Cách mạng công nghiệp 4.0 đang hút doanh nghiệp trong tất cả các ngành kinh tế. Nhiều doanh nhân đã phải "đi học thêm", cập nhật công nghệ, cập nhật công thức quản trị mới trong doanh nghiệp.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi ghi lại chia sẻ của nhiều doanh nhân trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau về sự "Hòa nhập của doanh nhân thời đại 4.0"
Anh Ngô Thanh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH SEA USS, một doanh nghiệp chuyên về khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản chia sẻ, cách mạng 4.0 vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Cách mạng 4.0 sẽ tác động và làm thay đổi tư duy của con người rất nhiều. Chủ doanh nghiệp như tôi giờ cũng bắt đầu phải để ý nhiều hơn đến việc đào tạo, sử dụng nhân lực.
Trước đây, ví dụ công ty tôi tuyển người vào, sau đó mới bắt đầu chú ý đến việc đào tạo năng lực cho người lao động. Nhưng thời đại 4.0 cho phép mọi thao tác, công việc sẽ làm việc trên máy với thủ tục nhanh gọn, dễ dàng hơn.
Điều này sẽ tác động rất lớn đến người lao động và chủ doanh nghiệp, khi mà lao động cần chú trọng hơn đến chuyên môn bản thân, còn chủ doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, thậm chí là trả lương xứng đáng để giữ được người tài”, anh Lâm cho biết.
Ngoài ra, anh Lâm cho rằng còn nhiều cơ chế, chính sách mang nặng tư tưởng quản lý cũ sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu Nhà nước không kịp đổi mới để bắt kịp xu thế thay đổi của thời đại 4.0 trong vài năm tới.
“Chúng ta phải tự thay đổi chúng ta trước đã thì mới tạm thích ứng được với công nghệ 4.0. Rồi phải đào tạo con người, kể cả lãnh đạo công ty hay người lao động đều phải nâng cao trình độ, nhận thức. Phải đầu tư vào công nghệ, máy móc, giảm lao động thủ công và tìm ra phương án để nâng cao hiệu quả kinh doanh”, anh Lâm khẳng định.
Anh Lâm cũng cho rằng những doanh nghiệp nước ngoài có tốc độ bắt kịp xu thế thay đổi của thời đại 4.0 nhanh hơn gấp nhiều lần doanh nghiệp Việt Nam.
“Điều này vô tình khiến chúng ta lép vế trước họ nhưng không có nghĩa chúng ta không theo được họ. Chỉ cần chúng ta định hướng đúng thì việc hội nhập quốc tế không khó. Theo tôi ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu thay đổi đi là vừa”, anh Lâm nói.
Ông Lê Nhỏ - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine Group, một trong các tập đoàn lớn có ứng dụng công nghệ tự động hiện đại nhất vào "ngôi nhà thông minh" chia sẻ: Trong bối cảnh thị trường bất động sản nhiều cạnh tranh như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ phải thay đổi nhiều theo hướng tiến bộ của khoa học công nghệ để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu sống hiện đại. Sunshine Group cũng hiện cũng phải chi mạnh tay vào công nghệ tại các dự án bất động sản của Tập đoàn.
Nền tảng của các công nghệ đó là hạ tầng kỹ thuật số, ứng dụng di động trên điện thoại thông minh, các cảm biến, trí tuệ nhân tạo và kết nối vạn vật (IoT).
Việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 vào kinh doanh bất động sản sẽ sinh ra nhiều lợi ích cho khách hàng, như giúp họ giám sát tiến độ của dự án, cập nhật thông tin, trao đổi với chủ đầu tư.
Giải pháp công nghệ được nhiều chủ đầu tư ứng dụng theo hành trình khép kín của một vòng đời dự án, từ khâu bán hàng đến bàn giao căn hộ.
Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản còn giúp cho chủ đầu tư quản lý, vận hành và phát triển một cách thông minh, minh bạch hơn.
Đồng thời, tăng cường rõ rệt khả năng minh bạch thông tin thị trường khi mọi thứ đều phải được "show" hết trên mạng để người dùng kiểm chứng và so sánh. Đây là điều cần thiết trong bối cảnh thị trường đối mặt với vấn nạn "loạn và thiếu minh bạch thông tin" như thời gian qua.
Ông Võ Quốc Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư Bình Minh, chuyên đầu tư bất động sản, kinh doanh lĩnh vực ô tô, khẳng định: "Thời đại 4.0 là xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại và không thể đi ngược lại sự phát triển này. Công nghệ sẽ dần thay thế sức người và trí tuệ nhân tạo, đóng góp vai trò quyết định vào sự phát triển kinh tế, thương mại toàn cầu, kể cả quản lý hành chính và các lĩnh vực khác.
Thời đại 4.0 có thể ví von như một cái thang máy nhà cao tầng, chúng ta không thể đi thang bộ mà nhanh hơn thang máy được. Vì vậy, điều tiên quyết là doanh nhân phải học hỏi và thích ứng nếu không muốn bỏ lại phía sau.
Bản thân tôi vẫn thích câu nói mà như một quy luật tất yếu "trường giang sóng sau xô sóng trước"... quả đúng vậy, có như vậy thì loài người mới thực sự văn minh. Doanh nhân vốn là những người tiên phong lĩnh ấn thì càng phải hiểu điều này, cần phải thích ứng, tiếp thu một cách nhanh nhất để làm "đầu tàu" trong thời đại 4.0. Hay nói cách khác, doanh nhân cần phải sẵn sàng đầy đủ cho sự thay đổi trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tôi thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang làm, họ tiếp cận công nghệ, sử dụng công nghệ trong việc quản lý, điều hành... họ quan tâm đến thành quả công việc và bắt đầu hiểu rằng trong tương lai, yếu tố không gian và vị trí, địa điểm làm việc không còn quan trọng nữa. Nhân viên có thể làm việc ở nhà, qua Internet... miễn sao đảm bảo được hiệu quả.
Họ chú ý hơn đến việc tự động hóa để tối ưu sản xuất và giảm chi phí, những công việc đơn giản thì có thể sẽ máy móc thay thế hoàn toàn con người. Tôi gọi đối tượng, chủ thể công việc trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là lực lượng lao động mới sẽ thay dần những cái cũ để phù hợp thời đại.
Đa phần các doanh nhân hiện nay họ luôn có ý chí vươn lên nên bản thân họ luôn trao đổi, giao lưu học hỏi và trao dồi kiến thức thời đại. Bản thân tôi cũng nhận thức được điều đó, luôn cố gắng để không bị bỏ lại bởi chính nhân viên mình.
Ngoài ra, các noanh nhân cũng nên chú ý đến các giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp hướng tới là do chính các nhân viên làm nền tạo nên, vì thế, phát triển doanh nghiệp là tiên quyết nhưng cũng song song với sự quan tâm và phát triển kiến thức của nhân viên mình, đừng lãng quên những cái giá trị "nhân bản".
Đa phần các doanh nhân hiện nay họ luôn có ý chí vươn lên nên bản thân họ luôn trao đổi, giao lưu học hỏi và trao dồi kiến thức thời đại.
Võ Quốc Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư Bình Minh.
Đừng chỉ biết tập trung vào kinh tế, công nghệ mà quên mất các giá trị đó là do chính con người mang lại. Đừng chạy theo máy móc vội vã quá thể mà không quan tâm đến nhân sự là các nhân viên mình. Phải biết dung hòa các giá trị cơ bản giữa hiện đại (Cách mạng công nghiệp 4.0) và truyền thống (con người).
Cách tốt nhất là trang bị cho những nhân sự của doanh nghiệp đầy đủ về kiến thức Cách mạng công nghiệp 4.0... mà điều này cần phải có thời gian và tiền bạc. Vậy nên, doanh nhân cần ý thức rõ và có các chiến lược phù hợp thực tế với ngành nghề, quy mô doanh nghiệp, công việc.
Không thể vội vàng cứ Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhảy cóc là xây nhà từ nóc, sẽ rất dễ gãy cánh. Chung quy, Cách mạng công nghiệp 4.0 là mang đến sự tối ưu và đem đến hiệu quả thực sự, chỉ khi nào doanh nhân có kiến thức đúng và sử dụng phù hợp. Tôi vẫn mong muốn là không vì lợi ích kinh tế bằng mọi giá mà làm ảnh hưởng quá nhiều đến lực lượng lao động "kiểu cũ". Tôi mong muốn sự đồng bộ để tất cả cùng tiến.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục quốc tế Atlantic (Atlantic Group) khẳng định, cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại rất nhiều thành quả cho doanh nghiệp, song đây cũng là thách thức và cơ hội trước thời đại mới.
Tập đoàn Giáo dục quốc tế Atlantic là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực du học, đào tạo ngoại ngữ, trung tâm ngoại ngữ 5 sao AG.edu.
Ngay từ thời điểm mới thành lập doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã đưa ra chiến lược phát triển để phù hợp với thời đại 4.0. Trong đó, việc cấp bách được đặt lên hàng đầu là phải áp dụng các công nghệ mới, thiết bị mới phù hợp với ngành giáo dục.
Bà Lan cho biết, hầu hết các ứng dụng công nghệ, phần mềm, thiết bị phục vụ trong công ty đều được mua từ các đối tác nước ngoài với chi phí khá đắt đỏ.
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp công nghệ trong nước có thể nắm bắt được xu hướng toàn cầu, tuỳ thuộc vào từng ngành nghề và viết các hệ thống, ứng dụng và các thiết bị phù hợp, từ đó làm giảm giá thành sản phẩm cũng như phát triển được thương hiệu quốc gia", bà Lan cho biết.
Tính tới thời điểm hiện tại, Tập đoàn Giáo dịch Quốc tế Atlantic đã áp dụng rất nhiều ứng dụng, công cụ, hệ thống trong việc quản lý doanh nghiệp, quản lý học tập.
Cụ thể, một số ứng dụng “then chốt" của Atlantic là hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management - CRM); hệ thống quản lý học tập (Learning Management System - LMS),... được áp dụng đầu tiên và liên tục cập nhật một số tính năng mới.
Về mặt quản lý doanh nghiệp, trong thời đại 4.0, lãnh đạo doanh nghiệp có thể quản lý toàn bộ nhân sự của mình thông qua các ứng dụng số, một số công việc trước kia sử dụng người lao động thì tới nay đã thay thế bằng trí tuệ nhân tạo. Từ đó, giảm thiểu chi phí nhưng hiệu quả lại gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần.
Về mặt quản lý giáo dục, bà Lan cho biết, nếu giống như cách giáo dục “truyền thống", mối quan hệ giữa học sinh - giáo viên thường rất xa cách. Trong trường hợp, giáo viên muốn trao đổi thông tin với học sinh tốn rất nhiều thời gian để liên lạc và chi phí.
“Bây giờ, nhờ áp dụng các công nghệ mới, giáo viên và học sinh hoàn toàn có thể trao đổi bài giảng, những thắc mắc rất dề dàng, thông qua smartphone, iPad hoặc các thiết bị có kết nối Internet.
Dù học sinh đang ở bất kỳ đâu, thời điểm nào đều có thể tương tác với giáo viên thông qua hệ thống LMS để trao đổi thêm bài học", bà Ngọc Lan nói.
Chưa dừng lại tại đó, việc áp dụng công nghệ mới trong giáo dục, còn giúp phụ huynh học sinh có thể quản lý được con em mình trong quá trình học tập thông qua hồ sơ số.
Nếu như theo giáo dục “truyền thống", học sinh sẽ phải cập nhật kiến thức, thông tin thông qua sách vở, sách giáo khoa, như vậy sẽ rất nhàm chán. Nhưng khi áp dụng công nghiệp 4.0 trong giáo dục, công nghệ đổi mới, học sinh có thể học online, tiếp cận được nhiều luồng thông tin từ bên ngoài, không chỉ bó buộc vào sách giáo khoa.
“Điều đặc biệt, để gây hứng thú và giúp các em có thể học tập tốt hơn, chúng tôi đưa kiến thức cho các em thông qua game online, công nghệ thực tế ảo,... điều này đã đem lại thành công cho Atlantic”, bà Lan chia sẻ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Lương Quang Khải nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 đang là xu thế có tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tại nhiều nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thách thức là đương nhiên nhưng đây cũng là cơ hội rộng mở chào đón những doanh nhân tài năng.
Dù muốn hay không, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng đã thực sự bước vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh không giới hạn cả về ranh giới địa lý, phương pháp quản trị và tư duy kinh doanh.
Trong cuộc cạnh tranh này, quy mô, thương hiệu và thậm chí là kinh nghiệm lâu năm cũng không còn là quyền lực tuyệt đối. Bởi, kỷ nguyên 4.0 luôn biến đổi tư duy của người tiêu dùng, của thị trường, của cơ chế, chính sách.
Dự báo và đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm qua Vicem không ngừng đầu tư vào phát triển khoa học công nghệ, khoa học quản trị nhằm duy trì năng lực cạnh tranh và lợi thế cạnh tranh.
Trên cơ sở nền tảng công nghệ tiên tiến các nhà máy hiện có, Vicem đầu tư kết hợp kế thừa và tùy chỉnh thiết kế để có được các nhà máy thông minh, khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng. Cũng như sử dụng IoT và các công nghệ khác để số hóa toàn bộ qui trình, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.
Vicem cũng đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời 4.0. Cùng với công nghệ, đây đều là những yếu tố trụ cột, giúp hài hòa và tạo sự hợp tác, tương tác và sức mạnh riêng để Vicem doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững.
Bình luận