“Tôi sướng quá ông ơi, tôi đã nghĩ tới chiến thắng trước trận vì tin tưởng tụi nhỏ (cầu thủ U23 Việt Nam) sẽ làm được, bọn nó đã không biết sợ rồi…”, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) chia sẻ với phóng viên ngay sau trận bán kết với đội tuyển U23 Qatar.
Không tuyên bố thưởng nóng như cách đây nhiều năm vẫn làm, bầu Đức cho rằng thưởng bây giờ không còn quan trọng bằng việc các cầu thủ đã nhận ra chân giá trị của mình.
Bóng đá đem lại cả danh tiếng lẫn phiền phức cho ông bầu phố núi, nhưng cách đam mê bóng đá của ông lại rất khác biệt và chân thành. Ngay cả thời điểm tái cơ cấu toàn bộ doanh nghiệp vì nợ nần, ông bán đi mảng bất động sản vốn sinh lời “khủng” rồi đến thủy điện, mía đường… nhưng bóng đá - mảng chỉ tiêu tiền, không mang lại lợi nhuận hay ghi nhận doanh thu, đóng góp cho tăng trưởng tài chính, thì ông lại giữ lại cho bằng được.
Bầu Đức chi bao tiền cho đào tạo trẻ?
Nhìn lại quá trình làm bóng đá của bầu Đức và cơ duyên hình thành nên Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG, cho thấy bóng đá là đam mê, để ông tìm kiếm niềm vui trên tài sản mình làm ra.
Câu chuyện hợp tác giữa Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Arsenal để cho ra đời Học viện HAGL Arsenal - JMG bắt đầu từ cuộc gặp gỡ giữa HLV Wenger và bầu Đức vào năm 2007. Ông bầu đội bóng phố núi đã ngỏ lời với HLV người Pháp về việc đưa CLB HAGL sang tập huấn, để có cơ hội học hỏi sau khi giành 2 chức vô địch liên tiếp ở V-league.
Đáp lại bầu Đức, HLV Wenger không đồng tình vì HAGL chẳng thể học hỏi được gì qua một chuyến tập huấn. “Hãy về xây dựng hệ thống đào tạo trẻ đi đã, trước khi sang đây tập huấn và học hỏi”, HLV Wenger trả lời thẳng thắn.
Từ cuộc trò chuyện với HLV Wenger, bầu Đức đã quyết định cho ra đời Học viện HAGL Arsenal - JMG, để làm đào tạo bóng đá trẻ, với lứa đầu tiên 15 cầu thủ gồm có những cái tên đang nổi đình đám, là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Ngày 5/3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất là 5 ha cao su. Một quyết định gây sốc bởi lúc đó, những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/ha/năm - thời điểm năm 2007).
Nhưng việc đó cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền đã bỏ ra để xây dựng và duy trì học viện HAGL-Arsenal JMG suốt 10 năm qua. Bầu Đức phải chi ít nhất từ 4 đến 5 triệu USD/năm để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL JMG. Và 10 năm qua, tổng số tiền ấy đã là 50 triệu USD.
Nhưng để chăm sóc cho những đứa con cưng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... và bây giờ là các học viên khóa III, mỗi năm bầu Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, tập huấn nước ngoài. Hiện tại, khóa III đang tập huấn tại Hàn Quốc. Và tiếp tục nhân với 10 năm, con số này không dưới 100 tỷ.
Đem cộng số tiền trên lại thì đúng là 10 năm qua, Học viện phố núi đã ngốn của bầu Đức cả nghìn tỷ đồng. Đây là một con số không hề nhỏ với một doanh nghiệp đang phải vật lộn với chuyện nợ nần, cân đối tài chính để phát triển suốt mấy năm nay.
Không thể chết và cũng không thể thiếu bóng đá
Năm 2016, Tập đoàn HAGL rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử 30 năm thành lập. Bầu Đức khi đó đứng trước những thử thách một mất một còn, khi phải sử dụng nhiều tài sản cố định và giấy tờ có giá để làm tài sản thế chấp vay ngân hàng.
Đáng chú ý, trong số đó có công trình khu liên hợp Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG được mang ra thế chấp cho món vay trị giá hơn 603 tỷ đồng của công ty, với hợp đồng có lãi suất 5,05-10,5% và có thời hạn thanh toán từ ngày 25-11/9/2016.
Ông Nguyễn Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL, kể lại: Thời điểm đó, đánh giá chung khả năng tồn tại của HAGL rất khó. Có người muốn chia sẻ đã nói với ông Đức giao lại Học viện để họ làm, nhưng ông Đức kiên quyết từ chối. Ông khẳng định dù có khó khăn cỡ nào thì có hai thứ ông sẽ luôn giữ lại là Học viên HAGL Arsenal JMG và bệnh viện HAGL.
"Nói thế để thấy, ngay trong khó khăn, đội bóng HAGL và học viện HAGL-Arsenal vẫn rất rất có giá. Giá trị của nó vô hình không đo đếm được", ông Tấn Anh kể lại.
1.503 tỷ đồng là con số lỗ hợp nhất của HAGL trong năm 2016. Tổng nợ phải trả ở mức 36.113,7 tỷ đồng, một con số khổng lồ. Trong khi tài sản ngắn hạn cuối năm 2016 là 9.394 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn lên tới 12.726 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HAG lao dốc thảm hại, một thời gian dài quanh quẩn ở mốc 9.000 đồng khiến bầu Đức bật ra khỏi top người giàu trên sàn chứng khoán.
Nhưng giữa “tâm bão” khó khăn, năm 2016, tập đoàn của bầu Đức vẫn ghi nhận chi 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Chi phí đào tạo học viện bóng đá HAGL-JMG trong chi phí trả trước dài hạn lên tới 58 tỷ đồng.
Video: Tuyển thủ U23 Việt Nam đối mặt với thuế thu nhập cá nhân
9 tháng đầu năm 2017, khi áp lực nợ nần đã giảm bớt, bầu Đức lại tăng chi phí cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên 49 tỷ đồng.
Khi được hỏi về việc thưởng cho các cầu thủ của lò đào tạo HAGL sau chiến tích cùng đội tuyển U23, bầu Đức cho rằng những khoản thưởng liên tiếp cho đội tuyển sau chiến tích vừa qua của xã hội là xứng đáng với những nỗ lực của họ.
"Riêng các cầu thủ của tôi, tôi đã ươm mầm nhân cách và tự họ đã chăm sóc mình thành người tử tế, đó là giá trị lớn nhất. Không cha mẹ nào muốn bỏ rơi con mình, huống gì đây lại là những đứa con ngoan và bản lĩnh”, ông bầu bóng đá nói một cách tự hào.
“Tôi không bao giờ bỏ HAGL và cũng không muốn làm một vị lãnh đạo 'hữu danh vô thực' khi chỉ nhìn doanh nghiệp của mình mà không có thực quyền gì", bầu Đức trải lòng với cổ đông.
Bình luận