Việt Nam sẽ mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ ngày 15/3 tới. Việc mở cửa du lịch, đặc biệt là đón khách quốc tế trở lại trong thời điểm này được nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ tại TP.HCM đánh giá là “cứu cánh” cho cả ngành du lịch Việt Nam.
Chờ từng ngày để đón khách quốc tế trở lại
Bà Vũ Thị Thanh Hiền, Phó Giám đốc khách sạn Grand Sài Gòn (quận 1) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị sẵn tinh thần và cơ sở vật chất để đón khách quốc tế từ giữa tháng 3 tới. Hiện nay, lượng khách đến khách sạn chủ yếu là khách nội địa.
"Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch nên doanh thu của khách sạn rất thấp, không đủ để bù chi. Hi vọng khi khách quốc tế quay lại, khách sạn sẽ có thêm doanh thu để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên. Tôi mong từng ngày đợi đến ngày đón khách quốc tế trở lại", bà Thanh Hiền chia sẻ.
Khi được đón khách quốc tế trở lại, nhiều khách sạn, doanh nghiệp lữ hành đã chuẩn bị sẵn sàng từ các khâu phòng dịch, cơ sở vật chất, nhân lực để đón khách trong điều kiện thích ứng đến việc đảm bảo an toàn phòng dịch cho nhân viên và du khách.
Bà Hoàng Thùy Linh, Phó Giám đốc Tiếp thị truyền thông Saigontourist cho biết, về nhân sự, nhiều người đã phải làm thêm một số công việc tạm thời để có thêm thu nhập trong mùa dịch, nhưng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc rất thấp, nhiều hướng dẫn viên sẵn sàng và chờ đợi để quay trở lại.
"Trước dịch, công ty có 1.200 nhân viên chính thức trên khắp cả nước, nay còn gần 900 người. Dù vẫn giữ hơn 70% nhân sự trong suốt thời gian “đóng băng” vì dịch bệnh, nhưng chúng tôi đang liên hệ và kêu gọi sự trở lại của hướng dẫn viên quốc tế, công ty đã sắp xếp hướng dẫn viên phụ trách và dự trù phát sinh", bà Linh nói.
Về công tác xử lý F0, bà Linh cho biết, nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, khách du lịch sẽ được đưa đến cơ sở chữa bệnh đáp ứng điều kiện để điều trị y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Năng Phương, Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị, Khách sạn Majestic (quận 1) cho biết, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng khách quốc tế đến khách sạn luôn chiếm hơn 90%. Do vậy, khách sạn luôn mong chờ được đón khách quốc tế quay lại càng sớm càng tốt, bởi đây được xem là "nguồn sống" của khách sạn.
“Hiện tại 100% nhân viên chúng tôi đã được tiêm 2 mũi vaccine và phần lớn đã được tiêm mũi thứ 3, cơ sở vật chất được kiểm tra, vệ sinh, khử khuẩn, đảm bảo tính an toàn vệ sinh phòng bệnh ở mức cao nhất cho cả nhân viên và du khách", ông Phương cho hay.
Trong khi đó, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Tiếp thị Vietravel cho biết, việc Việt Nam công bố mở cửa sớm sẽ giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn mở bán tour đến khách quốc tế và thu hút du khách trở lại dần vào giai đoạn từ cuối tháng 3/2022.
Theo đó, Vietravel đã hoàn thiện các bộ sản phẩm phù hợp với các yêu cầu đón khách du lịch quốc tế và đáp ứng các yêu cầu đi du lịch của khách hàng tại các thị trường Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ, Châu Âu...; đồng thời tăng cường công tác tiếp thị đến các đối tác và khách hàng ở những thị trường nói trên.
Về quy trình khách du lịch xét nghiệm dương tính, bà Khanh cho biết, công ty sẽ sắp xếp cho khách cách ly tại điểm cách ly tập trung theo quy định của nhà nước hoặc xin được cách ly ngay tại khách sạn/resort nơi đang lưu trú (nếu được y tế và các cơ quan liên quan đồng ý).
“Trong quá trình cách ly, phía Vietravel luôn đồng hành và hỗ trợ khách hàng trong quyền hạn được phép như gọi điện thăm hỏi, mua hộ các đồ dùng vệ sinh cá nhân. Đồng thời theo sát các dịch vụ đi kèm như vé máy bay về nước, visa... để xử lý cho khách”, bà Khanh nói.
Dịch vụ ăn theo du lịch cũng nóng lòng
Nhiều ngành nghề ăn theo du lịch tại TP.HCM cũng đang nóng lòng chờ ngày được phục vụ khách nước ngoài. Ông Trần Văn Phúc (52 tuổi, ngụ quận 3) - tiểu thương tại chợ Bến Thành là một trường hợp như vậy. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khách nước ngoài không còn, doanh thu của ông theo đó cũng sụt giảm hơn 80%.
“Tôi cũng mong chờ khách du lịch nước ngoài quay trở lại TP.HCM từng ngày. Năm ngoái, chợ Bến Thành vắng như chùa Bà Đanh, nhiều người không trụ nổi phải dẹp tiệm, cho thuê lại chỗ bán”, ông Phúc nói.
Cũng mong ngày được đón khách du lịch quốc tế trở lại, anh Tiêu Hữu Toàn (28 tuổi, ngụ quận 5) - một hướng dẫn viên du lịch cho biết, khi dịch COVID-19 bùng phát, du lịch quốc tế ngừng hoạt động, anh buộc phải nghỉ việc tạm thời và phải chuyển sang nghề khác. Hiện anh Toàn vừa bán trái cây trên mạng, vừa viết nội dung cho một số trang web.
“Công ty cũng hứa hẹn khi được đón khách quốc tế trở lại, sẽ gọi tôi về làm lại. Nên bây giờ tôi cố gắng làm cầm chừng để có thu nhập trang trải cuộc sống, rồi sau này nếu được sẽ tiếp tục làm hướng dẫn viên du lịch”, anh Toàn nói thêm.
Bình luận