• Zalo

Doanh nghiệp điêu đứng vì cắt điện không được báo trước, công ty điện nói gì?

Thị trườngThứ Năm, 08/06/2023 12:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hàng loạt doanh nghiệp lao đao vì bị cắt điện mà không báo trước khiến họ trở tay không kịp, hoạt động sản xuất bị tê liệt.

Thông tin tới VTC News ngày 7/6, đại diện nhiều doanh nghiệp tại Hưng Yên cho biết tình trạng cắt điện không thông báo đang khiến các hoạt động sản xuất bị đứt gãy, thậm chí gần như "đắp chiếu".

Ông Nguyễn Xuân Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kết cấu thép cơ khí xây dựng Hưng Yên nói, ông buộc phải ra quyết định tạm đình chỉ sản xuất vì công ty không có điện, mấy ngày nay công nhân đến rồi lại phải về. "Tất cả nguyên nhân đều là do mất điện mà không thông báo. Điện không có, máy móc không chạy thì lấy gì cho công nhân làm việc nên đành cho họ về", ông Hoàn nói.

"Thực trạng mất điện diễn ra khoảng một tuần nay mà chúng tôi không nhận được bất kỳ thông báo nào. Đến sáng 7/6 mới nhận được thông báo thì lại là thông tin cắt điện gần như nguyên cả một tuần tiếp theo. Thật quá khủng khiếp. Hoạt động sản xuất mà cả tuần chỉ có 2 ngày có điện, mỗi ngày chí có vài tiếng thì làm sao mà hoạt động được. Các đơn hàng đã không hủy thì cũng phải hoãn lại hết rồi vì không thể kịp tiến độ", đại diện doanh nghiệp thép cho biết.

Cụ thể, thông báo của Điện lực Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên) thông tin về phương án tiết giảm điện từ 7 - 11/6 như sau: "Các khách hàng cấp điện từ các đường dây công nghiệp sẽ được cấp điện theo hình thức ngày có/ngày mất. Thời gian có điện để sản xuất trong ngày được cấp điện là từ 7h- 17h các ngày 8/6/2023 và ngày 10/6/2023 để các công ty sản xuất, ngoài thời gian trên các công ty sẽ mất điện và dừng sản xuất. Khách hàng dân sinh cũng cắt luân phiên để giữ điện cho các công ty sản xuất".

Doanh nghiệp điêu đứng vì cắt điện không được báo trước, công ty điện nói gì? - 1

Hệ thống máy của một doanh nghiệp sản xuất ở Mỹ Hào, Hưng Yên không thể hoạt động vì mất điện. (Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp)

Về những thiệt hại do thiếu điện, theo vị giám đốc, doanh nghiệp nào sản xuất liên tục thì hệ lụy cực kỳ nguy hiểm. "Vì mỗi lần khởi động máy mất rất nhiều thời gian, công sức và một lượng điện lớn. Kể cả có phương án dự phòng thì cũng không thể chủ động được vì lượng điện để khởi động rất lớn", ông Hoàn lý giải.

Vẫn theo ông Hoàn, trong phương án dự phòng, nếu muốn mua máy phát điện thì mỗi máy phát điện có giá không dưới 500 triệu đồng. Mỗi nhà máy sản xuất như doanh nghiệp của ông cần phải có từ 2 - 3 máy trở lên. Chi phí cho việc tự sắm máy phát điện tối thiểu phải từ 1 - 1,5 tỉ đồng. Nhưng nguồn điện từ máy phát cũng khó có thể đảm bảo. Và đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì máy phát điện không thể cấp điện lâu dài được. 

"Bất cập ở chỗ là điện bị tạm ngừng cấp thì nhà máy cũng phải tạm đóng cửa, đồng nghĩa với việc công nhân buộc phải tạm nghỉ việc. Không việc làm, không được trả lương, họ bị ảnh hưởng đến nồi cơm ngay", vị Tổng giám đốc nhấn mạnh.

Tương tự, ông Trịnh Ngọc Vân, Giám đốc Công ty TNHH An Quý, doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng vật liệu xây dựng, khẳng định tình trạng mất điện đang khiến doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Hiện các đơn hàng đều bị chậm, hoãn do không thể kịp tiến độ.

Sau nhiều ngày mất điện, cúp điện đột xuất, thiệt hại của doanh nghiệp ước tính lên đến hàng tỉ đồng. Nếu cứ kéo dài tình trạng này, theo ông Vân, doanh nghiệp nguy cơ cao sẽ đóng cửa.

Trước đó, ông Lê Chí Dũng, Giám đốc một doanh nghiệp bao bì tại Km30, quốc lộ 5A thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng cho biết, mấy ngày qua, hoạt động của công ty gần như tê liệt do tình trạng thiếu điện liên tục. "Cả dàn máy móc đang chạy, công nhân đang vào ca tập trung làm việc thì mất điện. Thiệt hại không chỉ ở việc các sản phẩm dở dang phải bỏ đi mà máy móc bị ngắt điện bất ngờ cũng nguy cơ bị hỏng hóc, ngừng hoạt động. Việc sửa chữa máy móc mỗi lần bị hỏng trong hoàn cảnh này có thể lên đến hàng trăm triệu. Sản phẩm đang làm dở chưa thể hoàn thành cũng phải bỏ đi vì không dùng được", ông Dũng nói.

Doanh nghiệp điêu đứng vì cắt điện không được báo trước, công ty điện nói gì? - 2

Công nhân phải ngồi chơi, không thể sản xuất. (Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp)

Ngành điện nói gì?

Liên quan đến phản ánh "cắt điện không báo trước" của nhiều doanh nghiệp trên địa bản huyện Mỹ Hào, trả lời VTC News ngày 7/6, ông Nguyễn Quang Tạo, trưởng phòng Kinh doanh của Điện lực huyện Mỹ Hào lại phủ nhận thông tin và nói: “không có chuyện doanh nghiệp bị cắt điện đột xuất”, nhưng đồng thời ông Tạo lại cho biết “không nắm rõ sự việc”.

Về phía Điện lực Hưng Yên, ông Nguyễn Việt Phương - Chánh Văn phòng Công ty Điện lực Hưng Yên - cho biết: "Tình trạng thiếu điện trên diện rộng đang diễn ra nhiều nơi, ngành điện lực Hưng Yên đã cố gắng để hạn chế tốt nhất những rủi ro, bất cập xảy ra tại địa phương trong đợt nắng nóng kéo dài hiện nay. Tuy nhiên có những vấn đề nằm ngoài dự kiến, có thể đơn vị quản lý trực tiếp không xử lý kịp thời, trong đó có việc thông báo muộn đến các doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Phương, khi xảy ra sự cố kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến an toàn đường truyền tải, đơn vị vận hành phải tạm ngừng cấp điện ngay lập tức. “Việc xử lý này do bộ phận kỹ thuật còn mọi thông báo đến khách hàng lại do bộ phận hành chính sau đó thực hiện. Vì thế, có sự chậm trễ trong khâu thông báo về ngừng cấp điện như doanh nghiệp phản ánh".

Cũng lý giải về tình trạng mất điện tại nhiều khu vực Hà Nội, đại diện truyền thông của Công ty Điện lực Hà Nội cho rằng, hiện tại có những bất cập về phân phối điện. “Trên tổng thể của hệ thống điện lưới, điện lực Hà Nội vẫn đảm bảo phân phối điện ở đều các khu vực. Còn về vấn đề nguồn điện như thế nào, cần phải hỏi tập đoàn. Chúng tôi không nắm rõ”, vị này khẳng định.

Còn nói về việc nhiều khu vực bị cắt điện đột xuất mà không được thông báo, vị đại diện truyền thông của EVN Hà Nội cho biết, khi phát hiện vấn đề đe dọa nguy cơ lưới điện thì đơn vị phụ trách sẽ “cắt cưỡng bức” luôn mà không cần thông báo. “Việc cắt điện tại Hà Nội vẫn đang rất “nóng”. Chúng tôi đang tiếp tục tiến hành kiểm tra và sẽ cập nhật thông tin thêm”, đại diện truyền thông EVN Hà Nội chia sẻ.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn