• Zalo

Doanh nhân Bình Dương ấp ủ ý tưởng 'cách mạng nhà vệ sinh' ở Việt Nam

Kinh tếThứ Tư, 25/11/2015 08:06:00 +07:00Google News

Hiểu được nhà vệ sinh trường học luôn là nỗi ám ảnh các thế hệ học sinh tại Việt Nam,ông "Hiệp WC" luôn ấp ủ suy nghĩ về 1 cuộc cách mạng lớn cải tổ nhà vệ sinh

(VTC News) - Luôn trăn trở làm thế nào để con em hay cả cộng đồng được hưởng thụ cảm giác sạch sẽ của nhà vệ sinh công cộng nên ông "Hiệp WC" luôn ấp ủ suy nghĩ về một cuộc cách mạng lớn cải tổ nhà vệ sinh tại Việt Nam.

Nỗi ám ảnh về nhà vệ sinh ở trường học


Câu chuyện nhà vệ sinh nhưng lại không hợp vệ sinh các ở trường học từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các em học sinh, và dù xã hội đã phát triển và ngày càng hiện đại nhưng nỗi ám ảnh đó vẫn cứ luôn đeo đẳng, đe dọa một cách nghiêm trọng tới cả sức khỏe và tinh thần của các em.

Trong một khảo sát về chất lượng trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, kết quả cho thấy chỉ có 73% số trường học được điều tra là có nhà vệ sinh, và trong số đó chỉ có 11,7% số trường là có nhà tiêu hợp vệ sinh.

Như tại tỉnh Lâm Đồng, theo ông Huỳnh Quang Long, Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, hiện có tới 17 điểm trường cấp tiểu học của tỉnh không có nhà vệ sinh (chủ yếu ở các huyện vùng sâu vùng xa), còn 40 điểm trường có nhà vệ sinh nhưng đã bị xuống cấp một cách trầm trọng.
Nhà vệ sinh của một trường học tại tỉnh Bình Dương
Nhà vệ sinh của một trường học tại tỉnh Bình Dương
Tại Bình Dương, dù các trường học đã được đầu tư khang trang, lớp học đạt chuẩn quốc gia nhưng nhà vệ sinh hiện vẫn xây dựng theo lối cũ, hôi hám, tốn kém nước.

Chưa hết, trên 85% trường vẫn còn sử dụng máng tiểu nam, thậm chí có trường chỉ có máng tiểu nữ, mùi hôi, khai luôn thường trực. Với thiết kế cũ nên các em trai hay em gái đi vệ sinh nước tiểu đều dễ dàng bắn ra ngoài. Giấy vệ sinh các em chỉ được bỏ vào một thùng rác không có nắp đậy rất mất vệ sinh

Nhiều nhà vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng, nền gạch lúc nào cũng trong tình trạng nước ngập lênh láng. Với thiết kế chủ yếu là hầm tự hoại, tự thấm, thể tích hầm hạn chế, cách vệ sinh vẫn dùng là bơm, xả thẳng nước vào nên nhiều khi hầm bị đầy, trào cả ra nước khi xe vệ sinh chưa được gọi đến.
"Hiệp WC" và ý tưởng "cách mạng nhà vệ sinh" ở Việt Nam

Luôn trăn trở làm thế nào để con em hay cả những người xung quanh cộng đồng được hưởng thụ cảm giác sạch sẽ của nhà vệ sinh, ông Lê Văn Hiệp, giám đốc công ty Kim Hoàng Hiệp, đại diện Tổ chức Nhà vệ sinh Thế giới - WTO tại Việt Nam luôn ấp ủ suy nghĩ về một công cuộc cách mạng, cải tổ nhà vệ sinh tại Việt Nam

Không ngại về kinh phí vật chất và dành hết tâm huyết để thực hiện cuộc cách mạng này, nên ông Hiệp còn được mọi người xung quanh đặt cho biệt danh là "Hiệp WC".


Ông Hiệp kể, con gái ông cũng đã từng bức xúc về việc nhà tiêu ở trường học không đủ vệ sinh, cũng phải nhịn uống nước, không dám đi tiểu, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Sau đó đến cháu gái, rồi con em của ông, hay anh em bạn bè đều có cảm giác khi vào nhà vệ sinh không văn minh, sạch sẽ, không theo lối mới, hôi hám, dơ bẩn... khiến ông không khỏi bị ám ảnh, trăn trở.

Chưa kể, trong suốt 2 năm qua dành thời gian đi đến các nhà vệ sinh để khảo sát, nhất là tại các trường học, có lần vào 1 trường ở Lâm Đồng, ông Hiệp thấy hầu như nhà vệ sinh còn chưa có, chỉ là những tấm cách rất sơ sài để che lại cho học sinh.
Nhà vệ sinh tại một số trường học của tỉnh Bình Dương vẫn còn thiết kế theo kiểu rất sơ sài, mất vệ sinh
Nhà vệ sinh tại một số trường học của tỉnh Bình Dương vẫn còn thiết kế theo kiểu rất sơ sài, mất vệ sinh 
"Mặc dù khi được hỏi, Hiệu trưởng cam kết là đã sắp xếp, chuẩn bị đầy đủ chỗ vệ sinh cho các em rồi nhưng khi tôi vào đã phải rùng mình vì con trai thì ra sông, ra bờ rạch còn con gái thì vệ sinh trong khu vực được ngăn bởi những tấm vách tạm, trên những cục gạch ống", ông Hiệp kể lại.

Chính vì vậy mà ông càng trăn trở làm sao, bằng cách nào thật nhanh, thật gọn, hiệu quả làm thay đổi ý thức diện mạo để có được sự thay đổi về nhà vệ sinh trên toàn quốc, ở vùng sâu, vùng xa những nơi kinh tế còn khó khăn.

Trong quá trình đi xâm nhập, riêng Bình Dương rất ủng hộ nên tạo điều kiện cho tổ chức và những người chuyên môn đi khảo sát chi tiết, cặn kẽ đồng thời có hướng chỉ đạo quyết liệt để sớm theo kịp và có những nhà vệ sinh văn minh theo xu hướng hiện đại.

Thế nhưng có những tỉnh khi xin vào khảo sát, họ lại một mực khẳng định nhà vệ sinh của mình đạt chuẩn, không cần phải khảo sát. "Thú thật có những nơi tôi phải giả làm cha mẹ hs để đi vào những nơi vùng sâu, vùng xa tỉnh lân cận để xem hiện trạng", ông Hiệp nói.

Vì thế, theo ông, muốn đẩy nhanh cuộc cách mạng nhà vệ sinh kiểu mới thì quan trọng nhất là vẫn là vấn đề tuyên truyền làm sao để nâng cao ý thức, để mọi người hiểu được chúng ta cần có một nhà vệ sinh sạch sẽ. Cần phải chung tay thay đổi ý thức, nhận thức về nhà vệ sinh một cách toàn diện hơn tới toàn thể cộng đồng.

Đề xuất thí điểm nhà vệ sinh sạch bằng nguồn xã hội hóa

Hiện tại nhiều địa điểm nhà vệ sinh ở TP.HCM mà Sacombank xây dựng để quảng bá thương hiệu đã thực hiện được đúng chức năng là một nhà vệ sinh tự động, với 2 buồng gồm buồng tiểu và buồng rửa tay, dùng các thiết bị pin 220v, pin nhập ngoại, khoảng 6 vị trí, với tổng kinh phí là 950 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết, khi WTO phối hợp cùng với công ty Kim Hoàng Hiệp thì có những phương pháp cải tiến công nghệ về thiết bị và tiết kiệm được những vật liệu đầu tư hơn.

Trong quá trình nghiên cứu, theo phụ lục sơ bộ của Kim Hoàng Hiệp thì 1 nhà vệ sinh với 12 vị trí tiêu tiểu, rửa tay tự động và đội ngũ nhân viên quản lý duy trì nhà vệ sinh... thì giảm thiểu hơn 30-40% giá trị so với các mô hình trước đó, chỉ còn vào khoảng 600 triệu đồng.

Thế nhưng, theo ông Hiệp, với mức kinh phí này thì cũng không phải dễ dàng để có thể thực hiện ngay được, nhất là khi phụ huynh sẽ còn đắn đo rất nhiều để đóng tiền vì hạng mục "xây nhà vệ sinh cho học sinh".

Chính vì vậy mà nên chuyển giao cho một tổ chức, cá nhân nào đó có trách nhiệm riêng về xây dựng và duy trì chất lượng của nhà vệ sinh, thay vì đóng cho nhà trường khoản tiền "vệ sinh" hàng năm.


Điều này sẽ tốt hơn hơn là để phụ huynh đóng tiền nhưng cảm giác tiền mình đóng rồi đi đâu, thành sinh ra tâm lý e ngại, không muốn đóng góp. Nhưng khi đóng tiền và thấy được hiệu quả cụ thể, có người chịu trách nhiệm rõ ràng thì chắc chắn sẽ khác.

Về giải pháp quản lý chất lượng nhà vệ sinh, Kim Hoàng Hiệp sẽ phối hợp với WTO cử những chuyên gia vệ sinh quốc tế về Việt Nam để đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân viên quản lý duy trì nhà vệ sinh.

Khi đó, người dọn vệ sinh sẽ được đào tạo theo quy chuẩn quốc tế nhằm mục đích làm sao tiết kiệm điện, nước và đào tạo ý thức của các em khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

"Khi các em vào nhà vệ sinh thấy các nhà quản lý chăm sóc nhà vệ sinh một cách chi tiết, bài bản, khoa học, tự nhiên trong các em sẽ hình thành ý thức tôn trọng hơn trong việc sử dụng và bảo quản nhà vệ sinh", ông Hiệp nhận định.

Nhận thức được tầm quan trọng của nhà vệ sinh văn minh, sạch đẹp (nhà vệ sinh thông minh), UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép ông Lê Văn Hiệp - đại diện WTO tại Việt Nam thành lập và triển khai đề án “cải tạo nâng cấp nhà vệ sinh trường học, bệnh viện, khu tập thể công nhân, nơi công cộng đạt chuẩn quốc tế”.

Ông Hiệp cũng tin tưởng trong thời gian tới, WTO sẽ hỗ trợ phối hợp cùng WTO Việt Nam thực hiện đề án này trên toàn lãnh thổ Việt Nam, với nguồn vốn từ các dự án quốc tế và nguồn vốn xã hội hóa, trong đó Bình Dương sẽ là địa phương đầu tiên trên toàn quốc thực hiện thí điểm.

"Chúng tôi cũng xúc tiến xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành nhà vệ sinh với sự giúp sức của chuyên gia Singapore sang Việt Nam trực tiếp giảng dạy và chuyển giao công nghệ. Trung tâm này sẽ cung ứng nguồn nhân lực quản lý trực tiếp nhà vệ sinh cho các trường. Với quyết tâm cao của doanh nghiệp, sau bao năm ấp ủ, tin rằng dự án sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Trong tương lai, tôi hi vọng dự án không chỉ thành công ở Bình Dương mà còn được nhân rộng trên cả nước”, ông Hiệp cho hay.


Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn