Trong thông báo ra ngày 1/4, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, các mặt hàng công nghiệp của quốc phòng và hàng không vũ trụ của nước này đã được xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu của Ấn Độ là xuất khẩu khoảng 250 tỷ rupee (tương đương 3,1 tỷ USD) thiết bị quốc phòng mỗi năm vào năm 2025.
Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, mặc dù vẫn là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong vòng 8 năm qua, nước này đã có thể bán ra thị trường thế giới các thiết bị quốc phòng quan trọng như máy bay hạng nhẹ Dornier-228, tổ hợp pháo kéo tiên tiến 155 mm, các hệ thống tên lửa Brahmos và Akash, radar, thiết bị mô phỏng, các phương tiện chống mìn, xe bọc thép…
Để thúc đẩy xuất khẩu quốc phòng, Chính phủ Ấn Độ đã triển khai một số sáng kiến chính sách và tiến hành nhiều cải cách trong vòng 5 - 6 năm qua. Trong số này bao gồm việc đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu, để biến ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ thân thiện hơn với thị trường bên ngoài. Ấn Độ cũng giảm bớt sự chậm trễ của các đơn hàng bằng việc nới lỏng các điều kiện kinh doanh, ví dụ như cấp phép xuất khẩu trực tuyến đầu cuối.
Bên cạnh đó, New Delhi còn công bố 3 loại giấy phép Xuất khẩu chung Mở (OGEL) phục vụ việc xuất khẩu các thiết bị, linh kiện, chuyển giao công nghệ và các thiết bị, hệ thống quan trọng. OGEL là giấy phép xuất khẩu 1 lần, cho phép các doanh nghiệp quốc phòng Ấn Độ được bán ra các thiết bị cụ thể đến các khách hàng cụ thể, được liệt kê trong OGEL. Điều này giúp doanh nghiệp không cần xin phép trong thời gian giấy phép OGEL còn hiệu lực.
Bình luận