Ông Trịnh Chí Cường, sinh năm 1982, Tổng Giám đốc Công ty CP Nhựa Đại Đồng Tiến vừa chính thức trở thành 1 trong 50 ứng viên của TP.HCM sau khi vượt qua các vòng hiệp thương tuyển chọn người ứng cử ĐBQH khoá XV tại thành phố này. Ông Cường là doanh nhân trẻ nhất trong danh sách do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM giới thiệu.
Trả lời VTC News, ông Trịnh Chí Cường cho biết, nếu trúng cử ĐBQH, ông sẽ toàn tâm, toàn ý vì lợi ích quốc gia trên hết, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, giao thương hàng hóa...
- Khi biết mình sẽ đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân ứng cử ĐBQH, chắc hẳn ông có rất nhiều suy tư?
Khi Hiệp hội Doanh nghiệp thông báo về việc tôi sẽ đại diện ứng cử ĐBQH lúc đầu cũng suy nghĩ rất nhiều. Trước đây tôi chỉ tập trung làm kinh tế, còn để xây dựng chính sách thì tôi biết khá ít.
Do đó, lúc đầu tôi suy nghĩ nên nhận hay là không và cuối cùng đi đến quyết định sẽ tham gia, vì đây là niềm vinh dự, tự hào khi được sự tín nhiệm của mọi người.
- Ông đã chuẩn bị những gì để ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV sắp tới?
Trước mắt, tôi đang tìm hiểu về trách nhiệm của một ĐBQH và cách vận hành của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, về vai trò của mỗi đại biểu sẽ được phân công, phân nhiệm như thế nào.
Tôi cũng nghĩ rằng, nếu trúng cử ĐBQH chắc là mình sẽ được phân công xoay quanh về vấn đề kinh tế, công nghệ, tài chính, thuế quan… là những gì ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của doanh nghiệp.
Với suy nghĩ đó, trước mắt tôi sẽ tìm hiểu cái khung chung của Quốc hội trước rồi sẽ đọc lại các luật về doanh nghiệp, các Nghị định, Nghị quyết xem có vướng chỗ nào không, đồng thời sẽ tìm hiểu một cách rộng hơn ở tầm vĩ mô trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
- Nếu trúng cử đại biểu Quốc hội, việc làm đầu tiên của ông là gì?
Nếu trúng cử ĐBQH việc đầu tiên tôi sẽ làm là phải sắp xếp lại tất cả mọi thứ. Thứ nhất, tôi sẽ sắp xếp công việc tại doanh nghiệp của mình, sẽ có người thay tôi thực hiện nhiệm vụ tại công ty để tôi dành thời gian tập trung cho công việc được Quốc hội giao.
Thứ hai, tôi sẽ nhờ sự tư vấn từ các đại biểu đi trước, hoặc tìm hiểu từ MTTQ, từ những tổ chức đang hỗ trợ mình để làm sao mình có một sự chuẩn bị tốt nhất.
Tôi cũng nhanh chóng tìm hiểu xem mình được phân công vào lĩnh vực nào. Trong lĩnh vực đó mình được phân công cụ thể nhiệm vụ gì, từ đó cùng với mọi người đưa ra giải pháp để giải quyết nhiệm vụ được phân công đó một cách tốt nhất. Đó là hướng tiếp cận của tôi khi trúng cử ĐBQH.
- Ông có lo lắng sẽ khó mà đảm nhiệm được cả 2 vai "đại biểu của dân" và chủ doanh nghiệp, nếu trúng cử?
Ở Đại Đồng Tiến hiện tại là một tổ chức làm theo guồng máy. Về con người là làm theo tổ chức đội ngũ. Tất cả đều theo quy trình hệ thống được xây dựng giống như một guồng máy và được phân công, phân nhiệm rất rõ ràng.
Tôi tự tin là hai tuần tôi không cần có mặt ở đây mà mọi việc vẫn có thể được thực hiện tốt, thông qua cơ chế phân quyền cho cấp phó cũng như là trưởng phòng, ban.
Chỉ có những việc mà hàng tháng tôi vẫn phải đưa ra các quyết sách, những cái khung lớn, ví dụ như là mục tiêu kinh doanh hoặc là những kế hoạch hành động chính, những dự án lớn mà tôi trực tiếp theo thì mới cần mình tham gia nhiều.
Nếu trúng cử, tôi sẽ dành được thời gian, toàn tâm, toàn ý cho những công việc của một đại biểu Quốc hội.
Doanh nhân Trịnh Chí Cường
Hiện trạng thì Đại Đồng Tiến không phát triển ngoài ngành. Do đó, 95% hoạt động tại công ty có thể giao cho các bộ phận phòng, ban và ban lãnh đạo của Đại Đồng Tiến.
Ngoài ra, khi tôi tiếp nhận thông tin ra ứng cử ĐBQH, tôi đã họp trong Ban quản lý công ty nhiều lần và cũng hỏi ý kiến mọi người rằng, nếu tôi tham gia ứng cử thì mọi người có thể gánh một phần công việc hay không? Lúc đó mọi người cũng ủng hộ, bởi vì đây là cơ hội để cá nhân tôi đóng góp cho xã hội cũng như một phần nào tạo uy tín của doanh nghiệp.
Với cách như vậy thì tôi nghĩ mình sẽ dành được thời gian, toàn tâm, toàn ý cho những công việc của một đại biểu Quốc hội.
- Là một doanh nhân, nếu được tham gia nghị trường Quốc hội, ông sẽ tập trung vào vấn đề cụ thể nào?
Tôi sẽ tập trung, toàn tâm toàn ý vào những việc đem lại lợi ích chung của quốc gia. Ví dụ như thông thương, làm sao hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, không có sự chênh lệch quá lớn giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Đương nhiên, ở mỗi bối cảnh thì mỗi doanh nghiệp ở từng khối lại có những lợi thế cạnh tranh khác nhau, chuyện đó là chuyện rất bình thường. Ý tôi muốn nhấn mạnh là không có sự chênh lệch quá lớn để mất đi sự cạnh tranh.
Thứ hai, tôi sẽ có những ý kiến nhằm tạo môi trường thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp chân chính đóng góp tích cực cho xã hội. Đóng góp ở đây không chỉ về tiền bạc, tài chính, công ăn việc làm... mà đóng góp ở đây là họ không phá hủy môi trường, không tạo ra những sản phẩm không tốt, trốn thuế, có những hoạt động gây ảnh hưởng đến xã hội nói chung và lợi ích của quốc gia.
Ngoài ra, Đại Đồng Tiến là doanh nghiệp xuất khẩu khá nhiều. Khoảng 20% doanh thu của công ty đến từ xuất khẩu. Do đó, hiểu biết về kết nối chung với các quốc gia khác, với những doanh nghiệp khác thì tôi nghĩ mình đủ nền tảng để đóng góp cho đất nước phát triển tốt hơn. Tại vì giao thương sẽ đem lại phát triển kinh tế, đôi bên đều có lợi.
Tôi cho rằng, xoay quanh về vấn đề kinh doanh, kinh tế đó là thế mạnh của mình.
- Ông đã tìm hiểu về hoạt động chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua chưa, thưa ông?
Những kỳ họp trước đây thì tôi chỉ theo dõi qua báo chí. Tôi cũng không lạm bàn nhiệm kỳ nào làm tốt hay không, bởi vì mỗi nhiệm kỳ có bối cảnh khó khăn, thuận lợi khác nhau, sẽ có những ưu tiên khác nhau. Tôi cũng thấy các hoạt động chất vấn của ĐBQH không tránh né, thẳng thắn, đó là điểm tích cực.
Cách sống và làm việc của tôi là sẽ không lạc quan quá khi mà mình không có nền tảng hoặc là đi về hướng tiêu cực quá, trong khi không thể đưa ra một hành động gì hết. Do đó tôi sẽ tìm một đường ở giữa, những gì tôi ưu tiên thì tôi phải làm đến nơi đến chốn.
Tôi cho rằng, xã hội Việt Nam trong những năm qua được cải tiến rất nhiều và những luật lệ được cập nhật liên tục và công khai, minh bạch. Đây cũng là điểm tích cực đối với người dân. Mặc dù chưa hoàn hảo, chưa chỉn chu, chưa triệt để nhưng mà đang theo hướng tốt hơn mỗi ngày.
Bình luận