• Zalo

Độc chiêu săn thực phẩm sạch của bà nội trợ

Kinh tếThứ Tư, 09/05/2012 05:29:00 +07:00Google News

Các bà nội trợ ở Sài Gòn ra chợ không chỉ đau đầu về việc đi tìm thực phẩm sạch, mà còn vì giá cả nhích lên từng ngày.

Các bà nội trợ ở Sài Gòn ra chợ không chỉ đau đầu về việc đi tìm thực phẩm sạch, mà còn vì giá cả nhích lên từng ngày.

Câu cửa miệng tán gẫu với nhau là bây giờ ăn cái gì cũng độc, mua cái gì cũng mắc.

Đau đầu tìm thực phẩm sạch

Có lẽ giới văn phòng và các cụ già về hưu là những người kỹ tính nhất khi đi ra chợ. Từ ngày có tin về chất tạo nạc ở thịt heo, các bà nội trợ đã loại món thịt heo ra khỏi thực đơn hàng ngày, chỉ ăn tối đa một đến hai bữa một tuần. Để an toàn thì mua thịt heo ở siêu thị chứ không mua ở chợ nữa.

Thịt heo nhìn bằng mắt thường cũng thấy “siêu nạc”, nhưng người mua vẫn phải mua 
Chị Hoài Thanh ở Quận 5 bức xúc kể: Có lần đi chợ từ sáng sớm, thấy người đàn ông bán thịt trút mấy bát bột trắng vào chậu thịt to tướng, không biết là chất gì, nhưng chắc chắn cho vào thịt bất cứ cái gì cũng độc hại. Về nhà chồng bảo, lỡ người ta trộn bột mì vào cho thịt dẻo và nặng ký thì sao, nhưng chị đinh ninh rằng, chắc đó là chất làm thịt lâu ôi thiu mà thôi. Từ đó, chị cạch đến già, không dám mua thịt xay sẵn.

Hài lòng nhất là cánh đàn ông về hỉ hả với vợ: thực đơn cơm văn phòng buổi trưa thường chỉ chọn món cá, hết cá sốt cà lại cá chiên, cá kho. Thật vậy, dạo quanh các quán cơm văn phòng ở quận ba, danh sách 7 món tự chọn chỉ có độc một món thịt, còn lại là cá, cua ram, tàu hũ…

Chị Ánh Tuyết ở Quận 3 cho biết, tưởng ăn cá là an toàn, đến ngày báo chí thông tin tiếp cá diêu hồng bị nhiễm chất độc trifluralin, phân phối từ chợ đầu mối Bình Điền khiến chị thấy tuyệt vọng. Ăn cá biển thì lo người ta ướp phân đạm, ăn cá nuôi thì nhiễm độc lúc nào không biết, bây giờ ăn cái gì cũng độc, những cái tưởng không độc là do người ta chưa phát hiện ra thôi.

Hay nhất là bây giờ các bà vợ có cớ cằn nhằn chồng một cách dễ thương: các ông chừa ra quán nhậu chưa? Đến nhà hàng tiệc cưới mà còn dùng thịt thối thì các quán nhậu tha gì mà không dùng đồ “bẩn” cho các ông ăn, rượu bia phừng phừng vào rồi thì còn biết gì nữa. Mà thịt có thối, tẩm ướp gia vị vào thì cũng khó phát hiện. Rồi cứ chê vợ nấu không ngon, ngoài hàng người ta cho soda làm cho thịt bò, thịt heo mềm thì các ông lại khen ngon. Chả ai thương chồng bằng vợ đâu!

Món cá bây giờ được người Sài Gòn lựa chọn nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày 
Chị Thảo ở Quận 10 thông báo một tin sốt dẻo cho đồng nghiệp: đứa bạn em làm cho nhà hàng bốn sao hẳn hoi, nó khuyên, đừng tưởng có nhiều tiền mà được ăn đồ sạch nhé. Tại nhà hàng mà cô bạn đang làm, người ta nhập gà vào chỉ có 5.000 đồng/con!

Độc chiêu tìm đồ ăn sạch

Nhưng vì không thể dừng ăn cho nên nhiều bà nội trợ kỹ tính hay đi chợ từ sáng sớm. Ở mỗi chợ thường có vài mối bán cá, tôm sông, cá đồng mà người mua cảm thấy tin tưởng.Thường là những má, những cô đi xe lam từ Long An lên (đi từ 5 giờ sáng), thu gom đồ sông, đồ đồng ở quê bán cho dân thành phố.

Giá cả ở những hàng như thế này thường bán mắc gấp 1,5 lần so với các hàng đại trà khác. Chỉ cần quyết tâm đi tìm là bạn có thể chọn được mớ rau muống sạch (không tưới nhớt), mã xấu, nhìn không mượt, ăn hơi cứng, giá 5000 đồng/bó nhỏ.

Mắc nhất là cá lóc đồng, vì là món không thể thiếu với trẻ con nên bao giờ cũng có giá cao nhất. Bây giờ cứ 70 ngàn đến 100 ngàn mới mua được con cá lóc đồng khoảng dưới 1kg.
Cá sông, cá đồng bán ở đất Sài Gòn rất phong phú cho nên nếu có ăn cá triền miên cả tuần cũng không lặp lại loại cá: cá kèo, cá thác lác, cá lóc, cá lòng tong, cá rô…

Chị Thu Hà cho biết, ở chợ Xã Tây, Quận 5 gần nhà chị cũng có mối bán cá biển mà chị tin rằng không bị ướp đạm (vỏ cá ánh màu sáng, mắt trong), nhưng cũng đau đầu vì giá cả mắc hơn hẳn các hàng khác, không mặc cả được một đồng. Bây giờ mua cá phải mất trăm ngàn chứ không vài chục như trước đây nữa. Đến nhỏ như trái chanh mà giá cả cũng cao vọt, trước đây là 20 ngàn đồng/ký, bây giờ là 60 ngàn đồng/ký.

Các bà nội trợ than, cầm vài trăm ra chợ là mất tiêu, mà nhìn lại cũng chỉ lèo tèo vài thứ. Đi siêu thị mua sắm mấy cái lặt vặt trong gia đình cũng 500 ngàn là bét nhất. “Cứ ra khỏi nhà là mất tiền”, chị Hà than.

Theo chị Cúc ở Quận 12, cứ tưởng đứa con thứ hai ra đời là sướng hơn đứa thứ nhất, ai dè, bão giá như bây giờ, đứa thứ hai lại chịu thiệt thòi hơn. Thuê giúp việc trông đứa thứ nhất cách đây ba năm có 1 triệu, bây giờ phải trả 2,5 triệu đồng/tháng. Mỗi lần đi Metro như trước đây còn mua cả kiwi, đào Mỹ cho con thứ nhất ăn, bây giờ đi qua chỉ dám ngó. Trong khi đó, chi tiêu hàng tháng cho gia đình chị (vợ chồng, hai đứa con nhỏ, giúp việc) đi tong 12 triệu/tháng.

Khổ nhất người nghèo

Dường như người có thu nhập thấp không có cơ hội lựa chọn trong bão giá. Tiền chi tiêu hàng tháng đang còn phải đau đầu để khỏi thâm hụt chứ đừng nói tới chuyện kỳ công đi tìm đồ ăn an toàn.

Cá sông, tôm đồng ngoài chợ giá cao vọt nhưng vẫn bán hết veo cho các bà nội trợ kỹ tính 
Ở chợ vẫn bán thịt siêu nạc, rau phun nhớt, cá diêu hồng nhiễm độc, và người ta vẫn bán hết. Điều đó chứng tỏ người dân vẫn phải ăn vì nhiều lý do, hoặc thiếu thông tin, hoặc chấp nhận, hay không có nhiều tiền để lựa chọn.

Người Sài Gòn có thói quen ăn quán, do vậy các quán cơm bình dân tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm ở chợ, và chắc gì các quán này quan tâm đến mua đồ ăn nào tốt nhất?

Là tạp vụ cho một cơ quan, chị Thìn (Quận 8) cho biết: lương tôi mỗi tháng có 3 triệu đồng, ông xã kiếm lúc được 4 triệu, lúc 5 triệu, hai con đang đi học nên càng khó khăn. Mỗi ngày con đi học, phải cho 50 ngàn ăn sáng, ăn trưa, uống nước. Tối đến, cả nhà tôi hay đi ăn quán, một phần vì cả ngày làm mệt, một phần vì ăn quán rẻ hơn ăn ở nhà. Mỗi suất cơm bình dân chỉ khoảng 15 đến 20 ngàn đồng. Chị bảo, biết rằng tự đi lựa thực phẩm mà nấu thì tốt hơn, nhưng cả nhà chỉ có chừng ấy tiền, không khéo chi tiêu thì chết đói.

Theo VietNamnet

Bình luận
vtcnews.vn