• Zalo

Đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn do dư chấn

Tin nóngChủ Nhật, 12/02/2023 10:10:35 +07:00Google News
(VTC News) -

Lúc 1h ngày 12/2 (giờ địa phương) công tác cứu nạn, cứu hộ của cảnh sát Việt Nam phải tạm dừng do có dư chấn động đất.

Cảnh sát Việt Nam lật bê tông, cắt thép để cứu nạn nhân bị vùi lấp ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thông tin từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) cho biết, công tác cứu nạn, cứu hộ của cảnh sát Việt Nam dự kiến sẽ thực hiện xuyên đêm.

Tuy nhiên, đến 1h ngày 12/2 (giờ địa phương) phải tạm dừng do có dư chấn động đất. Công việc sẽ được tiếp diễn vào sáng sớm 12/2.

Chia sẻ tại hiện trường, Trung tá Đào Duy Thương - Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và ứng phó về công tác PCCC&CNCH (Cục Cảnh sát PCCC&CNCH) cho biết, qua ti vi, báo chí, internet… mọi người ít nhiều cũng đã biết về mức độ nghiêm trọng của trận động đất. Nhưng khi tới hiện trường, toàn bộ thành phố bị sập xuống như vừa trải qua một trận chiến khốc liệt.

Theo Trung tá Đào Duy Thương, đoàn công tác phải di chuyển quãng đường rất xa (2 chặng bay và hơn 300km đường bộ), vận chuyển 10 tấn vật tư, thiết bị ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, nhiệt độ rất thấp ở nước bạn cũng là những thử thách mà các cán bộ, chiến sĩ chưa từng gặp phải.

"Người dân và lực lượng chức năng của nước bạn đánh giá cao sự giúp sức của chúng ta. Họ nhiệt tình giúp đỡ, phối hợp, tạo mọi điều kiện có thể cho chúng ta thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên do khác biệt về ngôn ngữ - tiếng Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức, nhiều khi phải dịch qua, dịch lại qua ngôn ngữ trung gian", Trung tá Đào Duy Thương nói.

Đoàn cứu hộ cứu nạn của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn do dư chấn - 1

Cảnh sát Việt Nam cùng lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ xuyên đêm. (Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH).

Thông tin về những kết quả ban đầu, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần - Phó Trưởng khoa Cứu nạn cứu hộ, Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy, nhấn mạnh, đoàn công tác đang chạy đua với thời gian để thu được những kết quả tốt nhất.

"Chúng tôi đã tiếp cận rất gần đến người bị nạn rồi, chỉ còn một chút xíu nữa thôi, người bị nạn sẽ được đưa ra ngoài để về với người thân của họ", Thiếu tá Nguyễn Văn Cần nói.

Theo sự sắp xếp của Cơ quan Ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD), lực lượng cứu hộ Việt Nam được giao tìm kiếm tại đống đổ nát của một tòa nhà trên Đường 531, Adıyaman Merkez, Adıyaman - địa điểm được cho là đã vùi lấp 15 người dân.

Trước đó ngày 9/2, Bộ Công an đã tổ chức lễ xuất quân đội cứu nạn, cứu hộ lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm họa thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ Việt Nam, phối hợp cùng nhiều quốc gia như El Salvador, Hàn Quốc, Algieria, Nga, Iraq, Mexico...

Bộ Công an đã lựa chọn những chiến sỹ, sỹ quan tinh nhuệ nhất, khỏe nhất, được đào tạo cơ bản, đã tham gia nhiều khóa tập luyện tại nước ngoài, sẵn sàng làm hết sức mình khi tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ”, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi lễ xuất quân.

Hơn 4h ngày 6/2, một trận động đất mạnh 7,8 độ đã xảy ra tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria, với tâm chấn nằm cách thành phố Gaziantep hơn 30 km về phía tây.

Theo số liệu cập nhật từ cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng tại hai nước hiện đã vượt qua con số 28.000 người. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, có tổng cộng gần 26 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Hiện hơn 166.000 nhân viên cứu hộ đang có mặt ở hiện trường. 92.700 người đã được Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán khỏi các khu vực bị động đất tàn phá.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn