• Zalo

'Doanh thu EVN đang lỗ làm sao giảm giá điện'

Kinh tếThứ Sáu, 20/07/2012 07:24:00 +07:00Google News

(VTC News) – Thực tế Kiểm toán Nhà nước không hề nói giảm giá điện, doanh thu EVN đang lỗ làm sao giảm được.

(VTC News) – EVN đang thực hiện đúng các quy định của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Thực tế KTNN không hề nói giảm giá điện, doanh thu EVN đang lỗ làm sao giảm được.

Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết như trên tại buổi Tọa đàm về việc triển khai thực hiện Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Cơ chế điều chỉnh giá điện diễn ra chiều nay (20/7).

PV: Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, EVN đã không tính gộp các khoản thu như số tiền cho thuê cột điện,… hạch toán không đúng nên không giảm được giá điện, EVN lý giải thế nào về điều này?

Ông Đinh Quang Tri: KTNN thông báo kết quả với EVN năm 2010 từ lâu chứ không phải hôm qua mới công bố. Những kiến nghị của KTNN, EVN đã thực hiện.

Riêng một số vấn đề như tiền thuê cột điện không hạch toán, đề nghị hạch toán giảm giá điện. Thực tế KTNN không hề nói giảm giá điện, doanh thu EVN đang lỗ làm sao giảm được. Giảm giá thành thì có thể, nếu hạch toán để có thể giảm trừ một số chi phí.

Kết luận của KTNN là EVN tuân thủ các quy định của kiểm toán Việt Nam, nhưng khi KTNN phân tích cho các Bộ, ngành thì có lấy ví dụ là tiền thuê cột điện của EVN. Chế độ kiểm toán quy định hạch toán vào chi phí và khoản thu khác. Doanh nghiệp làm sao có thể bỏ ngoài sổ sách doanh thu hàng trăm tỷ đồng được.

EVN lỗ, khó giảm giá điện 

Doanh thu cột điện là hạch toán riêng vào doanh thu doanh nghiệp. Cũng cột điện đó nhưng ở nông thôn có thu được đồng nào đâu. Một số nơi doanh thu điện là lỗ. Vì vậy, thay vì hạch toán vào giá điện thì hạch toán vào doanh thu, suy cho cùng cũng nhằm mục tiêu là giảm lỗ. Việc hạch toán này Bộ Tài chính hướng dẫn thế nào, thì EVN làm như thế.

Bên cạnh đó, chế độ kiểm toán trước đây cho phép khoản tiền gửi hàng ngày, hàng tháng phát sinh thì có thể gửi, nhưng hiện nay không cho phép như vậy, phải hạch toán vào doanh thu tài chính.

Thực tế lỗ năm 2011 là 11.000 tỷ, nhưng nhờ kinh doanh tài chính giảm 2.900 tỷ đồng, nên lỗ còn trên 8.000 tỷ đồng. Hạch toán vào doanh thu giúp giảm lỗ của EVN, thay vì hạch toán vào giá thành.

PV:Theo kế hoạch, tới năm 2015, EVN sẽ thoái vốn ngoài ngành, vậy số tiền đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ có được hạch toán tính vào giá điện không?

Ông Đinh Quang Tri: Hiện EVN còn đầu tư tại một số doanh nghiệp như: Ngân hàng An Bình, Công ty chứng khoán An Bình, Công ty Bảo hiểm Toàn cầu và một số công ty bất động sản.

Tại Ngân hàng An Bình, EVN đầu tư 757 tỷ đồng, hiện Tập đoàn đang trình Thủ tướng Chính phủ chuyển nhượng sang Geleximco để đưa tỷ lệ vốn đầu tư xuống 20%, nhưng hiện nay thoái vốn ở ngân hàng rất khó khăn vì giá cổ phiếu thấp, EVN đang đề nghị bán giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Vấn đề này đang chờ ý kiến Thủ tướng.

Đối với lĩnh vực bảo hiểm, EVN có 22% cổ phần tại đây, đang cố gắng rút xuống 20% và đang chờ bán. Hiện EVN đang đàm phán với đối tác của Đức để bán, giá cả đang thảo luận, nhưng chắc chắn sẽ lãi lớn.

Đối với bất động sản, EVN đang đầu tư khoảng 103 tỷ đồng, dự kiến sẽ bán hết để trả lại tiền cho cổ đông. Riêng lĩnh vực chứng khoán, do chưa tìm được đối tác để bán do thị tường khó khăn. Vì vậy, EVN muốn chờ đến 2015 khi nào thị trường tốt hơn thì sẽ bán hết. Tổng số tiền EVN đầu tư cho lĩnh vực này hiện nay khoảng 1.100 tỷ đồng.

PV: Có ý kiến cho rằng EVN đang mua giá điện từ Trung Quốc với giá khá cao la 1.300 đồng/kWh, trong khi giá của các doanh nghiệp khác là 800-900 đồng, EVN lý giải thế nào về điều này?

Ông Đinh Quang Tri: Thực tế hiện nay, mua điện của Trung Quốc rẻ hơn chạy dầu FO hay chạy khí Cà Mau. Nghĩa là mua còn rẻ hơn tự sản xuất. Giá bán điện cho Việt Nam cũng chỉ bằng một nửa so với giá bán điện cho người dân Trung Quốc. Giá bán cho dân là 10 cent, nhưng bán cho Việt Nam thời gian đầu chỉ 4,5 cent.

PV: Ngành điện tăng giá để bù lỗ, một trong những nguyên nhân là do tỷ giá. Điều này có hợp lý không khi các tập đoàn khác cũng chịu tác động của tỷ giá, nhưng không được bù lỗ?

Ông Đinh Quang Tri: Nếu nghe qua thì có vẻ không công bằng, nhưng gốc vấn đề nằm ở chỗ, giá điện của EVN phải theo quyết định của Chính phủ, trong khi các doanh nghiệp khác, ngay như Petrolimex, giá thị trường tăng – giảm, họ đều được phép điều chỉnh.

Hầu hết các khoản vay của EVN (khoảng 7,4 tỷ USD) đều là do Chính phủ vay và cho EVN vay lại. Chênh lệch tỷ giá thì Chính phủ phải bù, nhưng Chính phủ lấy đâu ra tiền để bù. Trong văn bản của Thủ tướng, số tiền lỗ 26.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá tình từ trước năm 2011 sẽ phải phân bổ dần từ 2012 - 2015, bình quân mỗi năm là 6.500 tỷ đồng.

PV:Có ý kiến cho rằng, hiện nay 3 yếu tố tác động đến giá điện là chi phí sản xuất (xăng, dầu), tỷ giá và nguồn nước đều thuận lợi. Lẽ ra thời điểm 1/7 sẽ phải giảm giá, chứ không thể tăng được?

Ông Đinh Quang Tri: Đợt tăng giá điện ngày 1/7 nếu chỉ nhìn bức tranh đơn lẻ là các yếu tố đều thuận lợi thì sẽ không xử lý được. Vì khoản “treo” 26.000 tỷ đồng mà không giải quyết được sẽ là gánh nặng lớn sau này.

Đối với các khoản lỗ do mua giá điện cao, bán giá thấp từ 2010, EVN kiến nghị không đưa vào giá điện, mà những khoản lợi nhuận của EVN sẽ khấu trừ dần khoản này.

PV: Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng EVN vẫn không minh bạch trong việc công bố các chi phí trong giá điện. Tới đây, EVN sẽ làm thế nào để minh bạch vấn đề này?

Ông Đinh Quang Tri: Năm 2013 giá điện sẽ tiến tới mức giá thị trường, điều chỉnh minh bạch, người dân có thể kiểm tra, giám sát, tăng giảm đều phải rõ ràng. Về mặt pháp lý đã ban hành đầy đủ, nhưng các thông tư thì vẫn còn thiếu.

Thị trường điện cạnh tranh mới được 20 ngày và đang trong quá trình chạy để hoàn thiện cơ chế, sao cho minh bạch. Ở đâu người dân cũng đòi minh bạch, nhưng từng người dân không hiểu được cụ thể mọi vấn đề vì điện là hệ thống phức tạp, vì sản xuất, tiêu dùng là đồng thời, và nhu cầu người tiêu tác động trực tiếp đến sản xuất.

Việc vận hành an toàn hệ thống điện không chỉ doanh nghiệp làm, mà còn có sự ủng hộ của người dân. Nếu người dùng đúng sẽ không xảy ra sự cố, vì nếu vào giờ cao điểm, ai cũng dùng sẽ bị quá tải. Máy biến áp tự động nhảy và mất điện. Người tiêu dùng phải biết dùng hợp lý để đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện.

Nghe có vẻ lý thuyết, nhưng 20 triệu hộ tiêu dùng lại có tác động rất lớn. Chỉ cần một ông làm chập mạch có thể làm nhảy luôn hệ thống của cả khu vực. Với ngành điện, đây là yếu tố khách quan.

Sắp tớ sẽ sửa đổi hệ thống các thông tư, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế, ra được cơ chế minh bạch. Bản thân EVN cũng không muốn độc quyền, muốn kêu gọi các doanh nghiệp khác vào, nhưng cơ chế giá điện chưa đúng với thị trường, nên các doanh nghiệp khác cũng không muốn vào.

Nếu tăng giá điện quá cao, quá khách hàng không chấp nhận được, những cắt điện cũng gây thảm họa lớn cho nền kinh tế, chúng tôi phải tuân thủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngay cả đợt tăng 5% giá điện vừa rồi cũng phải xin ý kiến của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Châu Anh

Bình luận
vtcnews.vn