• Zalo

Doanh nghiệp Trung Quốc giữa tâm bão thương chiến với Mỹ: Người cười thì ít, kẻ khóc nhan nhản

Thế giớiThứ Ba, 13/08/2019 07:12:00 +07:00Google News

Nhiều công ty Trung Quốc phải chật vật tìm cách sống sót giữa cơn bão thuế quan của Mỹ, chỉ số ít doanh nghiệp nhàn nhã ngồi hưởng lợi giữa thương chiến.

Khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới bước vào những "hiệp" đầu, nhiều công ty Trung Quốc bình chân nghe ngóng tình hình, chờ đợi 2 bên đi tới một thỏa thuận. Nhưng khi cơn bão thuế quan mà Mỹ mang tới càn quét nặng nề và chưa có dấu hiệu giảm cấp, không ít doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để sinh tồn. Họ giảm giá sản phẩm, chuyển sản xuất ra nước ngoài, tìm kiếm khách hàng mới hay thậm chí thay đổi thương hiệu hàng hóa. 

Các nhà máy dọc bờ biển phía Đông, các xưởng chế biến cá ở miền Nam, các nhà sản xuất nước ép ở miền Trung và nông dân ở khu vực Đông Bắc Trung Quốc đang buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh kể từ khi Tổng thống Trump nổ súng khơi mào cuộc chiến hơn 1 trước. 

trung quoc thue

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang phải tìm đủ mọi cách để sinh tồn giữa thương chiến với Mỹ. (Ảnh: Tân Hoa Xã) 

Nhưng bất kể chiến thuật sinh tồn gì, mọi thứ đang trở nên khó khăn và tồi tệ hơn khi nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục tung ra các đòn áp thuế mới. Hầu như tất cả các sản phẩm trao đổi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng khi đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Trump có hiệu lực.

"Điều này tác động tới tất cả các nhà xuất khẩu của chúng tôi. Chúng tôi phải xem xét lại giá các sản phẩm dựa trên các mức thuế mới", ông Liu, Giám đốc bán hàng của nhà sản xuất nước ép táo Shaanxi Hengtong Fruit Juice cho biết. 

Xuất khẩu nước ép táo của Trung Quốc giảm 93% trong nửa đầu năm kể từ khi Tổng thống Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc năm 2018. 

Shaanxi Hengtong và một số công ty con của nó phải cầm cố cổ phiếu làm tài sản thế chấp cho các khoản vay trong năm 2018. Thậm chí một số nhà máy của công ty này phải cầm cố máy móc và thiết bị làm tài sản thế chấp cho các khoản vay khác. 

Nhưng đó không phải là nỗi niềm của riêng ai. Ngành công nghiệp chế biến cá của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 

Trung Quốc là nhà cung cấp chính cá rô phi đông lạnh cho thị trường Mỹ, nhưng mặt hàng xuất khẩu này đang trên đà giảm mạnh trong năm nay. 

"Mỹ đang tận dụng vị thế thị trường của mình và bắt nạt nhiều nhà cung cấp cá rô phi Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại đang đè bẹp ngành công nghiệp này", Liên minh Cá rô phi Bền vững tỉnh Hải Nam viết trên tài khoản WeChat của mình. 

Để giải quyết bài toán hóc búa, những người nuôi cá Trung Quốc phải tìm kiếm các khách hàng mới trong nước, nhưng thị hiếu nội địa lại không mấy phù hợp. 

"Cá rô phi ăn nên làm ra ở thị trường Mỹ vì nó được tẩm bột và chế biến, có phần nhạt, nhão. Trong khi người tiêu dùng Trung Quốc lại thích cá tươi", Event Pay, nhà phân tích nông nghiệp tới từ công ty tư vấn China Policy cho hay. 

Nhà chế biến cá hàng đầu Trung Quốc Zhaoqing Evergreen Aquatic phải trang bị thêm máy móc vào mùa đông tới đây khi mở rộng thị phần nội địa. 

Với các công ty thuộc các ngành công nghiệp khác, họ cũng phải tìm đủ cách để vượt qua cơn bão thuế quan hiện tại. 

"Chúng tôi phải giảm giá sản phẩm cho thị trường Mỹ để bù đắp thuế quan", ông Andy Zhou tới từ Anytone, nhà sản xuất radio bỏ túi cho biết. 

Xuất khẩu radio sang Mỹ của Trung Quốc giảm xuống chỉ còn 33 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, con số đáng buồn nếu đem so sánh với doanh thu 230 triệu USD 1 năm trước đó. Để vực dậy doanh số ế ẩm này, nhiều công ty tìm tới thị trường châu Á và châu Âu nhưng vẫn chưa có nhiều khởi sắc. 

Một số nhà máy nằm trong phân khúc radio cấp thấp thì tình cách đổi mã hải quan để trốn thuế khi đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. 

Các công ty Trung Quốc dùng đủ mọi cách để xoay xở khi muốn tiếp tục tồn tại, duy trì sản xuất trong nước. Khi cảm thấy trụ không nổi, họ tìm cách chuyển sản xuất ra ngoài nước, tới các nước Đông Nam Á như Indonesia, Việt Nam hay Malaysia.

Nhà sản xuất dệt Jasan Group, nhà sản xuất phụ tùng xe đạp HL Corp và nhà sản xuất sợi công nghiệp Zhejiang Hailide New Material xác nhận chuyển một số dây chuyền sang Việt Nam. 

Tuy nhiên, đòn trả đũa thuế của Bắc Kinh lại mang tới tin vui cho một số nông dân trồng đậu nành của Trung Quốc khi người trồng đậu nành ở địa phương được gia tăng trợ cấp để kích thích sản xuất trong nước. 

"Chính phủ đang khuyến khích chúng tôi trồng thêm đậu nành. Thu nhập của chúng tôi đang tăng lên cùng với các khoản trợ cấp", Sun Changhai, nông dân tới từ phía Bắc Nội Mông cho biết.

Bên cạnh đó, các công ty cung cấp dịch vụ vận tải, hậu cần, xử lý trang thiết bị sản xuất quy mô lớn và quản lý thông quan hải quan cũng đang hưởng lợi không nhỏ từ thương chiến với Mỹ. Họ cung cấp các dịch vụ giúp các doanh nghiệp chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra nước ngoài. Khi làn sóng di tản càng lớn mạnh, doanh thu của họ cũng tăng theo. 

Lim Kian Peng, Phó Tổng giám đốc công ty Overland Total Logistics (OTL) có trụ sở ở Quảng Tây cho biết doanh nghiệp của ông đã giúp 300 nhà sản xuất vận chuyển một phần dây chuyền sản xuất cũng như các nguyên liệu và thiết bị tới những nhà máy mới của họ ở Đông Nam Á.

Ông Lim tin rằng với tình thế hiện nay, các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, hậu cần xuyên biên giới sẽ tăng trưởng ít nhất 20% mỗi năm ăn theo làn sóng di dời vì thuế quan Mỹ.  

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn