Sáng 12/10, trong buổi đối thoại với chính quyền Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp, đơn vị quản lý các khu công nghiệp kêu còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Thanh, kiểm tra chồng chéo
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp cũng nêu ý kiến về việc thanh tra, kiểm tra quá nhiều. Đối với những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật thì theo họ không có lý do gì để thanh tra, kiểm tra liên tục, hết lần này đến lần khác, từ cấp Trung ương đến thành phố.
“Cấp Trung ương vừa kiểm tra xong, cũng một lĩnh vực, thành phố lại tiếp tục kiểm tra thì thời gian đâu doanh nghiệp tập trung sản xuất, làm ăn?”, đại diện một doanh nghiệp nêu.
Theo doanh nghiệp, thành phố cần có liên hệ với doanh nghiệp, đăng lên trang web của Ban quản lý cho các sở, ban, ngành biết để giãn ra. Nếu mới thanh tra doanh nghiệp A về lĩnh vực này thì không thể thanh tra, kiểm tra ở lĩnh vực khác ngay được.
Về vấn đề này, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, từ Chính phủ đến Đà Nẵng đều nhất quán là hạn chế việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Việc này là để những doanh nghiệp làm chưa tốt sẽ tốt hơn chứ không phải để “hành” doanh nghiệp.
Thành phố cho biết sẽ thực hiện phương châm thanh, kiểm tra “ít nhất, tránh trùng lặp, chồng chéo”, nhưng cần làm từng bước, không thể giải quyết ngay được.
"Thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp làm ăn, đóng góp cho sự phát triển của Đà Nẵng. Đà Nẵng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Hồ Kỳ Minh nói.
Doanh nghiệp phải trả tiền nước 2 lần
Ông Nguyễn Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam-Đà Nẵng nêu hạn chế trong cấp thoát nước tại khu công nghiệp Hoà Khánh mở rộng rất đáng lo.
“Cứ mưa xuống là ngập, ngập hết toàn bộ, suốt mười mấy năm rồi. Chúng tôi đã phản ánh nhưng tình hình vẫn không được cải thiện”, ông Phúc nói.
Tình trạng ngập nước không chỉ trong công ty mà còn ở vị trí cổng khu công nghiệp. Các doanh nghiệp đề nghị chính quyền thành phố, ban quản lý khẩn trương kiểm tra, khắc phục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Nước ngập khiến việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là khi mùa mưa đến.
Không chỉ thoát nước, việc cấp nước cho sản xuất cũng còn bất cập. Dù đã bỏ tiền ra mua nước nhưng Ông Phúc và nhiều doanh nghiệp khác vẫn phải đầu tư thêm tiền để xử lý chất lượng nước một lần nữa.
“Chúng tôi bỏ tiền ra mua nước với chất lượng A nhưng thực tế đơn vị cung cấp có cung cấp nước đúng chất lượng? Không thể để doanh nghiệp phải 2 lần bỏ tiền trả tiền nước như thế”, ông Phúc nói.
Giải đáp thắc mắc này, đại điện đơn vị thoát nước cho biết, tình trạng trên sẽ được khắc phục trong thời gian tới. Việc ngập nước là do cốt nền của khu công nghiệp thấp hơn so với khu vực xung quanh và tuyến đường Nguyễn Lương Bằng. Đơn vị sẽ khắc phục bằng cách cho đấu nối thêm đường ống dẫn dòng để chuyển nước sang đường số 4 của khu công nghiệp.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, việc đấu nối thêm đường ống chỉ là tạm thời. Về lâu dài, thành phố sẽ tiến hành thi công trục đường nối từ Hồ Tùng Mậu đến cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh.
“Tuyến đường này xong, giao thông và thoát nước sẽ được giải quyết triệt để”, ông Minh nói.
Còn về cung cấp nước, ông Phạm Việt Hùng, Trưởng Ban quản lý (BQL) các Khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng ghi nhận ý kiến doanh nghiệp và sẽ làm việc cụ thể với đơn vị cấp nước để xử lý kịp thời.
Tại buổi đối thoại, doanh nghiệp cũng đặt nhiều câu hỏi về việc di dời Khu công nghiệp để chuyển đổi thành khu đô thị theo chỉ đạo của Thủ tướng trong năm 2020.
Ông Phạm Việt Hùng thông tin, Đà Nẵng đã đưa ra lộ trình gồm 3 giai đoạn, hoàn thành năm 2043. “Quan điểm của thành phố là sẽ phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời”, ông Hùng nói.
Bình luận