Đầu Tư

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’

Thứ Hai, 12/02/2024 13:00:00 +07:00

(VTC News) - Hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam tích cực chuyển đổi xanh, nhằm phát triển bền vững và hướng đến sứ mệnh đưa Việt Nam thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này.

Từ quyết định của Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh tháng 12/2021, đến nay, làn sóng hưởng ứng chuyển đổi xanh - xu hướng mới, thậm chí là “luật chơi mới” của thị trường - ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, thấm nhuần trong tư duy kinh doanh của doanh nghiệp Việt.

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’ - 1

999 xe ô tô điện VinFast chuẩn bị lên tàu xuất khẩu đi Mỹ.

Hệ sinh thái xanh 6 tuổi của VinFast

Ngày 15/8/2023 là dấu mốc không thể quên của VinFast (Tập đoàn Vingroup) khi cổ phiếu VFS của doanh nghiệp xuất hiện trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp Việt với phương châm hướng tới tương lai xanh chính thức bước ra thế giới, tự tin khẳng định triết lý kinh doanh mới mẻ nhưng rất phù hợp xu hướng thời đại, mang tính tiên phong, đi đầu.

Nhìn lại quãng thời gian 6 năm phát triển của VinFast từ khi thành lập vào tháng 6/2017, Chủ tịch HĐTV Lê Thị Thu Thủy gọi hành trình 6 năm phát triển của VinFast chính là "sứ mệnh thay đổi cuộc cách mạng xanh trên thế giới, mục tiêu sản xuất một chiếc xe điện mà ai cũng có thể mua được".

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’ - 2

Cổng vào nhà máy VinFast.

Thời điểm năm 2017, khi vừa bắt đầu xây nhà máy, ô tô điện đã nằm trong “tầm ngắm” của VinFast. Tuy nhiên, để làm quen và chứng minh năng lực sản xuất, VinFast ban đầu lựa chọn sản xuất ô tô xăng. Khi đã có được niềm tin của thị trường, đồng thời đã quen với chuỗi cung ứng trong ngành, doanh nghiệp tuyên bố chuyển sang xe thuần điện.

Với vai trò người đi tiên phong, mở đường, cùng năng lực chuyên nghiệp, VinFast không mất nhiều thời gian để xanh hóa hệ sinh thái của mình. Loạt ô tô điện mang thương hiệu VinFast ra mắt người tiêu dùng Việt Nam và thế giới. Ô tô VinFast không có khí thải từ ống xả, hạn chế ô nhiễm không khí, giảm các yếu tố ô nhiễm tiếng ồn, không sử dụng dầu động cơ, sản xuất bằng vật liệu thân thiện môi trường. Bộ sạc cung cấp bởi các nguồn năng lượng tái tạo ít tác động đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên hơn so với trạm xăng truyền thống.

Đáng ngạc nhiên hơn, chỉ mất chưa tới 6 năm, kể từ thời điểm được khai sinh, đến nay, hệ sinh thái xe điện của VinFast đã xuất hiện dày đặc trên thị trường, bao phủ tất cả các phân khúc: Từ xe đạp điện đến xe máy điện, ô tô điện và cả xe buýt điện.

Tự sản xuất bột Vonfram

Nói về “cuộc cách mạng” chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thiều Nam - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Masan - cho rằng, mục tiêu của đổi mới sáng tạo cần đi thẳng vào góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên, trong đó có biến đổi khí hậu, phát triển xanh, năng lượng sạch...

Chính vì thế, Masan High-Tech Materials (một công ty con của Masan) vừa ra mắt thương hiệu bột Vonfram đăng ký bản quyền toàn cầu 'starck2charge®' sử dụng trong sản xuất pin Li-ion sạc nhanh và an toàn.

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’ - 3

Hoạt động sản xuất bột kim loại Vonfram và Cacbua vonfram công nghệ cao tại Masan High-Tech Materials.

Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những bài toán năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô điện; hay sản phẩm hỗn hợp bột Vonfram phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ in 3D với độ ổn định và tinh khiết cao, đặc biệt phù hợp trong lĩnh vực y tế.

Ông Nam chia sẻ, Masan High-Tech Materials là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về bột kim loại Vonfram và Cacbua Vonfram công nghệ cao, có các tổ hợp sản xuất tại Việt Nam, Đức, Canada và Trung Quốc, sở hữu hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Đức và Việt Nam.

Masan High-Tech Materials đang dự kiến triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế Vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.

Ngoài ra, Masan High-Tech Materials cũng bắt đầu trồng cây trên vùng đất đá thải ra sau khi khai thác khoáng sản từ năm 2016. Đến nay, công ty phủ xanh được khoảng 58 ha khắp khu vực của dự án - một phần hấp thụ carbon để có thể theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon trong thời gian tới.

“Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tái cấu trúc mô hình kinh doanh trong dài hạn, hướng tới và chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu về xanh và bền vững cho sản phẩm và dịch vụ”, ông Nguyễn Thiều Nam khẳng định.

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’ - 4

Tập đoàn Masan đưa những sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng qua hệ thống bán lẻ.

Giảm phát thải nhà kính bằng mọi cách

Sau rất nhiều giải pháp và hành động quyết liệt, năm 2022, hệ thống trang trại của TH đã giảm phát thải lên đến hơn 20%/đơn vị sản phẩm. Phát thải carbon ở các nhà máy của tập đoàn giảm xuống 0,1kg CO2 trên một sản phẩm, giảm hơn 30% so với 2021. Đây là mức giảm phát thải vượt trội so với kết quả giảm phát thải của các nhà máy sữa ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’ - 5

Nhà máy TH sử dụng pin năng lượng mặt trời.

Ngoài ra, TH cũng giảm tiêu thụ xăng dầu, nhiên liệu hóa thạch tại các nhà máy nhờ chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sinh khối (đốt gỗ dăm phụ phẩm từ ngành công nghiệp chế biến gỗ). Bằng việc thay đổi này, toàn bộ hệ thống nhà máy của Tập đoàn giảm được hơn 85% tổng phát thải khí nhà kính so với năm 2021.

Tất cả đèn chiếu sáng ở trang trại, nhà máy của TH được chuyển đổi sang đèn led giúp tiết kiệm được 5.000.000 Kwh điện, tương đương giảm 4.000 tấn CO2.

Doanh nghiệp với sứ mệnh ‘sống xanh’ - 6

Để chăm sóc diện tích hoa hướng dương, ngô, cao lương và cỏ, trang trại TH đầu tư hệ thống tưới tự động "cánh tay khổng lồ" dài từ 500 - 700m.

Trong xu thế chung khi các doanh nghiệp triển khai phương án sử dụng năng lượng tái tạo để bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu sản xuất, TH đã triển khai dự án điện mặt trời mái nhà từ tháng 6/2020. Hiện nay, toàn Tập đoàn đã có 6 trang trại sử dụng năng lượng mặt trời với lượng điện năng tương đương 1/8 nhu cầu. Hệ thống điện năng lượng mặt trời đã giúp TH tiết kiệm 29.000 kWh/tháng, góp phần giảm mạnh lượng khí phát thải ra môi trường.

Theo đại diện TH, sau cắt giảm thì "hấp thụ" là bước quan trọng để hướng tới mục tiêu Net Zero. Tập đoàn này đã và đang có các hoạt động phủ xanh, trồng cây xanh để hấp thụ, bù lại lượng CO2 phát thải trong quá trình sản xuất. Riêng trong hai năm 2021 và 2022, tập đoàn đã trồng mới gần 50.000 cây thân gỗ các loại trong khu vực nhà máy.

Thành Lâm
Bình luận
vtcnews.vn