Nhiều doanh nghiệp lữ hành khẳng định, hoàn toàn đồng tình với việc mở cửa sớm du lịch quốc tế, bởi từ tháng 7 đến cuối năm là cao điểm đón du khách quốc tế vào Việt Nam.
Cần mở cửa sớm
"7.800 doanh nghiệp sẵn sàng đón khách", đó là khẳng định của ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Theo ông Bình, việc khôi phục kinh tế trong đại dịch là việc sống còn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đồng tình với ý kiến trên.
Chia sẻ với VTC News, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông lữ hành Saigontourist cho biết, sau hai năm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến khách nước ngoài bằng không, khách du lịch nội địa cũng giảm hơn 60%, đơn vị đã phải giảm hơn 200 nhân sự, thu nhập cũng phải giảm hơn 50%.
“Không phải đến tận bây giờ mà ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu ổn định, Saigontourist đã kết nối, báo giá với đối tác và khách nước ngoài. Có quyết định sớm ngày nào thì ngành du lịch mừng ngày đó, đó là niềm vui chung của ngành du lịch chứ không phải của riêng đơn vị nào”, bà Trà nói.
Cũng theo bà Trà, dù xác định 30/4-1/5 là cao điểm đón khách trong nước nhưng doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án đón đầu khách quốc tế.
“Không phải khi chúng ta mở cửa là du khách quốc tế đến luôn mà còn phụ thuộc vào yếu tố dịch bệnh ở các nước và cả nguồn khách. Khách quốc tế đi du lịch cũng phải có mùa chứ không phải quanh năm. Do đó, ngay khi chúng ta có chính sách mở cửa, chúng tôi thực hiện chiến dịch truyền thông để đón đầu cho xu hướng đón khách quốc tế vào thời điểm cuối năm 2022”, bà Trà cho biết thêm.
Đồng tình và sẵn sàng đón khách quốc tế, song nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, thời điểm 30/4 là hợp lý.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lữ hành Fiditour nhận xét, thời điểm mở cửa đón khách quốc tế vào 1/5 là phù hợp. "Tuy nhiên, nếu chính sách mở cửa sớm hơn thì sẽ tốt hơn về mặt truyền thông, quảng bá và chúng ta cũng có thời gian chuẩn bị các chính sách phù hợp hơn cả về chiến lược, chính sách giá, ưu đãi cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh”, ông Dũng nói.
“Tôi cho rằng, hiện nay người dân đã cơ bản được tiêm phòng mũi 2, mũi 3, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nên việc mở cửa ngành du lịch để phục vụ du khách trong nước và nhất là quốc tế rất cần thiết. Chúng tôi rất mừng vì Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch triển khai kế hoạch mở cửa đón du khách quốc tế để không bị chậm so với các nước trong khu vực. Nếu mở cửa chậm quá thì chúng ta sẽ mất đi rất nhiều cơ hội, nhất là việc quảng bá du lịch Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Trung, Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đã dần khôi phục lại hoạt động truyền thông, quảng bá, kết nối với các đối tác nước ngoài để xây dựng chiến lược đón khách vào Việt Nam và sẵn sàng đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
“Nếu không triển khai sớm thì chắc chắn nguồn lực lao động trong ngành du lịch sẽ mất cơ hội và họ sẽ chuyển sang ngành nghề khác để mưu sinh. Do vậy, việc mở cửa du lịch càng sớm càng tốt để không chỉ khôi phục lại ngành du lịch, mà còn góp phần phục hồi các ngành kinh tế khác”, ông Trung nói.
Tuy vậy, theo chuyên gia, nên bãi bỏ những quy định không phù hợp để doanh nghiệp phục hồi sớm nhất.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch - phân tích, vấn đề khó nhất là quy định về đi lại. Có tỉnh yêu cầu xét nghiệm, có tỉnh không, rồi yêu cầu cách ly hay không cách ly…
Ngoài ra, hiện nay có nhiều điều kiện hạn chế khiến cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan ban ngành. "Chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp, cần xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất", ông Kiên nói.
Hàng không sẵn sàng đón du khách quốc tế
Chia sẻ với VTC News ngày 25/1, đại diện Vietnam Airlines cho biết ngay khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương mở lại khai thác các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 1/1, Vietnam Airlines đã lập tức triển khai khai thác lại các đường bay quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.
“Các đường bay quốc tế chiếm tới hơn 60% doanh thu của Vietnam Airlines. Khách du lịch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số hành khách của Vietnam Airlines. Việc chưa mở cửa thị trường du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế đến, sẽ tiếp tục gia tăng khó khăn, áp lực cân đối dòng tiền, cản trở tiến trình phục hồi cũng như nắm bắt cơ hội phát triển của hàng không”, đại diện Vietnam Airlines nói.
Vẫn theo Vietnam Airlines, Chính phủ Việt Nam hiện đã cho phép người Việt Nam có hộ chiếu được về nước, tuy nhiên đối tượng khách nước ngoài vào Việt Nam trên chuyến bay thường lệ vẫn bị giới hạn mục đích, hiện chỉ chấp nhận các mục đích kinh doanh, công vụ, làm việc. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn phải đi theo chương trình đón khách du lịch Quốc tế “thí điểm”, yêu cầu khách phải đến các điểm du lịch bằng các chuyến bay thẳng, theo những chương trình cố định, du khách ít có lựa chọn về thời gian, chương trình và phương tiện du lịch khiến chương trình thí điểm chưa thực sự hấp dẫn, thu hút được khách du lịch.
Thêm nữa, chính sách miễn VISA cho khách du lịch quốc tế bị tạm dừng từ tháng 3/2020 đến nay (trừ Phú Quốc) dẫn đến Việt Nam khó cạnh tranh với một số điểm đến lân cận đã mở cửa đón khách du lịch Quốc tế như Thái Lan (chương trình Test & Go hay Sand Box), Singapore (Vaccinated Travel Lane)…
“Để Việt Nam thu hút được khách du lịch, tăng khả năng cạnh tranh về điểm đến, Vietnam Airlines kiến nghị xem xét gỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay và xem xét gỡ bỏ yêu cầu hành khách test nhanh tại sân bay đối với các hành khách đủ điều kiện nêu trên”, đại diện Vietnam Airlines nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, nhấn mạnh: “Toàn hệ thống Bamboo Airways luôn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch khai thác các chuyến bay quốc tế cũng như hạ tầng trang thiết bị và chất lượng dịch vụ chuẩn mực cao nhất, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh có diễn biến phức tạp”.
Việt Nam đã đón hơn 8.500 khách có hộ chiếu vaccine
Báo cáo về kết quả triển khai Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada…Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Về doanh nghiệp đăng ký tham gia đón khách, đến nay đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú du lịch; 28 khu, điểm tham quan vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương đã đăng ký và được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.
Bình luận