Được thành lập vào năm 2007, Công ty TNHH Rồng Đỏ (TP.HCM) là doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm trái cây như thanh long, dừa, chanh leo, xoài, mít, sầu riêng, vải thiều, nhãn lồng…sang thị trường Mỹ, Úc, châu Âu, Trung Đông theo đường hàng không và đường biển.
Năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID- 19 và giá xăng tăng liên tiếp kéo theo chi phí vận chuyển tăng nhưng doanh nghiệp vẫn đảm bảo xuất khẩu được 200 tỷ đồng.
Theo ông Mai Xuân Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp, hiện các đơn hàng ký kết với đối tác trong năm 2023 xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của doanh nghiệp đã đạt hơn 200 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp đang mở rộng sang các nước lân cận, trong đó có Trung Quốc, một thị trường rất tiềm năng.
Đầu năm 2023, Trung Quốc đã mở cửa khẩu. Đây là tin vui đối với doanh nghiệp và chắc chắn sẽ trở thành thị trường mục tiêu mà chúng tôi hướng đến trong năm mới và những năm tiếp theo với lợi thế về thời gian, chi phí vận chuyển.
“Bản thân tôi đã trực tiếp khảo sát thị trường Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội và đối tác xuất khẩu trái cây. Tuy nhiên, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính như nhiều năm trước đây, mà họ đã hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và sự cạnh tranh trái cây của Việt Nam với trái cây các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…cũng lớn hơn”, ông Thìn nhận xét.
Muốn thực hiện tốt việc xuất khẩu, theo ông Thìn, doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
“Chỉ có như vậy cơ hội xuất khẩu mới được mở rộng. Nếu các đơn hàng được ký kết, năm 2023, doanh nghiệp sẽ tự tin xuất khẩu các loại trái cây sang Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu tăng lên 100 tỷ đồng”, ông Thìn tự tin nói.
Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, Tổng công ty May 10 đang tập trung vào ba mặt hàng chính là thời trang công sở gồm sơ mi, veston; các dòng hàng áo khoác; hàng dệt kim.
Hiện May 10 là đối tác tin cậy của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới như Express, Abercrombie and Fitch, Bonobos, Vineyard Vines, TM Lewin...Các dòng sản phẩm đã làm nên tên tuổi của May 10 tại thị trường nội địa như May 10 Expert, M Series, May 10 Classic và dòng sản phẩm thời trang cao cấp Eternity Grusz...đã khẳng định chiến lược của May 10 trên con đường chinh phục ngành công nghiệp thời trang quốc tế.
Ông Việt chia sẻ thêm, bước sang năm 2023, May 10 đang tập trung tận dụng hai FTA chính là CPTPP và EVFTA.
“Có EVFTA, tôi kỳ vọng năm nay và các năm tiếp theo tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường châu Âu của May 10 sẽ rất cao. Với RCEP, hiện tại đây chưa phải là thị trường May 10 tập trung xuất khẩu nhiều. Tuy nhiên, RCEP sẽ là thị trường của tương lai trong khoảng 5-10 năm tới. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất chứ không phải là Mỹ hay châu Âu”, ông Việt nói.
Không chỉ nông sản hay may mặc mà các sản phẩm da giày của Việt Nam cũng được đánh giá là có lợi thế và các doanh nghiệp rất tự tin với kế hoạch xuất khẩu.
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu da giày năm 2023, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, cùng với những ưu thế mà các FTA mang lại, trong năm 2022 toàn ngành da giày đạt khoảng 27 tỷ USD xuất khẩu, tăng hơn 30% kế hoạch đặt ra. Dự báo, trong năm 2023, Hiệp hội Da giày - Túi xách đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022, đạt khoảng 26,5 - 27 tỷ USD.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu ngành hàng này trong năm 2023, bà Xuân cho rằng, cần đẩy mạnh ba chính sách gồm: tiếp tục duy trì lực lượng lao động, thông qua các hình thức đào tạo để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, triển khai các đơn hàng khi phục hồi trở lại; hỗ trợ các hoạt động đầu tư vào công nghiệp phát triển hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, giả da, đầu tư các khu công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển đổi số để giúp nâng cao chất lượng quản lý, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.
“Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề hỗ trợ cung cấp thông tin và quảng bá hình ảnh nhằm thu hút các thương hiệu, nhãn hàng quốc tế lớn tiếp tục gia công sản xuất tại Việt Nam là rất quan trọng”, bà Xuân nói.
Trong khi đó, trả lời VTC News, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ba năm chịu ảnh hưởng tác động của đại dịch COVID-19 đã giúp ngành xuất nhập khẩu Việt Nam rút ra nhiều bài học trong việc điều hành quản lý Nhà nước cũng như các doanh nghiệp ứng phó với biến động của thị trường, tình hình chung của kinh tế thế giới.
"Hiện nay chúng ta đang có thuận lợi rất lớn đó là đà tăng trưởng xuất nhập khẩu rất thuận lợi của năm 2023 và sự phát huy của các Hiệp định Thương mại tự do đang có tác động tốt tới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam một phần là sự chuyển dịch đầu tư từ các thị trường khác cũng là thuận lợi giúp cho các doanh nghiệp giữ được đà tăng trưởng xuất, nhập khẩu”, ông Hải phân tích.
Cũng theo ông Hải, năm 2023 để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, đơn vị sẽ triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu COVID-19, đặc biệt khai thác các thị trường, khu vực hiện đang có FTA với Việt Nam.
“Chúng tôi sẽ lựa chọn nhóm hàng, mặt hàng có thế mạnh, tiềm năng xuất khẩu, ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng kế hoạch lộ trình theo chuỗi, có tính dài hạn và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, hiệp hội, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp”, ông Hải nói.
Bình luận