• Zalo

Doanh nghiệp nhà nước gánh khối nợ 1,6 triệu tỷ đồng

Kinh tếThứ Hai, 28/05/2018 07:14:00 +07:00Google News

DNNN có tiềm lực mạnh về tài chính, nắm giữ tài nguyên, đất đai, thương hiệu, nhân lực hùng hậu, tuy nhiên, có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ DN bị tê liệt, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ.

Lợi nhuận tăng nhưng chưa tương xứng

Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.

Đến hết năm 2016, cả nước còn 583 DN do NN nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đoàn giám sát cho rằng hiệu quả kinh doanh của DNNN xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách NN “có chiều hướng tích cực”.

Doanh nghiệp nhà nước,tập đoàn kinh tế,dự án thua lỗ,dự án chậm tiến độ,12 dự án thua lỗ

 

Hầu hết các NN đều có lãi và số lãi tăng. Có những tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 nộp ngân sách 147.941 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội nộp ngân sách 131.400 tỷ đồng...

Tuy nhiên, đoàn giám sát cho rằng, hiệu quả hoạt động của DNNN còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm).

Đáng nói là tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng.

Đoàn giám sát cho rằng, DNNN “chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế” cũng như chưa thực hiện được “nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.

Có trường hợp DN chưa thực thi nghiêm túc các kế hoạch đặt ra; năng suất lao động, hiệu quả sản xuất còn thấp, trong đó có một số tập đoàn lớn như lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)...

Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam.... Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước như: TCT Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí....

Theo đoàn giám sát, hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao.

Nhiều sai phạm, lãnh đạo bị xử lý

Giám sát qua báo cáo và làm việc trực tiếp sát với Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở 4 vi phạm: vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; vi phạm nguyên tắc thị trường; vi phạm nguyên tắc quản trị DN; vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính.

“Một số vi phạm để lại hậu quả nặng nề, lâu dài, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ”, báo cáo giám sát nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nhà nước,tập đoàn kinh tế,dự án thua lỗ,dự án chậm tiến độ,12 dự án thua lỗ

 

Đơn cử Tập đoàn Dầu khí Việt Nam áp dụng hình thức chỉ định thầu tại Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi chưa bảo đảm điều kiện. Đoàn giám sát còn nhắc đến Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam chỉ định thầu một số gói thầu.

Đoàn giám sát cũng lưu ý trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm pháp luật về quản lý kinh tế; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài DN không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả. Một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn…

Cụ thể, việc đầu tư tài chính dài hạn của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vào 5 công ty (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP phân đạm và hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem, Công ty CP DAP số 2 – Vinachem, Công ty TNHH Hóa chất và muối mỏ Việt Lào) với tổng vốn đầu tư là 6.836 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng vốn đầu tư tài chính, đang tiềm ẩn nguy cơ khó thu hồi vốn.

Video: Điểm mặt những khoản đầu tư ngoài ngành của Sabeco đang thua lỗ

Một số dự án sau khi đi vào khai thác, vận hành không hiệu quả, thua lỗ lớn. Đặc biệt là tại 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Trong đó, Dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã bị Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, Đoàn giám sát lưu ý có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ của DN bị tê liệt không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân. Người đứng đầu DN, cán bộ quản lý tại một số DN thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái, gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

“Một số vụ việc tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở DNNN gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của DNNN. Ví dụ, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực miền Nam…”, Đoàn giám sát dẫn chứng.

(Nguồn: Vietnamnet)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn