Khép lại ngày giao dịch 30/9, cổ phiếu EME của Công ty cổ phần Điện Cơ đứng ở mức 55.000 đồng, tăng 11,6%, tương ứng mỗi cổ phiếu thêm 5.700 đồng. Đây là phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp của mã EME, trong đó 3 phiên liền trước kịch trần.
Kết quả, sau 5 ngày giao dịch, mỗi cổ phiếu EMS tăng từ 28.500 đồng (24/9) lên 55.000 đồng, biến động giá 26.500 đồng/cổ phiếu, tức tăng 92,9%, đẩy vốn hóa tăng gần gấp đôi, lên 207,9 tỷ đồng.
Dù giá tăng chóng mặt song cổ phiếu EME đang gặp vấn đề về thanh khoản, lượng giao dịch chỉ vài trăm đơn vị mỗi phiên. Hai tháng trước khi “nổi sóng”, mã này thậm chí gần như “đóng băng”.
Báo cáo đã soát xét của EME cho thấy lợi nhuận sau thuế của EME năm 2018 đạt 68 triệu đồng, trong khi cùng kỳ 2017 đạt 35,6 tỷ đồng, tức giảm cực sốc tới hơn 524 lần.
Nguyên nhân do doanh thu thuần giảm 18,4%, đặc biệt lợi nhuận khác chỉ đạt 354 triệu đồng trong khi cùng kỳ ghi nhận mức 61,7 tỷ đồng.
Tổng tài sản đến cuối 2018 của Điện Cơ ở mức 115 tỷ đồng, giảm 32% so với đầu năm. Nợ phải trả ghi nhận con số 45,4 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn: hơn 44 tỷ đồng. Năm 2017, EME phải trả gần 1,6 tỷ đồng lãi suất vốn vay.
Hiện EME chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2019 nên không rõ lãi lỗ doanh nghiệp 6 tháng đầu năm.
Điện Cơ hiện có vốn điều lệ 37,8 tỷ đồng, các cổ đông lớn sở hữu hơn 53% vốn, theo báo cáo thường niên 2018. Cổ đông lớn của EME hiện có Tổng công ty Điện lực TP.HCM nắm 28,26% vốn, Công ty Cổ phần TMDV Tư vấn Đầu tư Sài Gòn 3 nắm 13,23% vốn, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công nắm 11,64% vốn…
Về nhân sự, EME vừa có sự thay đổi, từ 1/7, bà Bùi Thị Lưu Hảo đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Trần Ngọc Thạch. Trước đó, bà Hảo là Thành viên Hội đồng quản trị, từ 29/6/2018.
Một lãnh đạo khác là ông Trần Đình Khôi cũng được bổ nhiệm giám đốc và đại diện pháp luật thay ông Thạch.
Bình luận