• Zalo

Độc chiêu ăn bớt: Bà chủ hàng thịt lột tiền khách quen

Kinh tếThứ Bảy, 13/06/2015 12:15:00 +07:00Google News

Mua 5 lạng thịt rồi nhờ xay hộ, đến lúc xong, chị Lê Thị Mai đặt lên cân lại chỉ còn chưa đầy 4 lạng. Không chỉ chị Mai, nhiều bà nội trợ cũng than thở, dân bán thịt lợn hết cân điêu, tráo hàng lại còn giở trò ăn bớt của khách.

Mua 5 lạng thịt rồi nhờ xay hộ, đến lúc xong, chị Lê Thị Mai đặt lên cân lại chỉ còn chưa đầy 4 lạng. Không chỉ chị Mai, nhiều bà nội trợ cũng than thở, dân bán thịt lợn hết cân điêu, tráo hàng lại còn giở trò ăn bớt của khách.

Đủ trò móc túi

Chị Lê Thị Mai ở ngõ 2 Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) thấy vậy liền thắc mắc, tạo sao thịt xay xong lại hao hụt vậy, trong khi thịt vừa rửa xong, nước vẫn đầy túi nilon lẽ ra phải trọng lượng phải tăng chứ sao lại giảm? Chủ hàng thịt chỉ nói: “Chắc lúc trước chị cân nhầm nên thiếu”, sau đó bù thêm cho một lạng nữa.

“Tôi cũng nghĩ là chủ hàng thịt cân nhầm thật, nhưng qua hàng rau gần đó, bà bán rau mách rằng hàng thịt ở chợ ngoài cân điêu còn ăn bớt của khách nữa”, chị nói.

Nhiều bà nội trợ bức xúc vì nạn cân điêu “móc túi” khách của dân bán thịt lợn ngoài chợ (ảnh minh họa)
Nhiều bà nội trợ bức xúc vì nạn cân điêu “móc túi” khách của dân bán thịt lợn ngoài chợ (ảnh minh họa) 
Bà bán rau lý giải, chủ hàng thịt cứ thái thành từng miếng nhỏ rồi đem ra chỗ khác rửa, lúc đó họ có bớt một vài miếng người mua không hề hay biết, nhất là khi đông khách. Đến cuối buổi, từ chỗ rửa họ lôi lên cả 2-3kg thịt chứ không ít đâu. Số thịt ăn bớt được họ lại bán ngay cho khách, không thì hàng cơm bình dân mua hết về làm các món thịt băm, chả lá lốt, chị Mai kể.


“Đấy, đi chợ giờ bị hàng thịt ‘móc túi đơn móc túi kép’. Nghĩ cũng bực mình, đã cân điêu lại còn ăn bớt nữa, lần sau thì cạch mặt. Mà chẳng lẽ lúc đó đem ném trả lại túi thịt đã xay rồi đòi lại tiền”, chị Mai bức xúc.

Chị Mai không phải là nạn nhân duy nhất của của các bà hàng thịt. Chị Thu Huyền ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội) cho biết, cách đây một tháng, chị đi mua thịt nạc rồi cũng nhờ chủ hàng xay luôn để nấu cháo cho con ăn. Lúc bà chủ đem chỗ thịt vừa thái xong thả vào chậu nước dưới chân để rửa, sau khi vớt ra, chị thấy vẫn còn 3-4 miếng thịt nữa.

“Hỏi chủ hàng thịt sao không vớt hết lên, bà ta còn gân cổ nói rằng thịt cũ bà bỏ vào đó từ trước. Tức quá, tôi cân lại thấy thiếu thì chủ hàng thịt mới bảo sẽ bù thêm vào. Nhưng bực điên người, tôi ném trả túi thịt xay, đòi lại tiền sang hàng khác mua”, chị Huyền kể.

Trên diễn đàn, các bà nội trợ cũng thi nhau tố tình trạng cân điêu, ăn bớt thịt, thậm chí còn tráo hàng của khách.

Thành viên Me Tho chia sẻ: “Em không bị cân điêu nhưng bị hàng thịt lừa. Em mua 2 dẻ sườn thăn rất ngon, chủ hàng thịt ngồi xuống chặt chặt rồi mới cân. Em chủ quan vì nghĩ thời buổi này ai còn lừa nhau. Thế mà, về đến nhà em mới phát hiện không phải sườn thăn mà toàn sườn cục, trong khi sườn thì 90.000 đồng/kg chứ đâu có ít. Từ lần sau mua em tự đem về chặt, cạch mặt cái hàng đó ra”.

Lật tẩy chiêu trò “móc túi” của hàng thịt

Sau lần cãi nhau đòi được thêm 4 lạng thịt vì bị bà chủ cân điêu (mua 2 kg thịt chân giò mà sang hàng khác cân lại chỉ còn 1,6 kg) ở chợ Nghĩa Tân, chị Nguyễn Thị Hoài ở Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) rút ra kinh nghiệm, đi mua hàng đôi khi phải “găng tơ”, tỏ ra giang hồ, phải làm tới bến theo kiểu “ăn to nói lớn” nếu bị bắt nạt. Còn cứ hiền hiền, ăn nói nhỏ nhẹ thì chủ hàng thịt phớt lờ, ăn chặn của mình ngay. Lúc đó, chỉ có mình là thiệt và ngậm “cục tức” trong người.

Theo chị Hoài, mua vài lạng thịt thì thiếu mất vài hoa, mua vài cân thì thiếu mất vài lạng. Một ngày trung bình họ bán 70-80 kg thịt, tính ra dân bán thịt thu được cả yến thịt chỉ nhờ vào cân điêu, chưa kể kiểu ăn bớt thịt xay, tráo hàng. Thế nên, đi chợ, các bà nội trợ cứ phải làm căng, đòi lại bằng được số thịt cân thiếu, không thì trả lại thịt đi mua hàng khác.

Ngoài cách đi chợ phải tỏ ra “găng tơ”, giang hồ để đối phó lại nạn cân điêu, chị Hoàng Quỳnh ở khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy) còn chia sẻ chị em nội trợ có thể dùng dùng tuyệt chiêu cân mũ bảo hiểm để xem cân có chuẩn không.

“Ai đi xe ra chợ cũng có mũ bảo hiểm đội trên đầu, ở nhà cứ cân thử cái mũ ấy xem trọng lượng bao nhiêu rồi ra chợ, mua bất cứ cái gì cũng có thể đặt lên cân cái mũ để kiểm tra độ chính xác của cái cân”. Tuy nhiên, chị Quỳnh cũng lưu ý, cần hỏi trước người bán thịt, hoa quả, nếu người bán đồng ý cho mình cân thì tiến hành (những hàng này thường là hàng cân đủ), còn người nào từ chối thì tốt nhất không nên mua hàng ở đó.

Nhiều người cũng mách nên lấy chai nước để kiểm tra cân, nhưng đôi khi cầm chai nước đi cũng bất tiện, chị Quỳnh chia sẻ.

Ngoài ra, còn khá nhiều chiêu để đối phó với nạn “móc túi” khách được các mẹ rỉ tai nhau, như mua của những hàng quen, tuyệt đối không mua hàng bán rong, nhìn cân thật kỹ, sắm cân điện tử cầm tay khi đi chợ,... Hay, khi mua cua đồng, cá, tôm,... cân xong nên tự đem về làm để tránh trường hợp bị tráo hàng tươi thành hàng ôi.

Nguồn:vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn