Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng Giám đốc công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng), mới đây đã gửi thư kêu cứu về tình trạng công ty ông đang vấp phải “rừng” thủ tục hành chính, nhiều năm chưa được giải quyết.
Trong thư ngỏ ông nêu lên 10 sự việc mà ông đang vướng phải, và dưới đây chỉ là 3 trong số 10 sự việc.
Đó là dự án nuôi tôm công nghệ cao của UBND huyện Cát Hải tại xã Phù Long, doanh nghiệp của ông đã bỏ ra 170 tỷ đồng từ năm 2008 để đầu tư, nhưng phải mất 10 năm vật lộn với bao nhiêu thủ tục, đến ngày 03/8/2018 mới được cấp sổ đỏ.
Năm 2004, Hải Phòng cho phép công ty TNHH Sơn Trường thuê đất để xây dựng nhà máy bê tông đúc sẵn tại phường Quán Toan. Đến ngày 2015, doanh nghiệp mới nhận được bìa đỏ. Nhưng chỉ sau đó 8 tháng, dự án đã bị hủy bỏ bởi quy hoạch của thành phố “đã thay đổi”.
Doanh nghiệp này muốn tặng huyện An Dương (Hải Phòng) một cây cầu. Doanh nghiệp đã đề nghị UBND huyện sớm làm thủ tục thiết kế và cấp giấy phép xây dựng, nhưng đã gần 2 năm mà UBND huyện chưa làm xong các thủ tục cần thiết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Hải Phòng, “cuộc chơi” trên thị trường bất động sản hiện không thực sự sòng phẳng. Tại nhiều nước, khi có đất sạch, nếu chỉ có một nhà đầu tư quan tâm thì không phải đấu thầu, còn nếu phải đấu thầu thì mọi việc cũng rất rõ ràng, doanh nghiệp không phải đi xin ai cả…
“Trong khi đó, không ít nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam hiện nay có cảm giác cái gì cũng phải đi xin, tất tần tật phải xin. Theo tôi, làm sao phải loại bỏ được tình trạng này”, ông Thành nói.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GPInvest, cho rằng các doanh nghiệp như GP Invest đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý. Điều mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội là sửa đổi luật pháp, làm thế nào để không ảnh hưởng tới thay đổi các chính sách khác.
Lấy ví dụ về những thay đổi trong chính sách, ông Hiệp chia sẻ, do khái niệm trong Luật Đất đai năm 2014 thay đổi nên việc cấp đất cho chủ đầu tư thay đổi 180 độ và dẫn đến có những dự án làm xong thủ tục rồi lại phải làm lại từ đầu. Chưa bao giờ thủ tục cấp chứng nhận đầu tư lại bị kéo dài tới 3 năm như dự án của doanh nghiệp ông. “Như vậy thì lấy đâu ra hàng hóa”, ông Hiệp đặt vấn đề.
Thị trường dường như đang đứng trước bước ngoặt vì sự thay đổi trong quan điểm của cơ quan phê duyệt dự án bất động sản. Trước hết là Luật Đất đai năm 2014 có sửa đổi và đưa vào những khái niệm không dựa trên quy định của các luật khác. Trong khi đó, chính Luật Đất đai đang chi phối mạnh nhất đến các dự án.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hiệp, Luật Xây dựng chỉ can thiệp vào giai đoạn xây dựng dự án, còn giai đoạn triển khai thì phải do Luật Đầu tư điều chỉnh. Số lượng các dự án bất động sản được phê duyệt từ đầu năm đến nay rất ít, thủ tục hành chính như một mớ bòng bong, khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động khó khăn.
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng cho biết: “Có thời kỳ Hà Nội, TP.HCM “ngập” trong dự án, nhưng thời điểm này thì ngược lại vì rất thiếu nguồn cung. Tại Hà Nội, nguồn cung giảm tới 25% và TP.HCM giảm 50% so với cùng kỳ đầu năm 2018.
Điều đó dẫn đến giá chung cư tại TP.HCM tăng nhanh và có dấu hiệu đầu cơ ôm đất. Luật Đất đai đã lùi thời hạn sửa đổi, Luật Xây dựng đang thẩm định và một số luật khác tốc độ triển khai rất chậm. Một số thông tư lại gây khó khăn cho nhà đầu tư, điển hình là Thông tư 20 của Bộ Tài chính”.
Bình luận