• Zalo

Độc giả tiếc nuối vì không mua được sách quý về Việt Nam

Giáo dụcThứ Năm, 11/04/2019 11:50:00 +07:00Google News

Tối 10/4, độc giả có mặt trong buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm "Bắc Kỳ tạp lục" tại Trung Tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) tỏ ra thất vọng vì chưa thể mua sách ngay.

Tối 10/4, cuốn sách mang tựa đề “Bắc Kỳ tạp lục” của tác giả Henri Emmanuel Souvignet lần đầu tiên được ra mắt với phiên bản tiếng Việt tại Trung tâm Văn hóa Pháp (phố Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây được coi là một tập tư liệu quý về lịch sử văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của người nước ngoài.

Bắc kỳ tạp lục  giống như một cuốn cẩm nang về tập tục và các thiết chế của người An Nam. Cuốn sách chứa đựng đầy những lối nói bản địa, những lối nói mà đối với người từ phương xa tới có vẻ rắc rối khó coi hay khó nghe, nhưng chúng lại rất cần thiết để giúp chúng ta nắm được cách thức vận hành của những thiết chế này.

Henri Emmanuel Souvignet sinh ngày 25/12/1855 tại Pháp, trong một gia đình tư bản địa chủ. 

Năm 1882, ông đến Bắc Kỳ, khi cuộc tranh cãi giữa chính quyền Pháp và Triều đình Huế diễn ra gay gắt, và ở đây, ông đã tham gia đào tạo giáo sĩ trẻ tại phía nam Hà Nội.

Kiến thức về luật pháp và phong tục Việt Nam đã giúp ông cung cấp các dịch vụ có giá trị cho Hội Thừa sai Paris và cho tất cả người dân trong khu vực. Ông quan tâm đến lịch sử, dân tộc học, pháp luật, dòng chảy tôn giáo, ngôn ngữ học và kiến trúc Việt Nam. Năm 1903, với bút danh A + B, ông đã xuất bản cuốn sách Bắc Kỳ Tạp lục, và tạo nên tiếng vang lớn vào lúc bấy giờ.

Henri E.Souvignet đã sử dụng lợi nhuận từ việc bán sách để xây dựng nhà thờ Phủ Lý. Công trình được hoàn thành vào năm 1907.

sach4 7

Tham dự buổi ra mắt có sự góp mặt của Tiến sĩ Ngữ văn Mai Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái), Nhà nghiên cứu Hán Nôm, Tiến sĩ Trần Trọng Dương (ngoài cùng bên phải).

sach3

Cuốn sách chỉ có vỏn vẹn 4 bản tại buổi tọa đàm.

Buổi ra mắt sách diễn ra dưới hình thức tọa đàm thu hút sự tham gia của rất nhiều các độc giả lớn tuổi và những người đam mê nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ thái độ tiếc nuối vì buổi tọa đàm chỉ có vỏn vẹn 4 cuốn cho các diễn ra, những độc giả tham dự không có sách để nghiên cứu thông tin.

Trả lời các vị độc giả có mặt tại buổi tọa đàm về lý do chưa có sách trong ngày ra mắt, biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ chia sẻ: “Ban tổ chức cũng rất muốn có thể xuất bản kịp thời để mọi người có sách nghiền ngẫm và có những trao đổi sâu sắc hơn. Rất tiếc trong quá trình hoàn thiện bản thảo còn những khâu chưa đáp ứng đúng với tiến độ công việc nên sách chưa thể đến tay bạn đọc trong ngày hôm nay. Mong quý độc giả sẽ thông cảm cho đơn vị tổ chức”.

Biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ chia sẻ thêm, đây là cuốn sách của nhà truyền giáo người Pháp viết bằng tiếng Pháp và dành cho các độc giả Pháp.

Lý giải về tên của cuốn sách, Tiến sĩ Ngữ văn Mai Anh Tuấn cho biết, “Bắc Kỳ tạp lục” là những ghi chép trong mọi lĩnh vực của đời sống con người Việt Nam qua góc nhìn của một người Pháp. Tên gọi Bắc Kỳ gắn liền với bối cảnh lịch sử khi cuốn sách được viết.

Mặc dù chưa thể sở hữu ngay cuốn sách nhưng qua những chia sẻ của các diễn giả về nội dung, bối cảnh ra đời của tác phẩm, nhiều độc giả tỏ ra rất hứng thú.

sach5 4

 Buổi tọa đàm có sự tham gia của rất đông các độc giả đam mê văn hóa, lịch sử con người Việt Nam.

Là một người làm trong lĩnh vực du lịch và nghệ thuật, bạn Nguyễn Võ Khang Hạ chia sẻ: “Buổi tọa đàm mình cho rằng khá thành công bởi vì đã gợi cho mình cảm hứng để mua quyển sách. Hơn nữa buổi tọa đàm cũng gợi lên những đối thoại mà càng trái chiều thì càng gợi lên những suy nghĩ của người tham gia".

Nhiều độc giả có mặt trong buổi tọa đàm cho biết họ rất tò mò khám phá xem Việt Nam sẽ hiện lên như thế nào qua góc nhìn của một người Pháp. Đồng thời, bạn đọc cũng cho rằng, với những người đam mê nghiên cứu về văn hóa, con người và muốn có được cái nhìn sâu rộng nhất về từng mảng vấn đề thì "Bắc Kỳ tạp lục" chắc hẳn sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị.

Thanh Hương
Bình luận
vtcnews.vn