• Zalo

Doanh nghiệp 'chết', luật sư thành... bảo mẫu

Kinh tếThứ Tư, 09/05/2012 06:22:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chẳng ai ngờ rằng một anh luật sư danh giá bỗng nhiên biến thành bảo mẫu, một nhân viên chuyển phát nhanh lại thành “xe ôm” chỉ sau một đêm.

(VTC News) – Chẳng ai ngờ rằng một anh luật sư danh giá bỗng nhiên biến thành bảo mẫu, một nhân viên chuyển phát nhanh lại thành “xe ôm” chỉ sau một đêm.


Luật sư thành … bảo mẫu


Gặp gỡ luật sư Phong (Long Biên, Hà Nội) với vẻ ngoài đĩnh đạc, lịch lãm nếu không được nghe tâm sự của anh thì không ai tin rằng người đàn ông thích diện comple đó lại đang làm công việc như một bảo mẫu thực thụ: chỉ ở nhà trông và chăm con thay vợ.

Trong tâm trí của nhiều người cùng khu, anh Phong vẫn là một luật sư với thu nhập hàng tháng lên tới cả chục triệu đồng.

Trên thực tế thì người đàn ông này hiện chỉ đang ở nhà chăm cậu con 4 tuổi và chờ việc.

Chia sẻ với PV VTC News, anh Phong cho biết: “Công việc của tôi bận mải nhất là vào khoảng giữa năm, còn giờ rảnh rỗi lắm, gần như chẳng có việc để làm. Sau một thời gian khá căng thẳng và mệt mỏi với công việc của mình, tôi quyết định xin nghỉ không lương, ở nhà được chừng 4 tháng nay.


Tháng trước, tôi cũng nhận thêm việc tại phòng tư pháp chuyên quán lý rủi ro cho các tập đoàn xây dựng. Tuần chỉ cần đến đó làm một buổi, thu nhập 2 triệu đồng/tháng để phụ thêm với vợ các khoản chi tiêu trong nhà.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, họ gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự dần trong đó có tôi nên giờ tôi chỉ ở nhà trông con, chờ vợ đi làm về”.

Nói về các dự định trong tương lai của mình, anh Phong cho biết: “Giờ bố con tôi đang phải sống dựa vào đồng lương còm cõi của vợ và tiền tích lũy của hai vợ chồng. Nếu cứ thế này thì chẳng cầm cự trên đất thủ đô được bao lâu nên chắc tháng tới, tôi lại “vác” đơn đi xin việc thôi. Bất cứ việc gì, miễn là có tiền. Đợi khi nghề của tôi “phất” trở lại, tôi sẽ lại là luật sư”.

Nhân viên chuyển phát nhanh thành lái xe ôm

Cách nhà anh Phong không xa, tôi gặp anh Phương (quê ở Thái Bình) – người từng là nhân viên của công ty TNHH chuyển phát nhanh Lê Hoàng (trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh).

Ngoài thời gian chạy xe ôm, anh Phương còn phụ vợ nấu ăn, chăm con thơ  

Anh Phương chia sẻ: “Cách đây vài tháng, tôi còn là nhân viên của công ty này thì họ trả tôi từ 2,5 – 4 triệu đồng/tháng, tùy khối lượng công việc tôi nhận. Nhưng dần dần, họ làm ăn khó khăn, rồi họ chẳng trả lương cho những người như tôi nữa.


Thay vào đó, mỗi lần họ cần người chuyển phát nhanh bưu phẩm, họ trả vài chục nghìn/bưu phẩm như kiểu làm thuê theo giờ khiến thu nhập của tôi bập bõm, không đủ tiền trang trải cuộc sống, nhất là nuôi vợ và con thơ”.

Trải lòng về những khó khăn trong cuộc sống, anh Phương cho biết, để hai vợ chồng và cậu con trai kháu khỉnh chưa đầy 1 năm tuổi trụ được trên đất Hà Nội đắt đỏ này, anh đã phải làm đủ nghề.

“Từ chạy xe ôm đến bạc mặt ra, bất kể ngày đêm sáng tối, tới mò cua, bắt ốc để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, hay đi buôn, đi bán hàng rong …tôi chẳng nề hà gì, miễn là kiếm được ra tiền”, anh Phương cho biết.

Chiếc "cần câu cơm" của vợ chồng anh Phương 

Trao đổi với PV VTC News, anh Phương cho hay, vợ chồng anh đang ấp ủ kế hoạch buôn quần áo hè. “Nhưng để làm được, cần phải có vốn lớn, rồi phải có mối lấy hàng giá rẻ nữa, chưa kể tới địa điểm bán hàng. Hiện tại, vợ chồng tôi đang phải sống dựa vào chút tiền mừng cưới ít ỏi còn sót lại thì chưa  nói mạnh được. Tôi cứ chạy loăng quăng đôi ba việc, kiếm tiền sống qua ngày đã, rồi tính tiếp”, anh Phương cười xòa nói.


Thất nghiệp, ở nhà làm thầy cúng, osin cho vợ

Từng theo học đại học ở Hà Nội, nhưng khi sự nghiệp đèn sách dang dở ở cái tuổi 22, anh Hùng (hiện 37 tuổi) chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ rẽ sang một trang khác như bây giờ. Có thể nói, ngày rời ghế nhà trường là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời anh.

Sau nhiều lần mang hồ sơ đi xin việc rồi lại thất vọng tràn trề mang về hoặc không có hồi âm từ phía nhà tuyển dụng, anh Hùng quyết định ở nhà phụ vợ gội đầu cho khách. Tại cửa hàng cắt tóc – gội đầu của vợ chồng anh ở Long Biên, Hà nội  vào những ngày đông khách, không ai phân biệt được đâu là thợ chính, đâu là thợ phụ dù chỉ có 2 vợ chồng anh làm.

Đương nhiên, vợ anh là người được trải qua các khóa đào tạo bài bản, còn anh thì chưa một lần, nhưng trăm hay không bằng tay quen.

Theo chia sẻ của chị Phương - vợ anh, ngoài việc phụ vợ gội đầu cho khách, anh Hùng còn làm thêm rất nhiều việc khác nữa.


“Chẳng hạn, đầu năm anh theo người ta đi lễ, mỗi lần kiếm được khoảng 400.000 – 500.000 đồng, có những lần kiếm được hơn 2 triệu đồng. Hiện tại, khi “mùa lễ” qua đi, thỉnh thoảng anh lại nhận sửa chữa các đồ điện tử, điện lạnh, “bòn” từ vài chục nghìn đồng một.

Được cái chồng tôi chăm chỉ, chịu khó chịu khổ được và rất thương vợ, nên dù công việc của anh chưa ổn định, cuộc sống gia đình tôi cũng không đến mức khó khăn quá”, chị Phương nói.

Khi được hỏi về những dự định trong tương lai của mình, anh Hùng chỉ cười xuề và nói: “Biết làm gì trong thời buổi khó khăn như hiện nay?”.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Bài và ảnh: Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn