Đoàn Hiếu Minh sinh năm 1978, là con trai ông Đoàn Văn Kiển - Chủ tịch Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Tuy mang mác “thiếu gia” giàu có từ nhỏ, nhưng Đoàn Hiếu Minh không vì “cậy thế” của cha mà ỷ lại, ngược lại anh được thừa hưởng gen kinh doanh của cha và trở thành một doanh nhân thành đạt trong nhiều lĩnh vực.
Đoàn Hiếu Minh khởi nghiệp và thành công trong nhiều lĩnh vực như: Thiết bị công nghiệp, khai khoáng, địa ốc…Nhưng Đoàn Hiếu Minh thực sự được truyền thông chú ý khi xuất hiện với cách là Chủ tịch công ty Regal Motor Cars Corporation - đơn vị phân phối Rolls-Royce chính hãng đầu tiên tại Việt Nam.
Để hiểu hơn về chàng “thiếu gia” này, phóng viên VTC News đã có buổi trò chuyện thân mật với anh. Khác hẳn với sự lạnh lùng thường thấy ở các doanh nhân, Đoàn Hiếu Minh lại là chàng trai tếu táo, hài hước nhưng cũng đầy nhiệt huyết, ước mơ, hoài bão.
Nghiện xe
- Được biết, Đoàn Hiếu Minh tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất và trở thành một kỹ sư Mỏ, nhưng cơ duyên nào khiến anh lại đến với kinh doanh xe?
Xe là niềm đam mê của tôi từ nhỏ, nói đúng hơn là tôi rất “nghiện” xe. Chiếc xe đầu tiên mà tôi mua được là chiếc xe máy hiệu Java của Tiệp Khắc, hồi tôi học lớp 11. Tôi mua bằng số tiền đi làm thêm và dành dụm. Đây không phải chiếc xe mơ ước của tôi nhưng là chiếc xe đầu tiên tôi có. Hồi đó tôi mê chiếc GL Pro, nhưng chưa có đủ tiền để mua.
Đến năm thứ 3 đại học thì tôi sở hữu một chiếc BMW “đồng nát” đời 1978 với giá 40 triệu đồng và 30 triệu đồng tiền tân trang.
- Tiền mua xe là tiền bố anh cho?
Bố tôi không bao giờ cho tiền mua xe. Khi tôi còn học Trung học Phổ thông, 2 anh bạn thân của tôi đều có xe máy đi, còn tôi thì vẫn đi xe đạp Phượng hoàng.
Sau đó tôi đi làm thêm và dành dụm tiền tiết kiệm nên đã mua được xe máy. Còn lên đại học mua ô tô cũng là tiền tôi dành dụm từ kinh doanh. Bố tôi mà biết tôi mua ô tô còn mắng cho ấy.
- Vậy anh giữ bí mật chiếc xế hộp như thế nào?
Tôi gửi ở một nơi, sau đó đi xe máy đến chuyển xe. Lúc về lại gửi ô tô, đi xe máy về nhà.
Tự kiếm tiền mua xế hộp
- Là sinh viên đại học mà anh đã có đủ tiền mua 1 chiếc xế hộp, như thế là rất oách rồi?
Nói là xế hộp thôi chứ giá lúc tôi mua chỉ có 40 triệu đồng và đó cũng chỉ là 1 chiếc xe “đồng nát”.
Lúc đó, tôi có 1 ông anh lớn tuổi chuyên buôn bán xe cũ (là ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch tập đoàn Thành Công), đã giới thiệu cho tôi chiếc Kia Concord 1990 và BMW đời 1978.
Chưa nhìn thấy xe, nhưng tôi vẫn quyết định chọn chiếc BMW vì được biết nó là loại coupe và có lẽ vì thích thương hiệu. Tuy nhiên, khi nhìn tận nơi, tôi mới biết chiếc BMW mà tôi mua chỉ còn là cái xác, phải đi được phải đại tu lại toàn bộ.
Nhưng dù sao, với một sinh viên, tự mua bằng tiền của mình và lái một chiếc BMW “lẩu thập cẩm” như vậy cũng là rất oách vào lúc đó.
- Anh có thể bật mí bí kíp kiếm tiền của mình được không?
Lúc đầu thì tôi kiếm tiền bằng buôn bán xe cũ. Sau đó, tôi thấy các thiết bị công nghiệp của ta hầu hết đều phải mua từ Nga với các quy trình, thủ tục hết sức phức tạp. Trong khi đó, do có thời gian mua bán xe máy, thiết bị ở chợ Trời, tôi thấy mình có thể tìm nguồn cung cấp dễ dàng ở đây.
Nhờ kinh nghiệm của các anh chị đi trước trong những lần trà đá cùng với kinh nghiệm của bản thân, tôi bắt đầu tìm nguồn mua linh kiện nhỏ của máy móc thiết bị công nghiệp ở chợ Trời và cung cấp cho các công ty khác. Lợi nhuận từ lĩnh vực mới cao hơn hẳn mua bán xe máy cũ.
- Thế còn cơ duyên nào đưa anh đến với thương hiệu siêu xe Rolls-Royce?
Thật ra đến năm 2010, sau khi có chút ít tiền nhờ kinh doanh thiết bị công nghiệp, khai khoáng và bất động sản, tôi quyết định tậu một chiếc Rolls-Royce Ghost.
Thế nhưng, khi tìm hiểu tại các salon chuyên bán xe sang, tôi mới giật mình khi biết rằng, tôi chỉ có thể mua một chiếc có sẵn mà không thể lựa chọn bất kỳ điều gì và thậm chí phải trả hết tiền một lần chứ không được phép tùy biến theo sở thích của mình đúng theo kiểu của Rolls-Royce.
Trong khi đó, nếu so sánh với việc bỏ tới cả chục tỷ đồng để mua một chiếc xe siêu sang, dịch vụ như vậy là không tương xứng.
Chuyển việc đặt Rolls-Royce Ghost qua một người bạn, tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về dịch vụ của hãng siêu xe hàng đầu thế giới từ Anh và phát hiện ra những cơ hội khi kinh doanh mặt hàng đặc biệt này. Và sau gần một năm kể từ khi tiếp cận, đề nghị trở thành nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, Rolls-Royce - thương hiệu xe siêu sang đẳng cấp nhất hành tinh đã đồng ý.
- Rolls-Royce là một thương hiệu xe siêu sang và rất kén khách, liệu đây có phải bài toán khó đối với anh không?
Khách hàng của Rolls-Royce là những người đặc biệt. Vì vậy, Regal không quá chú trọng đến con số lãi cụ thể của việc phân phối xe. Điều quan trọng là việc bán dòng xe siêu sang này sẽ mở rộng được các mối quan hệ với đối tác thuộc các lĩnh vực khác mà bình thường không dễ có được.
Trước đây 5 năm bạn có bao giờ nghĩ Phú Mỹ Hưng đẹp như bây giờ không? Bạn có bao giờ tưởng tượng rằng dọc đường Đồng Khởi nhiều cửa hàng bán đồ hiệu như thế không? Bạn có biết tại sao Bitexco xây dựng khách sạn Marriot ở Mỹ Đình không? Khi bạn trả lời được hết những câu hỏi đấy thì bạn sẽ không hỏi tôi câu này nữa.
Chưa ai gọi tôi là thiếu gia
- Sở hữu siêu xe vốn là “mốt” của các thiếu gia, phải chăng một trong các lý do khiến anh lựa chọn Rolls-Royce cũng vì theo “mốt” này?
Tôi chưa thấy ai gọi mình là “thiếu gia” cả, bạn là người đầu tiên đấy. (Cười).
- Dù gọi là gì đi nữa thì tôi nghĩ anh rất may mắn khi là con trai của Chủ tịch một tập đoàn Nhà nước lớn, anh có thấy thế không?
Tôi thấy mình bị nhiều áp lực hơn là đặc quyền vì tôi phải cố gắng hơn nhiều lần so với các bạn cùng trang lứa. Tôi luôn tự hào và thầm cảm ơn vì có một người cha như bố tôi ngày hôm nay.
Còn may mắn hay không là định nghĩa tùy theo mức độ đánh giá của mỗi người. Có thể tôi có điều kiện tốt hơn về mặt vật chất so với một số người khác. Nhưng chưa chắc tôi đã được làm những điều mà mình yêu thích, vì nhìn nhận của xã hội đôi khi không được công bằng.
“Hư” không phải vì bố đại gia
- Anh từng thừa nhận mình không ngoan khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vậy cái “không ngoan” của anh là gì vậy?
Không ngoan là vì tôi lười học lắm. Khi vào đại học, ở cái tuổi 18 thì ai chắc ai cũng thế thôi. Thế hệ tôi rất nhiều bạn bè bị nghiện ma túy và ra đi khi còn rất trẻ.
Trường tôi học lại là trường nhiều con trai, nên rất nghịch ngợm. Tôi không ngoan có lẽ vì lười học, hay trốn học.
- Tôi thì thấy, các “thiếu gia” thường hay “không ngoan”?
Thế thì tôi xin đính chính nhé, không ngoan không phải vì là “thiếu gia” hay không. Theo tôi là do tính người.
Có những bạn học cùng lớp đại học với tôi do hoàn cảnh khó khăn, phải đi làm thêm để kiếm sống, không có thời gian học hành, không lẽ họ cũng là “thiếu gia”?
Chăm học hay không không phải do bố là đại gia hay quan chức. Tôi không ngoan vì như bạn thấy đấy, tính tôi hay tếu táo, lại rất sôi nổi. Tuổi 17, 18 ở thành phố nhiều cám dỗ lắm. Ở cổng trường tôi lúc nào cũng có vô số các trò chơi hấp dẫn như bi da, điện tử…Rất khó cưỡng lại, nên lười học là dễ hiểu.
- Vậy nghĩa là bố đại gia không làm “hư” anh, vậy anh chịu ảnh hưởng gì từ bố mình?
Tôi may mắn được bố tôi truyền cho sự nhiệt huyết kinh nghiệm và cách đối nhân xử thế trong cuộc sống và công việc. Đó là điều ảnh hưởng lớn nhất và cũng là thuận lợi lớn nhất của tôi. Tôi luôn biết ơn ông về điều đó.
Thừa hưởng ý chí của người thợ Mỏ
- Nhưng bố anh làm nghề mỏ, còn anh thì lại thành công ở nhiều lĩnh vực mà không liên quan đến mỏ?
Điều tôi được hưởng nhiều nhất là ý chí và truyền thống của thợ mỏ. Nghề mỏ vốn dĩ đã là một nghề gian khổ, nhưng thợ mỏ luôn lạc quan và yêu nghề. Và họ có được sự đãi ngộ rất xứng đáng từ nghề nghiệp ấy. Bạn có thể dành chút thời gian tìm hiểu và so sánh chế độ đãi ngộ giữa công nhân ngành than và các ngành khác thì sẽ rõ hơn.
- Được biết, anh tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất và trở thành kỹ sư Mỏ nhưng lại chưa từng một ngày làm việc ở mỏ than. Lý do gì khiến anh chọn Đại học Mỏ?
Tôi muốn nối nghiệp cha và đó là niềm tự hào của tôi nên tôi chọn Đại học Mỏ.
- Thế sao anh không làm kỹ sư Mỏ?
Tôi vẫn là kỹ sư mỏ mặc dù chưa ngày nào làm việc ở các Mỏ than. Khi tôi tốt nghiệp, bố tôi đã định đưa tôi xuống Quảng Ninh làm việc để cọ xát, nhưng vì nhiều người nói “gia đình tôi muốn vơ vét của cải”, tôi thấy danh dự của gia đình bị xúc phạm, nên tôi từ bỏ luôn và làm một lĩnh vực mới hoàn toàn, không liên quan đến Mỏ.
- Bố anh là một sếp “cỡ bự”, sao con trai ông lại phải xuống Quảng Ninh?
Như tôi đã nói ở trên, bố tôi muốn tôi phải cọ xát bản thân. Chứ với hoàn cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ, tôi hoàn toàn có thể là cán bộ trong Vinacomin ở Hà Nội, được ăn sung mặc sướng, không việc gì phải xuống tỉnh cho vất vả.
- Chắc nhiều doanh nghiệp muốn “lôi kéo” anh về để lấy lòng “sếp” là bố anh?
Đúng vậy. Khi tôi tốt nghiệp, có nhiều người nói với bố tôi cho về chỗ này, chỗ kia, nhưng gia đình tôi không muốn nên cho xuống Quảng Ninh.
- Nhiều người bảo, nếu không phải là con của Chủ tịch Vinacomin, liệu anh có thể thành công được không? Anh nghĩ sao?
Bố tôi đã cho tôi điều lớn nhất là tri thức và ý chí làm việc. Đã bao giờ bạn nghĩ bạn có một người cha khác cha của bạn bây giờ không. Chức vụ không quyết định con người. Có rất nhiều người ở độ tuổi này thành công hơn tôi rất nhiều. Tôi luôn kính trọng họ, cho dù có điều kiện vật chất đầy đủ nhưng luôn biết vận dụng nó một cách hiệu quả, đứng đắn cùng với tri thức của mình để xây dựng sự nghiệp.
Phụ nữ đẹp thì ai chả thích
- Tôi thấy các “thiếu gia”, nhất là những doanh nhân trẻ tuổi thành đạt như anh thường có các chân dài bên cạnh. Anh thì sao?
Tôi có rất nhiều bạn gái nhưng là bạn là con gái. Ai cũng biết họ cả. Còn tất nhiên là phụ nữ đẹp ai nhìn cũng thấy thích.
- Trong mắt anh, những phụ nữ thế nào được coi là đẹp?
Tôi không có tiêu chí.
- Thế điều gì khiến anh thấy yêu một cô gái?
Cảm xúc.
Không sợ năm tuổi
- Anh có mê tín không?
Tôi không thuộc tuýp người mê tín.
- Người ta nói năm tuổi thường hay gặp chuyện không may. Sang năm anh lại đúng là năm tuổi, anh có sợ không?
Tôi không phải người mê tín nên cứ thấy cơ hội nào tốt thì làm thôi, còn chẳng may năm tuổi bị thì cũng phải chấp nhận thôi.
- Thế năm sau anh định đầu tư vào lĩnh vực gì?
Tôi nghĩ kinh doanh dịch vụ là lĩnh vực có thể đem lại lợi nhuận thời điểm này. Bạn có thể không mua nhà, mua xe, nhưng vẫn phải đi ăn, đi shopping, đi chơi, tức là vẫn phải sử dụng các dịch vụ tiêu dùng, liên quan đời sống.
Xin cảm ơn anh!
Bình luận