Theo eMarketer, Đông Nam Á có quy mô bán lẻ trực tuyến 90 tỷ USD vào năm 2022 và dự đoán đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới. Trong số 10 nước có tốc độ tăng trưởng bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới thì có năm nước thuộc Đông Nam Á, đó là Philippines (24%), Indonesia (20%), Malaysia (18%), Thái Lan (16%) và Việt Nam (13%).
Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2022 số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến là 57 triệu và năm 2023 sẽ tăng lên khoảng 59 – 62 triệu, giá trị mua sắm trực tuyến của một người tiêu dùng của hai năm này tương ứng là 288 và 300 – 320 USD. Nhóm hàng thời trang và mỹ phẩm được mua nhiều nhất, tiếp đó là nhóm hàng đồ dùng gia đình.
“Báo cáo chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023” do WWF thực hiện đã chỉ ra: Chất lượng của dịch vụ giao hàng chặng cuối là yếu tố được người tiêu dùng coi trọng khi quyết định mua hàng trực tuyến, đặc biệt là việc giao hàng nhanh và linh hoạt.
“Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn đảm bảo rằng hàng hóa đến tay người mua trong tình trạng hoàn hảo nhất” - trích từ báo cáo của WWF.
“Nếu hàng bị móp méo, gây mất thẩm mỹ, khách hàng sẽ phản hồi không tốt. Nhất là mặt hàng làm đẹp, yêu cầu tính hình thức cao” - chị Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Công ty Mỹ phẩm Long Khánh kiêm chủ spa Hải Âu trên đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết.
Ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - cho rằng doanh nghiệp đang đối mặt với các thách thức, và chính các thách thức này là nguyên nhân của sự gia tăng đáng kể lượng bao bì nhựa.
Theo ông Trọng: “Mô hình đóng gói phức tạp, các doanh nghiệp thường sử dụng nhiều lớp bao bì để bảo vệ sản phẩm, đặc biệt với hàng dễ vỡ. Áp lực giao hàng nhanh, vận chuyển tốc hành khiến việc đóng gói cần đơn giản, nhẹ và rẻ”. Trong khi đó, vật liệu nhựa truyền thống có giá thành thấp hơn nhiều so với các loại vật liệu thân thiện môi trường nên nhiều doanh nghiệp dù muốn giảm nhựa cũng khó vượt qua bài toán kinh doanh có lãi.
Chuyển đổi vật liệu
Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp thương mại điện tử không hành động, hậu quả môi trường sẽ ngày càng trầm trọng, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của chính họ trong mắt người tiêu dùng.
Chị Ngô Thanh Thủy - Giám đốc Công ty Mỹ phẩm - Long Khánh (Hà Nội) là người quan tâm đến lĩnh vực môi trường. Là người kinh doanh cũng nhưngười tiêu dùng chị biết lượng rác nhựa từ mua sắm online khủng khiếp thế nào.
“Một tuýp sữa rửa mặt nếu mua trực tiếp tại quầy sẽ chỉ dùng tối đa một túi nilong hoặc không cần. Nhưng nếu mua online thì một mặt hàng gánh ít nhất 2-3 lớp túi bọc chưa kể băng keo” - chị Thủy nói.
Mặt hàng mỹ phẩm của chị thường đựng trong hộp nhựa hoặc lọ thủy tinh, kích thước không quá một bàn tay người lớn. Tuy nhiên, không thể bọc hàng chỉ với một lớp túi chống sốc.
“Để hàng đến với tay khách mua, phải qua nhiều kho và bốc xếp hàng vận chuyển. Một hai lớp chống sốc cũng không đảm bảo hàng không bị vỡ hay móp méo” - chị Thủy kể.
Mỗi tháng công ty chị nhập ít nhất 2 cuộn xốp nổ chống sốc kích thước rộng 50cm dài 100m, trọng lượng 2,7kg. Đó là chưa tính lượng băng keo.
Khi tham gia chương trình giảm nhựa trong thương mại điện tử, chị Thủy đã áp dụng nhiều cách để giảm bao bì.
“Tôi đưa ra quy trình đóng gói cho nhân viên là dùng giấy ăn bọc vài lớp quanh sản phẩm sau đó dùng 1 lớp chống sốc, băng dính lại là đủ, không cần vòng nhiều lớp. Phần giấy đó, khách hàng có thể tận dụng lau đồ đạc vì nó sạch”.
Công ty của chị cũng chuyển từ bọc hàng bên ngoài bằng túi nilon sang bằng bìa carton cắt ghép vừa đủ với kích thước sản phẩm để không phải dùng xốp, mút lấp phần trống bên trong hộp.
“Khi bọc sẽ thêm chút thời gian, cẩn thận hơn nhưng rõ ràng là đã giảm bao bì nhựa từ túi đựng ngoài đến lớp túi chống sốc” - Phan Thị Thanh, nhân viên bán hàng của công ty - cho biết.
Tận dụng vật liệu tái chế
Thông thường bao bì đóng hàng sẽ dùng một lần và bị bỏ đi. Tỉ lệ tái chế nhỏ và tỉ lệ thu gom dường như phụ thuộc vào những người làm nghề ve chai.
“Bán hàng online rất cần hộp, túi chống sốc. Đó là hai cái cơ bản nhất để gói hàng” - chị Phan Thị Huyền Trang, chủ shop Amizin - (Hà Nội) chia sẻ.
Kinh doanh mặt hàng mẹ và bé, chị có tệp khách hàng ổn định cả mua trực tiếp và online trên sàn Lazada. Chị Trang cho biết, nếu có đơn vị nào thiết kế các túi hoặc hộp giao hàng có thể trả lại và sử dụng nhiều lần sẽ rất tốt. Cở sở kinh doanh của chị sẵn sàng áp dụng chính sách hoàn trả bao bì với khách hàng.
“Với khách mua trực tiếp tôi luôn hỏi có cần túi nilon đựng không. Nhưng với khách online sử dụng nhiều lớp bọc, lót trong đóng hàng là chắc chắn. Tôi nghĩ nếu các túi/ hộp này được đổi trả lại sẽ đỡ phí hơn là vứt vào thùng rác”- chị Trang nói.
Mỗi lần đóng hàng, chị thường sử dụng giấy vụn hoặc bìa carton cũ làm vật liệu chèn thay vì nhựa xốp. Từ tháng 9 năm nay, chị đã vận động chính bạn bè, người thân khi mua hàng online hãy giữ lại hộp và túi chống sốc, mang cho chị tái chế sử dụng lại lần nữa.
“Thật không ngờ, họ đã mang đến cho tôi rất nhiều hộp carton, túi chống sốc đã được sử dụng. Tôi chỉ việc xóa, cắt đi những chỗ không cần thiết và sử dụng lại cho đơn hàng của mình”.
Không thể đo đếm hiệu quả kinh tế trước mắt, nhưng với những doanh nghiệp/ cơ sở kinh doanh đã tham gia cam kết giảm bao bì nhựa đều nhận thấy họ tận dụng tốt hơn vật liệu hiện có, giảm chi phí mua. “Tôi tin rằng, một thay đổi nhỏ của mình cũng giúp giảm rác nhựa ra môi trường” - chị Thanh Thủy (GĐ công ty mỹ phẩm) nhấn mạnh.
Bình luận