Mỗi lần Tôm mắc lỗi, Thoa đều có cách áp dụng chiêu thức với con khá linh hoạt, lúc mềm mỏng, khi lại cứng rắn.
Một tối, Tôm lăn ra khóc, bắt bà nội phải tắt điện vì: “Bật điện là ông ba bị vào đấy”. Mắt kém, lại pha sữa bằng ánh sáng hắt ra từ tivi nên bà làm đổ sữa ra sàn. Thấy con "ăn vạ" bà, Thoa rất bực, liền bật điện nhưng Tôm lại lăn ra khóc. Chiều con, Thoa sợ con sẽ hiểu là cứ la hét là sẽ được làm theo ý mình. Vì thế, lúc đó Hoa nghiêm khắc: “Mẹ không đồng ý với con. Còn làm thế, mẹ sẽ phạt, cuối tuần không cho đi chơi siêu thị nữa”.
Nhưng ngay lập tức, Tôm gào to hơn rồi ho sặc sụa, nước mắt, nước mũi tèm nhem. Biết con đang “cứng” nên Thoa đành chuyển sang “mềm”, ôm con vào lòng vỗ về: “Con ngoan cho mẹ bật điện sáng. Ông ba bị bị đuổi đi tít ra ngoài kia rồi...”. Thế là Tôm nhanh chóng dịu xuống.
Chia sẻ kinh nghiệm linh hoạt khi dạy con, theo Thoa, cần biết “rắn - mềm” đúng lúc (tức là mẹ "mềm" khi con "rắn" và "rắn" khi con "mềm").
"Rắn" là khi Tôm nói bậy, nhắc mãi không sửa nhưng tỏ vẻ biết lỗi. Khi đó, Thoa sẽ bắt con khoanh tay úp mặt vào tường, Thoa ngồi bên cạnh giữ cho con đứng thẳng, khi nào đủ một vài phút quy định mới được mẹ tha. Tất nhiên, khi đó mẹ cần hỏi xem Tôm có biết lỗi ở đâu không và phải hứa lần sau không tái phạm.
"Mềm" là khi Tôm "khóc ghê quá"; chẳng hạn, lần Tôm đứng ngoài balcon tầng 2 và “phi thẳng” cái nắp bô nhựa xuống tầng 1. Thoa mắng nên con khóc om sòm. Ngay lập tức, Thoa ôm con, dặn lần sau không ném bô thì mẹ sẽ cho sang nhà anh Tít chơi. Còn nếu ép con úp mặt vào tường khi đó thì sẽ không ăn thua.
Dạy con một cách linh hoạt, tránh cứng nhắc bao giờ cũng mang lại hiệu quả hơn.
Khi con mắc lỗi, tùy “tình hình” mà cha mẹ nên chọn cách “mềm” hay “rắn”, bởi còn tùy thuộc vào thái độ của con, cũng như cách dạy của cha mẹ. Mềm quá sợ bé sẽ “nhờn”, còn “cứng” quá sợ bé lỳ, ương bướng và giỏi chống đối. Khi dạy con, cha mẹ nên để ý tới cảm xúc của con để có cách giáo dục thích hợp. Thử áp dụng mẹo “tình cảm trái chiều” khi dạy con, tức là nếu bé đang hung hăng, cáu giận thì nên ôm, vỗ về để bé trấn tĩnh. Sau đó mới giải thích lỗi của bé rồi chọn một cách phạt phù hợp. Ngược lại, nếu bé im im biết lỗi thì cần nghiêm khắc nhắc nhở bé để lần sau bé không tái phạm.
Điều quan trọng khi bé mắc lỗi là cha mẹ cần hiểu lý do vì sao.
Có nhiều bé mắc lỗi làm hỏng đồ vật là do nhận thức kém, thích tò mò, khám phá; vì thế, bản thân cha mẹ cần phải bảo quản đồ đạc tốt, tránh để con làm hỏng những thứ đắt tiền, quý giá. Tiếp theo, cần giải thích thật rõ vì sao bé làm như thế lại khiến mẹ giận và bị phạt. Điều này giúp bé tự nhận thức được cái đúng – cái chưa đúng để điều chỉnh bản thân. Đừng bao giờ tự mặc định là bé đã biết nhưng cố tình phá hỏng thứ gì đó của gia đình hoặc nghĩ là không cần giải thích nhiều vì bé đã biết lý do bị phạt rồi.
Cũng cần nhớ là với cùng một lỗi nhưng bé có thể mắc đi mắc lại rất nhiều lần (do trí nhớ và nhận thức còn non nớt) nên đừng vội “điên lên” mà quát bé: “Đã bảo bao nhiêu lần rồi”. Nên bình tĩnh trong mọi tình huống, cha mẹ sẽ tìm được cách dạy con thích hợp nhất.
Theo Mevabe
Bình luận