Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam cho biết, trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giá xăng dầu leo thang, nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 – 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng.
“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa, nếu tiếp tục tăng thì chắc chắn thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề”, ông Quýnh nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho biết xăng dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải, trong thời gian qua giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi.
“Xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp vận tải điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm có giải pháp hạ nhiệt”, ông Bằng nói.
Tương tự, ông Lê Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bắc Kỳ Logistics cho biết, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh logistics. Với mức giá xăng dầu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chỉ mong… cầm hòa.
“Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 30 - 35% trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp logistics. Xăng dầu tăng giá liên tục khiến cả doanh nghiệp logistics và đối tác lo lắng. Bởi khi giá xăng dầu tăng, chi phí vận chuyển tăng, giá cước cùng phải điều chỉnh nếu không doanh nghiệp logistics sẽ lỗ nặng do thu không đủ bù chi”, ông Nam chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết đang lo lắng bởi giá nhiên liệu tăng sẽ làm tăng cước vận tải. Khi cước vận chuyển tăng sẽ tác động trực tiếp tới các khâu khai thác, vận chuyển nguyên liệu, lưu thông hàng hóa và bán sản phẩm.
“Chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá bán sản phẩm mà tiếp tục nghe ngóng thị trường để có chiến lược kinh doanh cho phù hợp. Thực tế, việc kinh doanh đang khó khăn, nhưng không thể lập tức tăng giá bán sản phẩm. Bởi trong tình hình hiện nay hầu hết vẫn còn đang khó khăn do sức mua trên thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn ở mức cao”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết.
Chưa tìm ra lối thoát
Theo ông Nguyễn Văn Quýnh, trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao, đơn vị vận tải bắt buộc phải điều chỉnh lại giá cước nếu không sẽ lỗ và không thể tồn tại được. Tuy nhiên, do quy trình tăng giá cước cần được các cơ quan quản lý vận tải, thuế… cho phép chứ không phải muốn tăng là được.
“Chúng tôi tính nát nước nát cái mà chưa có phương án khả dĩ. Tăng giá cước vận chuyển thì đối tác kêu vì ai cũng khổ như nhau. Nhưng không tăng thì chỉ còn cách gánh lỗ”, ông Quýnh chia sẻ.
Trong khi đó, ông Đỗ Văn Bằng cho biết hãng xe Sao Việt đang tìm mọi cách để tăng doanh thu, giảm chi phí, nhằm đối phó với tình trạng giá xăng dầu tăng cao. “Vẫn biết giá xăng dầu tăng cao do giá thế giới leo thang. Nhưng cứ kéo dài thế này, doanh nghiệp hết cửa sống. Trước mắt, doanh nghiệp chỉ có biện pháp khắc phục tạm thời là giảm, dồn chuyến để tiết kiệm tối đa chi phí”, ông Bằng nói.
Đại diện nhà xe Tuấn Nhung (chuyên tuyến Gia Lâm - Yên Bái) thậm chí đã quyết định “chạy xe ngẫu hứng” chứ không xếp “lốt” hàng ngày như trước. Tức là hôm nào có khách đặt, đủ để chạy xe không bị lỗ thì nhà xe này mới chạy, nếu không thì để xe “đắp chiếu”.
“Chi phí cho một chiếc xe giường nằm chạy tuyến như chúng tôi mỗi ngày hết khoảng 5-6 triệu đồng. Xăng dầu tăng giá, khách lại vắng, nên có chạy thì cũng chỉ thu về được 1,5 - 2 triệu đồng, lỗ 3-4 triệu đồng thì thà không chạy còn sống, chứ chạy thì chỉ có chết”, chủ nhà xe này nói.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bắc Kỳ Logistics cũng cho hay liên tục tìm nhiều giải pháp giảm chi phí, như tổ chức lại hoạt động kinh doanh, tiết kiệm mọi khoản chi phí ít cần thiết... nhưng việc tăng giá xăng, dầu cao như vừa qua đang đẩy thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhằm giảm sức nóng của giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng trong bối cảnh hiện nay, có thể xem xét phương án trợ giá xăng dầu cho người dân. Việc hỗ trợ trực tiếp giúp người dân giảm được phần nào chi phí xăng dầu, nhưng quan trọng hơn là thể hiện được sự quan tâm, hỗ trợ người dân của Chính phủ lúc giá cả tăng cao.
“Trường hợp giảm thuế nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường mà giá xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, trong khi chưa thể giảm ngay được thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt, thì có thể kết hợp với việc trợ giá xăng dầu cho người dân như nhiều nước đã thực hiện”, ông Lạng nói.
Về nguồn kinh phí thực hiện, chuyên gia cho rằng có thể trích một phần từ nguồn thu dầu thô để hỗ trợ trực tiếp (trợ giá) cho người dân. Bên cạnh giải pháp cấp bách nàyông Lạng cho rằng về lâu dài cần khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với tiềm năng, điều kiện của Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường…
Đồng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá Bộ Tài chính nhìn nhận giá xăng dầu tăng kỷ lục đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Ông Long cho rằng để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng dầu tăng trong hoạt động vận tải, nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
“Xăng dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trong khi giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh, các giải pháp giảm thêm thuế phí chưa thể thực hiện ngay được. Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp để duy trì cuộc sống và hồi phục kinh tế sau dịch. Tuy nhiên, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại”, ông Long nói.
Từ 15h ngày 21/6, giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng: RON95 lập kỷ lục mới tại mức 32.873 đồng/lít, dầu diesel vượt 30.000 đồng/lít.
Bình luận