(VTC News) - Tình trạng doanh nghiệp chây ỳ trả nợ, trốn nợ đang diễn ra nhiều tới mức đáng báo động.
Doanh nghiệp nhỏ khốn khổ vì nợ
Gần đây, dư luận xôn xao vì vụ “xù cơm văn phòng” của nhiều doanh nghiệp. Nhiều người vô cùng bất ngờ và cho rằng “đến miếng cơm cũng phải nợ thì không còn gì để nói”. Đáng buồn hơn, hiện nay, tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến.
Bà Phạm Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm hợp tác và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết những tình huống doanh nghiệp chây ỳ không trả nợ bà đã gặp nhiều. Bà Hằng kể có cô chủ nhiệm một Hợp tác xã ở Bắc Giang, chuyên làm về vải thiều vay nợ 5 năm trời mà không chịu trả.
Trong thời gian kinh doanh tốt, chủ nợ và con nợ còn thân thiết đưa nhau đi du lịch cả trong nước và nước ngoài. Nhưng khi khó khăn, nợ nhất định không trả. Cô chủ nhiệm hứa hẹn hết mùa vải này tới mùa vải khác nhưng nợ vẫn hoàn nợ.
Bà Hằng cho biết thực ra không phải họ không muốn trả mà họ cũng khó khăn và nợ quá nhiều người. Xuất khẩu long nhãn cũng không đủ tiền để trả.
Bên cạnh đó, cũng có hàng loạt vụ doanh nghiệp xù nợ đã được đưa lên mặt báo. Mới đây là vụ Công ty cổ phần Đất Mĩ Kế ở TPHCM đã bị hơn 10 đối tác trong và ngoài nước khiếu nại về việc trốn nợ. Tổng giám đốc công ty, ông Nguyễn Tấn Em đã bỏ trốn.
Doanh nghiệp không chỉ đau đầu vì nợ vay mà còn khổ vì bị xù nợ
Trước đó, khi bị đối tác đòi nợ, công ty du lịch này thậm chí còn đem giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế ra cam đoan, hứa hẹn là sẽ rút tiền ký quỹ để trả nợ nhưng hơn một năm qua vẫn không chịu thanh toán nợ nần. Mà dù có muốn thì cũng không được vì số tiền ký quỹ chỉ là 250 triệu, không thấm vào đâu so với khoản nợ 40.000 USD.
Vì khó khăn, công ty cổ phần gạch men Anh Em DIC ở Quảng Nam cũng xù nợ nhà cung cấp. Từ năm 2009, Công ty TNHH Fritta Việt Nam ký hợp đồng cung cấp phụ gia sản xuất gạch men cho Công ty Anh Em DIC với giá trị lên tới 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, Anh Em DIC chỉ trả được 13,3 tỷ đồng. 3,4 tỷ đồng còn lại, công ty hứa lên hứa xuống và mất hút.
Không chỉ trốn nợ doanh nghiệp và ngân hàng (thực chất cũng là một doanh nghiệp), nhiều đơn vị còn “cả gan” xù luôn cả chính quyền. Công ty Phú An Sinh vay Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu 16,5 tỷ đồng cho chiến dịch “bình ổn giá”, vay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 35 tỷ đồng mua lợn trong đợt dịch lợn tai xanh.
Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, không đủ chi trả lương và các khoản nợ nên chủ doanh nghiệp âm thầm chuyển tài sản đi nơi khác và trốn mất dạng.
Không chỉ các doanh nghiệp đau đầu vì nợ (chủ nợ cũng đau đầu, con nợ cũng mệt mỏi), “ông lớn” cũng chật vật với nợ khói đòi từ các đối tác. Mà điển hình nhất là con nợ khủng của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
EVN chây ỳ trả nợ tới mức các chủ nợ, vốn cũng là những “ông lớn” phải đồng loạt lên tiếng. Mới đây Petrovietnam tố EVN chưa thanh toán khoản nợ tiền mua điện lên đến hơn 10.000 tỷ đồng dù đã bị thúc giục rất nhiều lần.
Ông Vũ Quang Nam, phó tổng giám đốc giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết tập đoàn này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi bị EVN nợ tiền. Cụ thể, PV Oil không có tiền mua khí, PV Gas không có tiền trả tiền cho nhà thầu cung cấp khí khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp căng thẳng.
EVN - một trong các con nợ khó đòi
Cụ thể, tính tới giữa tháng 6, số tiền EVN còn nợ PV Power trên 8.100 tỷ đồng, trong đó công nợ phải thu tiền điện là trên 7.681 tỷ đồng; lãi phát sinh do chậm thanh toán là gần 422 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khoản công nợ EVN phải trả chi phí vận hành và bảo dưỡng cho các năm 2007, 2008, 2009 của Nhà máy điện Cà Mau 1&2 bao gồm thuế VAT khoảng 895 tỷ đồng kéo dài chưa được thống nhất.
Không chỉ bị Petrovietnam săn nợ, EVN còn nhận được “trát” đòi nợ từ Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV). Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên phản ánh, thời gian qua TKV đã nhiều lần thúc giục và đề nghị EVN sớm có phương án thanh toán số nợ cho TKV nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, khiến cho tình hình hoạt động của TKV cực kỳ khó khăn.
Tính đến hết tháng 8/2011, tổng số tiền EVN nợ TKV đã lên tới trên 2.000 tỷ đồng, ông Biên đề nghị Bộ Công Thương có giải pháp và hướng tháo gỡ kịp thời để EVN sớm trả được số nợ khổng lồ cho TKV.
“Ông lớn” trong nước chây ỳ thanh toán nợ thì “ông lớn” ngoại quốc xù luôn nợ. Năm ngoái, tỉnh Phú Thọ xôn xao với tin nhiều ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc phá sản, trốn về nước bỏ lại đống nợ hàng chục triệu USD.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trong cả nước, chỉ thống kê riêng các ông chủ đến từ Đài Loan và Hàn Quốc, đã có hơn 200 dự án bị phá sản, giải thể. Trong đó, có hơn 20 dự án của nhà đầu tư Hàn Quốc và Đài Loan tại 12 địa phương còn nợ đọng ngân hàng không có khả năng trả nợ với số tiền gần 80 triệu USD.
Khánh Hạ
Bình luận