điện lực năm 2005 cũng đã nêu rõ, đến năm 2022 sẽ có thị trường bán lẻ cạnh tranh sau khi đã đi qua nhiều giai đoạn như thị trường bán buôn cạnh tranh.

Khi xóa bỏ độc quyền, đưa cạnh tranh vào hoạt động hiệu quả thì phải đáp ứng được nguồn cung, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Đối với từng bước thực hiện thị trường điện thì đều phải qua các bước thử nghiệm, khi nào chạy tốt thì mới chuyển sang bước mới.

“Việc chuyển từ Thủ tướng Chính phủ quyết định giá bán lẻ sang Thủ tướng Chính phủ quyết định khung giá bán điện, chính là cơ sở để các doanh nghiệp có điều kiện phát triển cạnh tranh rất tốt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, các doanh nghiệp điện lực hiện nay đều gặp khó khăn về tài chính. Ngay cả các doanh nghiệp tư nhân nếu có biến động, nhất là biến động về tỷ giá thì các DN phát điện đã không có khả năng trả nợ.

Chốt lại buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, các câu hỏi và câu trả lời cả Đại biểu, Bộ trưởng đều rất rõ ràng, thẳng thắn và có tinh thần xây dựng. Nhưng vẫn còn mấy vấn đề sau đây cần quan tâm: Thứ nhất là thúc đẩy giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp. Chú ý hàng tồn kho, tránh đổ vỡ, phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp, thanh toán nợ nần, tránh lây sang các ngân hàng thương mại. Một kênh là ngân hàng, một kênh là doanh nghiệp, cần hỗ trợ nhau để giải quyết khó khăn.

Chống độc quyền xăng dầu đã có lộ trình rất rõ. Bộ Công thương cần lấy thêm ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý để nghiên kỹ vấn đề đẩy nhanh thị trường cạnh tranh. Nếu không đi theo hướng thị trường thì sẽ khó thực hiện tái cơ cấu.

Ngoài ra, phải rà soát lại quy hoạch điện và thủy điện nói chung. Cần có biện pháp rà soát lại vùng dân cư sống tại các khu thủy điện.

Đối với các Tập đoàn lớn trực thuộc Bộ Công thương, phải kiểm tra giám sát về tài chính cũng như hoạt động của các Tập đoàn này, tránh những điều đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng đến hoạt động chung.

Về xăng, dầu, Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có 12 đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu, có cả ngoài quốc doanh, chứ không phải chỉ có nhà nước. Với 12 DN này đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sử dụng của người dân. Trước đây hầu hết các hoạt động xăng dầu đều do Dầu khí đảm nhận, nên hiện nay thị phần của doanh nghiệp này luôn chiếm khoảng trên 60%.


“Tôi cũng xin nhấn mạnh là nếu không có tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì sẽ rất khó khăn. Vì có những giai đoạn, họ phải sẵn sàng chịu lỗ để duy trì mạng lưới hoạt động. Nếu chúng ta kiên trì thực hiện theo nghị định 84, thị trường sẽ vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn