Từ hình ảnh xanh mướt của cây lá
Người ta thường nói: “Một nửa sự thật không phải là sự thật”. Câu nói đó dường như “ám” vào câu chuyện mà PV báo điện tử VTC News và một số báo khác đã tận mắt chứng kiến hôm 5/8 tại xã Xích Thổ (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).
Chuyện là, ở đây có một nhà máy xử lý phế thải cao su thành nhiên liệu (dầu) của Công ty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long. Công ty này của một ông chủ quê ở Ninh Bình.
Nhà máy này được triển khai từ tháng 10/2013 và đến đầu năm 2015 thì đi vào sản xuất. Về công nghệ xử lý phế thải cao su (chủ yếu là lốp xe thải loại) thành dầu có thể mường tượng ngắn gọn như sau: Lốp cao su đã qua sử dụng được nhiệt phân trong lò quay kín không có oxy và gia nhiệt gián tiếp bằng củi và khí gas. Hệ thống xử lý khói (chỉ có khói củi và khí gas) được thực hiện bằng tháp hấp thụ trước khi thải ra môi trường. Cuối cùng, sản phẩm thu được là dầu FO-R và than bột và tanh thép.
Hay nói ngắn gọn hơn nữa, lốp cao su không phải bị đốt cháy mà là nhờ quá trình nhiệt phân. Bởi, nếu đốt cháy thì thành tro hết và tạo ra khói khét mù. Còn ở đây, cao su được nhiệt phân, không bị đốt cháy, không tạo thành khói.
Thế mà, đùng một cái, có vài bài báo trên mạng phản ánh làm dư luận hoang mang, nào là khói mù mịt, khét lẹt; cây cối bị héo úa, dân phải bỏ trồng ngô; rồi đi xa hàng cây số vẫn ngửi thấy mùi khét; rồi nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng…
Sự thực thì thế nào?
Theo đúng lịch hẹn, PV của một số báo đài đã có mặt vào sáng 5/8 để đi thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng. Bởi nếu đúng như phản ánh thì nghiêm trọng quá, nhất là khi mà vấn đề môi trường đang được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm thời gian qua.
Trong số PV hôm đó có cả nhóm PV đã thực hiện bài viết với những nội dung như trên.
Trước khi đến tìm hiểu, thú thực, bản thân PV VTC News cũng mường tượng rằng, nhà máy này nằm gần khu dân cư như nhiều nhà máy khác, rồi khói bụi mù mịt, máy móc chạy rầm rào, cây cối xung quanh kiểu gì chả bị héo úa, tàn lụi; rồi khi thấy PV đến, bà con sẽ kéo ra để “tố”, để đòi quyền lợi, thậm chí đòi nhà máy phải đóng cửa…
Thực tế lại hoàn toàn không phải vậy. Con đường dẫn từ cánh đồng đến nhà máy được bê tông hóa rất khang trang; chiếc đò cũ đưa dân đi làm đồng qua con sông Bôi giờ đã được nhà máy thay thế bằng phà máy và phục vụ dân miễn phí. Nhà máy bạt núi làm con đường khang trang dẫn lên Thung Chúa – một thung lũng nằm giữa bốn bề là núi, cách xa hẳn khu dân cư. Con đường dẫn lên ngập tràn hoa nở.
Điều đầu tiên tôi quan sát thấy và cũng là hình ảnh đầu tiên tôi ghi lại trong khuôn viên nhà máy chính là: Xung quanh cây cối tốt tươi, xanh rì và không hề nhìn thấy khói bụi bám vào lá, vào thân cây.
Tôi hỏi về điều này thì được một đồng nghiệp đi cùng nói rằng: “Cũng chưa bao giờ thấy cảnh này ở một nhà máy sản xuất”. Lia ống kính một vòng quanh các ngọn núi sát khu trung tâm sản xuất, tôi đều ghi nhận được những hình ảnh như vậy. Thậm chí, dãy cây trồng chỉ cách lò quay vài mét, hoặc cạnh ống khói vẫn thấy xanh mướt, không hề có bụi bám.
Điều đó làm chủ quan tôi tin rằng, việc ô nhiễm môi trường khó có thể xảy ra ở đây được. Và đến khi tôi tiếp cận được với hồ sơ mang tính pháp lý thì cảm nhận của tôi đã được khẳng định hoàn toàn đúng.
Trước khi triển khai, mọi thủ tục của nhà máy đã được các cấp thẩm tra và phê duyệt. Người dân trong vùng đã được dự họp và thống nhất cao độ. Công nghệ của dự án đã được Bộ KH&CN đánh giá tốt và đạt các tiêu chuẩn hiện hành.
Đầu tháng 3/2016, bản thân Công ty đã chủ động làm văn bản đề nghị UBND huyện Nho Quan kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất và công tác bảo vệ môi trường của nhà máy. UBND huyện Nho Quan cũng chủ động mời Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49 Bộ Công an) vào cuộc nắm tình hình, lấy mẫu phân tích và cho kết quả rất cụ thể về mẫu khí thải công nghiệp; mẫu không khí xung quanh, tất cả đều đảm bảo theo quy định. Và cứ 3 tháng một lần, Công ty thực hiện quan trắc môi trường…
Cuộc “họp báo” nóng hầm hập
Thực ra, buổi làm việc giữa lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, UBND huyện Nho Quan và xã Xích Thổ hôm 5/8 không phải là buổi họp báo. Nhưng những thông tin tại cuộc họp, với sự tham gia của nhiều nhà báo, PV đã làm cho không khí “nóng” hơn so với thời tiết đang hầm hập giữa hè.
Ông Bùi Đắc Dương (Bí thư Đảng ủy xã Xích Thổ) đi thẳng vào vấn đề: “Tôi xin báo cáo thật, từ hôm có mấy bài báo phản ánh tình hình ô nhiễm tại nhà máy xử lý phế thải cao su, đảng viên và nhân dân trong xã rất bức xúc; nhất là con em ở xa quê, nhắn tin, gọi điện về, chất vấn và bày tỏ sự lo ngại. Qua kiểm tra, tôi xin nói thẳng luôn: Các bài báo đã phản ánh 3 vấn đề lớn, mấu chốt, không đúng sự thật”.
Theo ông Dương, 3 vấn đề đó là: Danh tính một số người dân được nhắc đến trong bài báo là không đúng; hình ảnh người dân phải đeo khẩu trang khi đi làm, đi học, đi ăn cỗ là không đúng; không có chuyện người dân bỏ sản xuất vì ô nhiễm.
Bà Hoàng Thị Diên (Bí thư chi bộ thôn Liên Minh, nơi xây dựng nhà máy) nói: “Bài báo phản ánh bà con phải đeo khẩu trang khi xem tivi, hay lúc ăn là sai. Hình ảnh cây ngô mà bài báo nói đến là bà con bỏ sản xuất là hoàn toàn sai. Đây là khu vực phân lũ, chậm lũ, chỉ sản xuất được một vụ Chiêm, còn vụ Mùa không thể sản xuất, từ ngày có nhà máy, năng suất cao hơn nhiều so với trước đây”.
Ông Trần Quốc Trịnh (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Quyết Thắng) kể: “Có một thực tế thế này: Trước đây, nhãn của bà con trồng gần khu nhà máy không có quả. Nhưng không hiểu sao, từ khi nhà máy hoạt động, nhãn lại rất sai quả. Mấy hôm nay, cả thôn chúng tôi đang tập trung giải quyết hậu quả của cơn bão số 2 do dự báo sai, công việc rất bận. Nay phải ngồi đây để bàn về việc này, chúng tôi rất buồn, rất bực. Bài báo đưa thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân chúng tôi…”.
Không có chuyện nhà máy gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trịnh Xuân Ba (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình)
Ông Đinh Thanh Lam (Giám đốc Cty TNHH MTV Công nghiệp Hạ Long) nói trong bức xúc: “Từ tháng 10/2013, trước khi thực hiện đầu tư nhà máy tại địa bàn xã Xích Thổ, đã có một số đối tượng xấu thực hiện gửi thư nặc danh đến lãnh đạo huyện, xã và các thôn nhằm bôi xấu uy tín công ty, nay lại xảy ra sự việc này, ảnh hưởng rất lớn đến công ty”.
“Chúng tôi sẽ làm văn bản báo cáo và đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xác minh, điều tra làm rõ động cơ, mục đích của một số đối tượng trước đây và tại thời điểm hiện nay đã có những hành vi vu khống, bôi nhọ uy tín, gây mất an ninh trật tự tại địa phương, gây hoang mang tinh thần làm việc của CBCNV và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất của Công ty”, ông Lam khẳng định.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đinh Văn Tiên (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan) nói: “Tôi vừa tiếp xúc cử tri, không hề nhận được ý kiến nào phản ánh về nhà máy này. Chúng tôi cũng đã lập đoàn kiểm tra, rồi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con nhưng không thấy có ý kiến nào phản đối nhà máy. Bởi thực tế, nhà máy đang hoạt động tốt, đảm bảo môi trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu là người địa phương; nộp ngân sách hàng tỷ đồng; công ty hỗ trợ làm đường sá, công trình công cộng, chia sẻ khó khăn với bà con. Tôi thấy hiếm có dự án nào mà người dân lại đồng thuận cao như vậy”.
Ông Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cũng bày tỏ sự nghi ngờ có bàn tay của ai đó gây cản trở sự phát triển của địa phương, vì có một số đơn nặc danh ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai, nhưng nội dung lại sai hoàn toàn. “Chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở TT-TT tỉnh Ninh Bình báo cáo lên cấp trên để xử lý nghiêm, trả lại sự công bằng cho địa phương và tạo sự gắn bó giữa địa phương và doanh nghiệp", ông Chủ tịch UBND huyện Nho Quan nói.
Cũng theo ông Đinh Văn Tiên, điều quan trọng là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung sản xuất, bà con có công ăn việc làm, người dân địa phương cũng yên tâm làm ăn trong một môi trường trong lành, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…
Bình luận