• Zalo

Doanh nghiệp Trung Quốc thắng ở Mỹ bằng chất lượng, ở Việt Nam dùng ‘võ đút lót'

Kinh tếThứ Năm, 30/03/2017 10:35:00 +07:00Google News

Các chuyên gia kinh tế lý giải vì sao doanh nghiệp Trung Quốc có thể trúng thầu tại thị trường Mỹ trong bối cảnh nhiều dự án triển khai tại Việt Nam và một số nước Châu Phi lại đầy tai tiếng.

Truyền thông Trung Quốc, hôm 28/3, cho hay, công ty sản xuất xe lửa lớn nhất Trung Quốc là CRRC đã trúng thầu cung cấp toa tàu điện ngầm cho thành phố Los Angeles của Mỹ với tổng giá trị 647 triệu USD.

duong-sat-cat-linh---ha-dong

 Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ, đội vốn 250 triệu USD. (Ảnh: Minh Chiến)

Đây là lần thứ 3, CRRC trúng thầu tại Mỹ, nơi đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật công nghệ cao cũng như rất minh bạch trong đấu thầu.

Việc thắng thầu tại nền kinh tế phát triển số một thế giới như Mỹ là sự khẳng định khả năng của doanh nghiệp Trung Quốc có thể chiến thắng tại những thị trường khó tính nhất.

Thế nhưng, tại Việt Nam hay một số nước Châu Phi, nhiều dự án do nhà thầu Trung Quốc triển khai bị coi là những “xác chết” đầy tai tiếng.

“Chúng ta phải tự trách mình”

Chiều 29/3, trả lời phỏng vấn PVVTC News về nghịch lý này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Không thể nói nhà thầu Trung Quốc ở đâu cũng ẩu cả. Ẩu là do mình cho phép ẩu, mình có sai sót, mình kém”.

le-dang-doanh

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

“Bởi vì, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có 'món võ truyền thống' là đút lót và mua chuộc bằng tiền, quà cáp. Nếu chúng ta nghiêm túc và có trình độ chuyên môn cao, có sự giám sát chặt chẽ, có lẽ họ đã không làm được như vậy”, chuyên gia Lê Đăng Doanh lý giải.

Theo ông Doanh, cùng là nhà thầu Trung Quốc nhưng nếu ở châu Âu, ở Mỹ sẽ rất khác ở Việt Nam.

 
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có 'món võ truyền thống' là đút lót và mua chuộc bằng tiền, quà cáp.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh

“Ở Việt Nam, có những dự án do nhà thầu Trung Quốc làm, nhưng được kiểm soát nghiêm như Đạm Cà Mau đến bây giờ hoạt động rất tốt, có hiệu quả. Thế nhưng, những nhà máy khác, chúng ta để cho họ hoạt động theo kiểu của họ, điển hình dự án đường sắt trên cao, dự án Đạm Ninh Bình, dự án Gang thép Thái Nguyên… thì không hiểu vì lý do gì đội vốn lên, biến thành những cái xác biết đi, sản phẩm không còn giá trị gì nữa”, ông Doanh nói.

Ông Doanh đặt câu hỏi: “Tại sao cùng là nhà thầu Trung Quốc lại có những dự án có hiệu quả, lại có những dự án biến thành một đống đổ nát?”.

Chuyên gia cũng dẫn lại kết luận của Uỷ ban Chính sách phát triển của Liên Hợp Quốc mới đây rằng: “Trách nhiệm của thể chế ở trong nước là chủ yếu, còn tác động của dòng vốn giúp đỡ từ bên ngoài có thể quan trọng nhưng chỉ là thứ yếu”.

“Như vậy, chúng ta phải tự trách mình”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Việt Nam nên làm gì?

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, có nhiều nguyên nhân khiến dự án do doanh nghiệp Trung Quốc triển khai tại Việt Nam dính tai tiếng.

Buikienthanh

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng Trung Quốc cũng có nhiều doanh nghiệp uy tín cũng có doanh nghiệp làm ăn bằng mánh lới, thủ thuật.

“Thứ nhất, gọi thầu, xét thầu, rồi lựa chọn nhà thầu là doanh nghiệp Trung Quốc mà chưa hẳn có khả năng về công nghệ hoặc ít kinh nghiệm. Thứ hai, do không có tiền nên đi vay mượn Trung Quốc rồi bị lệ thuộc vào yêu cầu của bên cho vay vốn nên không có thế để yêu cầu doanh nghiệp họ làm cho đúng. Thứ ba, do cung cách quản lý, giám sát của mình còn nhiều lỗ hổng”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói.

Vẫn theo ông Thành, không phải nhà thầu Trung Quốc nào cũng dở, bằng chứng là một số lĩnh vực doanh nghiệp Trung Quốc làm rất tốt và được cả thế giới công nhận.

“Người ta phát triển nên như thế đâu phải người ta không có thế mạnh gì?”, ông Thành đặt câu hỏi.

Video: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bao giờ hết gây họa?

Để chữa trị dứt căn bệnh trầm kha này, theo chuyên gia, Việt Nam buộc phải “quản lý dự án một cách minh bạch, công khai, đồng thời lựa chọn những doanh nghiệp tốt, làm ăn đàng hoàng”.

“Nếu như việc đấu thầu tại Việt Nam vẫn bị nghi ngờ không minh bạch thì chứng tỏ cơ chế quản lý chưa hoàn thiện và chúng ta phải nỗ lực để thay đổi”, ông Thành nói.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để các dự án thắng thầu của nhà thầu Trung Quốc ở Việt Nam cũng bình thường như ở Mỹ, chuyên gia Bùi Kiến Thành nói “phải hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật trong lĩnh vực kinh tế”.

 
Tại sao cùng là nhà thầu Trung Quốc lại có những dự án có hiệu quả, lại có những dự án biến thành một đống đổ nát?

Chuyên gia Lê Đăng Doanh

“Nói vui thì đâu đâu cũng có anh hùng, đâu đâu cũng có người khùng người điên. Đây là vấn đề tổ chức, do mình không lựa chọn những doanh nghiệp tốt, làm ăn đàng hoàng thì đó là do lỗi tại mình chứ tại ai?”, ông Bùi Kiến Thành nói thêm.

Kinh tế gia Nguyễn Trí Hiếu quan điểm, sở dĩ các dự án bên Mỹ do nhà thầu Trung Quốc triển khai ít bị tai tiếng là do ngay từ đầu, chủ đầu tư đặt ra các yêu cầu khắt khe, đòi hỏi nhà thầu phải đạt được các tiêu chí về chất lượng chuyên môn, năng lực tài chính.

nguyen-tri-hieu

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu quan điểm không thể hoàn toàn đổ lỗi cho nhà thầu Trung Quốc.

“Trước hết, vẫn phải trách nhiệm của người chủ thầu, có đặt ra các yêu cầu một cách chi tiết hay không, rồi trong tiến trình diễn ra đấu thầu có kiểm soát, đảm bảo công khai, minh bạch hay không… Nếu chủ thầu không rõ ràng, chi tiết ngay từ đầu thì khó có thể mời gọi được những nhà thầu lớn, đủ uy tín, năng lực”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói với PV VTC News chiều 29/3.

Ông Hiếu cũng cho hay rằng, Trung Quốc cũng có doanh nghiệp thế này, doanh nghiệp thế khác, tuy nhiên nếu không muốn ảnh hưởng đến xấu đến chất lượng sản phẩm – dịch vụ của dự án thì chỉ có cách ngăn chặn hữu hiệu tất cả những nguy cơ tạo ra những “lợi ích nhóm”.

Hoàng Hưng – Nguyễn Yến
Bình luận
vtcnews.vn