Ngày 19/1, làng bóng đá “sốt nóng” sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn FLC – đơn vị tài trợ câu lạc bộ FLC Thanh Hóa tuyên bố sẽ rút khỏi V-League nếu VFF không giảm án cho tiền đạo Omar.
Tuyên bố của ông Trịnh Văn Quyết, người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận. Dù vậy, cổ phiếu FLC và ROS của công ty cổ phần xây dựng Faros – công ty con của FLC vẫn tăng khá mạnh, giúp ông Quyết kiếm được 290 tỷ đồng chỉ trong phiên giao dịch ngày 20/1.
Chốt phiên giao dịch ngày cúng ông Công, ông Táo, cổ phiếu FLC tăng 3 đồng/CP lên 4.990 đồng/CP, cổ phiếu ROS tăng 1.000 đồng/CP lên 126.500 đồng/CP.
FLC giúp giá trị cổ phiếu FLC do ông Quyết nắm giữ tăng 345 triệu đồng lên 570 tỷ đồng. Trong khi đó, nhờ cổ phiếu ROS, giá trị cổ phiếu ROS thuộc sở hữu của ông Quyết tăng 290 tỷ đồng lên 36.629 tỷ đồng.
Như vậy, sau phiên giao dịch 20/1, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Quyết tăng hơn 290 tỷ đồng lên 37.199 tỷ đồng (tương đương 1,65 tỷ USD). Ông Quyết vẫn vững vàng ở vị trí tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
ROS tăng mạnh, không chỉ ông Quyết là người được hưởng lợi lớn. Bà Lê Thị Ngọc Diệp, vợ ông Quyết chứng kiến khối tài sản trên thị trường chứng khoán của mình tăng 20 tỷ đồng lên 2.530 tỷ đồng. Bà Diệp vẫn đã lọt vào Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà Diệp dành vị trí thứ 10 từ tay ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH). Ngày 20/1, dù cổ phiếu TCH tăng trần nhưng cũng không đủ sức giúp ông Hạ lấy lại vị trí thứ 10 từ tay bà Diệp.
Hiện tại, ông Đỗ Hữu Hạ sở hữu khối tài sản trị giá 2.380 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, cơ hội lọt vào Top 10 một lần nữa của ông Hạ không phải không có.
Bên cạnh ROS, FLC, cổ phiếu BHN của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) là một trong những mã được chú ý nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong những ngày này.
Cụ thể, ngày 19/1 được xem là ngày quan trọng của nhiều nhà đầu tư chứng khoán khi cổ phiếu BHN chuyển từ UpCom lên niêm yết ở Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Trong phiên chào sàn Hose, BHN gây ấn tượng khi bứt phá. Chốt phiên 19/1, BHN tăng 7.400 đồng/CP lên 135.000 đồng/CP.
Do BHN đuối sức về cuối phiên 19/1 nên những người cầm cổ phiếu BHN rất lo lắng cho khoản đầu tư của mình trong phiên 20/1. Mặc cho nhà đầu tư lo lắng, ngày 20/1, BHN vẫn tăng mạnh, tăng 4.000 đồng/CP lên 139.000 đồng/CP.
Đà tăng này của BHN giúp vốn hóa thị trường Habeco tăng 927 tỷ đồng lên 32.220 tỷ đồng. Vốn hóa thị trường của cả Habeco vẫn không bằng tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết.
Trong những ngày này, cùng với BHN, cổ phiếu VNM của Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk) và SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đóng vai trò trụ đỡ của thị trường, giúp chỉ số VN-Index đi lên.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch cuối tuần này, SAB không giữ được phong độ. Dù đầu phiên tăng đáng kể, cuối phiên, SAB vẫn dừng ở mức giá tham chiếu 223.800 đồng/CP. Điều đó có nghĩa, vốn hóa thị trường Sabeco không đổi, ở mức 143.519 tỷ đồng.
Trong khi đó, VNM vẫn duy trì được đà đi lên. Chốt phiên giao dịch 20/1, VNM dừng ở mức 127.000 đồng/CP sau khi tăng 1.000 đồng/CP. Nhờ đà tăng này của VNM, vốn hóa thị trường Vinamilk tăng 1.451 tỷ đồng lên 184.331 tỷ đồng.
Hôm qua, GAS cũng là một trong những mã nâng đỡ thị trường khi tăng 700 đồng/CP lên 58.100 đồng/CP. Cổ phiếu GAS giúp vốn hóa thị trường Tổng Công ty Khí Việt Nam có thêm 1.339 tỷ đồng. GAS cũng nằm trong danh sách các cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Bình luận