Tại hội thảo "Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều – cung ít, vì sao?" ông Đinh Quốc Thắng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh, cho biết, nhu cầu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại ngày càng bức thiết do nước ta đang bước vào cơ cấu dân số vàng với 70% dân số trong độ tuổi lao động 15-19 tuổi.
Số liệu chính thức từ Bộ Xây dựng cho thấy, từ nay đến năm 2020, các khu vực đô thị cả nước có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, 1,7 triệu công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở, các đơn vị cần phải xây dựng gần 1 triệu căn hộ.
Theo đại diện Mường Thanh, để phát triển được nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp thì nguồn vốn là rất quan trọng.
"Những năm qua, Chính phủ đã dành một phần vốn, ưu đãi về đất đai để phát triển nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Nhờ đó, nhiều người đã có nhà ở ổn định. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp và người dân rất mong Chính phủ tiếp tục có những cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính, tín dụng, thuế, quỹ đất cho người mua nhà và các đơn vị phát triển loại hình nhà ở này”, ông Thắng nêu đề xuất.
Vừa qua, Tập đoàn Mường Thanh đã tạo dấu ấn trong thực hiện những dự án nhà ở thương mại giá rẻ, góp phần “hồi sinh” nhiều dự án bị “đắp chiếu” suốt nhiều năm. Khu đô thị Thanh Hà là 1 trong những ví dụ điển hình.
Ông Thắng nêu dẫn chứng: “Mặc dù bị gắn mác bất động sản giá rẻ, tuy nhiên khu đô thị Thanh Hà lại sở hữu rất nhiều tiện ích mà khách hàng có thể sử dụng. Ở đây có khu liên hợp thể thao rộng hơn 2 ha bao gồm nhà thi đấu đa năng và bể bơi ngoài trời. Hệ thống kiot dưới chân tòa nhà được phân bổ hợp lý đem lại tiện lợi trong việc mua sắm cho người dân”.
Trong tương lai gần, Tập đoàn Mường Thanh sẽ triển khai xây dựng siêu thị, trong khu đô thị giữa các cụm tòa nhà đều bố trí xây dựng khu sinh hoạt chung, sân chơi cho trẻ em, dụng cụ tập luyện ngoài trời. Ngoài ra, còn có hệ thống giáo dục và Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng với quy mô hơn 200 giường được xây dựng trong khu đô thị.
Trên thực tế, việc cân đối giữa khả năng tài chính có hạn và mong muốn sở hữu nhà cho nhóm cư dân trẻ là bài toán không hề dễ đối với chủ đầu tư. Bởi đặc trưng tích lũy tài chính ban đầu thấp nên họ cần nhà ở có giá phù hợp, chính sách thanh toán tốt.
“Tập đoàn Mường Thanh gỡ nút thắt này với những ưu đãi về tài chính cho khách hàng. Cụ thể, người dân chỉ cần bỏ ra số vốn ban đầu chưa đến 200 triệu đồng đã có thể sở hữu căn hộ. Sau đó, khách hàng sẽ được ngân hàng hỗ trợ vay vốn đến 70% giá trị căn hộ”, ông Thắng cho biết.
Cũng liên quan đến việc phát triển nhà giá rẻ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cũng đưa ra 5 giải pháp.
Thứ nhất, phải thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu vực ngoại thành với nhau và với trung tâm thành phố. Thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và dịch vụ tại các khu vực này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống tại các dự án nhà ở xa trung tâm.
Thứ hai, xây dựng và ban hành chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ và bình dân.
Thứ ba, có chính sách cho người thu nhập thấp được vay tiền mua nhà ở với lãi suất ưu đãi.
Thứ tư, thí điểm mô hình Hợp tác xã nhà ở và quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ.
Thứ năm, thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ cho thuê.
>>> Đọc thêm: Chung cư 500 triệu đồng ở Hà Nội vừa công bố thông tin đã gây sốt
Bình luận