Có không ít ngân hàng đã tăng vốn theo "phương pháp" quay vòng tiền bán trái phiếu, hay dùng khoản vay nợ ngân hàng của cổ đông và nhóm công ty "sân sau".
Trong giai đoạn "đua" tăng vốn pháp định (2011 - 2012), một số ngân hàng rất chật vật mới cán mốc 3.000 tỷ đồng theo quy định. Sau chưa đầy 2 năm, cuộc đua tăng vốn lại tiếp tục, để phục vụ những tham vọng lớn hơn của các ngân hàng.
Mùa đại hội cổ đông năm ngoái, nhiều ngân hàng hào hứng tuyên bố sẽ tăng vốn điều lệ thêm vài nghìn tỷ đồng. Năm nay, kế hoạch tăng vốn vẫn chưa thực hiện được, và thậm chí còn có dấu hiệu "xì hơi".
Lại "chạy đua" tăng vốn
Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho một số nhà băng tăng vốn điều lệ. Trong tháng 3, đã có 2 ngân hàng được cho phép tăng vốn. Cụ thể là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank), tăng vốn từ 5.770 tỷ đồng lên 6.347 tỷ đồng, Ngân hàng HSBC (100% vốn nước ngoài) sẽ tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 7.528 tỷ đồng. Phương án tăng vốn đã được đại hội cổ đông ngân hàng thông qua hoặc do ngân hàng mẹ quyết định từ trước đó.
Ngân hàng Sacombank cũng đã được Ngân hang Nhà nước chấp thuận tăng vốn từ 10.739 tỷ đồng lên 12.425 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn đã được đại hội cổ đông thông qua từ năm 2012. Theo đó, Sacombank sẽ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 8%), nhằm tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng. Nếu thành công, Sacombank sẽ lọt vào nhóm ngân hàng TMCP có quy mô vốn lớn nhất.Ngân hàng đua nhau tăng vốn (Ảnh minh họa)
Đại hội cổ đông năm 2014 của Ngân hàng Nam Á cũng đã nhất trí thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng ngay trong năm nay.
Còn tại đại hội cổ đông vừa qua, Ngân hàng SCB cũng đã trình phương án tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng, để đạt quy mô vốn điều lệ 14.295 tỷ đồng. Cụ thể, phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với giá bán theo thỏa thuận giữa SCB và các nhà đầu tư, nhưng đảm bảo không thấp hơn mệnh giá.
Tại Ngân hàng Bắc Á, quá trình tăng vốn diễn ra khá chậm. Dù đại hội cổ đông năm 2013 của ngân hàng này đã biểu quyết thông qua tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng, nhưng đến tận đầu tháng 4 này, ngân hàng mới hoàn thành phát hành cổ phiếu để tăng vốn. Trước đó, năm 2010, Bắc Á cũng có đợt chạy đua tăng vốn "gấp" từ 2.200 tỷ đồng lên mức 3.000 tỷ đồng để đảm bảo mức vốn pháp định tối thiểu.
Về "tốc độ" tăng vốn, thì Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) hẳn phải đạt vị trí "quán quân". Từ 1.000 tỷ đồng (năm 2007) vốn pháp định ban đầu, chỉ trong vòng 3 năm vốn pháp định của Oceanbank đã tăng lên thành 4.000 tỷ đồng.
Còn theo phương án tăng vốn được Ngân nhà Nhà nước chấp thuận tháng 10/2013, Oceanbank sẽ tăng vốn lên 5.350 tỷ đồng ngay trong năm 2014. Việc tăng vốn thông qua chào bán 135 triệu cổ phiếu, trong đó có 100 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiện hữu và 35 triệu cổ phiếu bán cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, hiện Oceanbank vẫn đang xin gia hạn Giấy phép đăng kí chào bán cổ phiếu.
"Phép màu" tăng vốn
Trong các kỳ đại hội cổ đông gần đây, Hội đồng quản trị ngân hàng thường lấy lý do "cần thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động" để xin cổ đông chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ. Mỗi lần tăng vốn "nhẹ nhàng" cũng phải từ 500 - 1.000 tỷ đồng, có nơi còn tăng vốn "thần tốc" thêm vài nghìn tỷ đồng.
Nhưng thực tế, thị trường ghi nhận khá ít trường hợp tăng vốn thành công, có thể nói là chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Chẳng hạn trong năm 2013, chỉ có VPbank hoàn thành tăng vốn thêm hơn 700 tỷ đồng, lên mức 5.770 tỷ đồng. Hoặc Techcombank tăng vốn lên 8.878 tỷ đồng… Hay Ngân hàng OCB dự kiến phát hành cổ phiếu tăng vốn thêm 766 tỷ đồng, lên 4.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Nguồn tăng vốn chủ yếu lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, hay phát hành cổ phiếu riêng lẻ để chia thưởng cho người lao động, hoặc sử dụng quỹ dự trữ để bổ sung vốn điều lệ.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, lợi nhuận của ngân hàng thực tế bị giảm mạnh, phải tăng trích dự phòng rủi ro, tập trung xử lý nợ xấu… Cho nên, kế hoạch tăng vốn có quy mô nghìn tỷ đòi hỏi phương án huy động phải khả thi hơn. Phương án tăng vốn thường được tính đến đầu tiên là phát hành thêm cổ phiếu để chia thưởng, trả cổ tức cho cổ đông.
Đơn cử, để phục vụ tăng vốn thêm 500 tỷ, Ngân hàng Việt Á dự kiến phát hành 23 triệu cổ phiếu, trong đó 50% dùng trả cổ tức. Tại Sacombank, cổ đông sẽ được nhận 8% cổ tức năm 2013 bằng cổ phiếu (trị giá hơn 900 tỷ đồng) và 8% bằng tiền mặt.
Ngân hàng tăng vốn quá nhanh giữa lúc thị trường khó khăn đã khiến cổ đông không khỏi ngạc nhiên. Vì hiện nay, tìm được các đối tác, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, đồng ý mua phần lớn hoặc toàn bộ số cổ phiếu phát hành thêm là không dễ dàng.
Tuy nhiên, có không ít ngân hàng đã tăng vốn theo "phương pháp" quay vòng tiền bán trái phiếu, hay dùng khoản vay nợ ngân hàng của cổ đông và nhóm công ty "sân sau"… để mua cổ phiếu phục vụ tăng vốn.
Với "phép màu" này, dòng tiền chỉ chạy vòng quanh giữa ngân hàng - doanh nghiệp nhằm làm tăng "tài sản ảo" trên sổ sách, giúp ngân hàng hoàn thành nhiệm vụ tăng vốn dễ dàng.
Theo Thu Hằng/Thời báo kinh doanh
Bình luận