(VTC News) – Vụ tai nạn “xe điên” ở Hà Nội hôm 18/9 đã làm “dậy sóng” cộng đồng mạng. Nhưng vượt trên tất cả thương cảm, phẫn nộ, lên án, đã đến lúc cần lý giải nguồn gốc thực sự của những vụ việc tương tự đang xảy ra ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, qua đó từng bước ngăn chặn chúng. Dưới đây là lý giải của một độc giả, mời bạn đọc VTC News cùng chia sẻ và bình luận.
Trước tiên xin đặc biệt chia buồn cùng gia đình em Thắng, dù tôi và gia đình em vốn không phải những người thân quen.
Tôi cũng là một con người, cũng có cha mẹ, có các em và có cả con. Tôi thực sự xúc động khi đọc những gì mà người chị của em đã viết. Tôi có thể đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng tôi cảm thấy thực sự phải cúi đầu khi đối mặt với những nỗi đau của gia đình em.
Lúc này đây, ngồi viết những dòng tâm sự này, tôi chỉ cầu mong đừng xảy ra điều tương tự với gia đình yêu quý của tôi cũng như nhiều gia đình khác. Tôi xin mạo muội có vài lời như vậy mong xoa dịu bớt nỗi đau mà gia đình của Thắng vừa trải qua.
Nhưng trong thâm tâm, tôi thiết nghĩ: để xảy ra chuyện đau lòng trên là do đâu; và tôi cố tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến chuyện đau lòng này là gì.
Ý kiến của cá nhân tôi cho rằng, đây là một phần kết quả của nền giáo dục gia đình còn đang bị buông lỏng, khi mà cả xã hội đang bị cuốn vào vòng xoáy của kinh tế thị trường. Nhiều người đã lầm tưởng cách giáo dục nuông chiều bao bọc con cái, bỏ đi cách giáo dục hà khắc, nề nếp gia phong theo lối xưa, cho con học trường điểm, mua cho con tất cả... là tạo được cho con mọi đức tính tốt.
Nhưng có lẽ không phải vậy: khi mà những người trẻ chỉ biết hưởng thụ, ít phải chịu trách nhiệm thì sao có thể hy vọng họ có được những đức tính như khiêm tốn, nhường nhịn, biết tự chịu trách nhiệm?
Những đức tính ấy được thể hiện trong tất cả hành động thường ngày của mỗi người, trong quan hệ với bạn bè, người thân, công việc, và cả trong việc tham gia giao thông. Khi đã xảy ra bất trắc, thất bại trong hành động, những đứa con đó mất hết khả năng kiểm soát, khả năng chịu trách nhiệm.
Chúng bỏ chạy đi đâu? Chúng về nơi đã thường xuyên chịu trách nhiệm cho những hành động của chúng: Đó là bố và mẹ của chúng. Chúng không trốn tránh pháp luật, trốn tránh trách nhiệm, nhưng chúng chạy đi để tìm người phải chịu trách nhiệm giúp chúng... Thật đáng lo ngại biết bao!
Trong trường hợp này, nếu người lái xe thực sự kiểm soát được hành vi của mình, không nảy sinh ý nghĩ trốn chạy trách nhiệm thì đã không tiếp tục nhấn ga sau cú va chạm, gây ra cái chết thương tâm cho em Thắng.
Tôi xin dừng những lời tâm sự của mình ở đây, chỉ mong sao những ai đó có chung quan điểm hãy cùng tôi góp phần xem xét lại cách giáo dục trong nhiều gia đình hiện nay, để ngăn ngừa tận gốc những tai nạn mà trong đó có tai nạn giao thông đã ập đến với gia đình em Thắng.
Ngô Tiến Đức
Người Việt đã được chuẩn bị đầy đủ về văn hóa và đạo đức cộng đồng khi ngồi trước tay lái? Đã bao giờ bạn bất bình trước những người gây tai nạn rồi bỏ chạy, hoặc trước đám đông xúm lại xem mà không ai ngỏ ý giúp đỡ nạn nhân? Bạn biết một ai đó đã ra đi oan uổng vì sự bàng quan, vô tình của những người xung quanh? Hãy chia sẻ qua ô thảo luận cuối bài, hoặc mail về [email protected]. Trân trọng!
Bình luận