Mới đây, Phi Thanh Vân và Dương Yến Ngọc đã quyết định đi thi Hoa hậu. Dương Yến Ngọc thi Hoa hậu Quý bà Hòa bình Thế giới còn "nữ hoàng dao kéo" thi Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt.
Điều đáng nói, cả hai người đẹp trên từng công khai phẫu thuật thẩm mỹ, cuộc sống riêng của họ cũng rất ồn ào. Thế nhưng, việc họ tham gia vào một cuộc thi nhan sắc, lại chẳng khiến ai bất ngờ bởi đây đang là cái thời mà "người người đi thi Hoa hậu" và "ai ai cũng có thể trở thành Hoa hậu".
Hoa hậu - nghề dễ kiếm tiền
Hoa hậu không chỉ là danh xưng, mà là cơ hội đổi đời của rất nhiều người đẹp. Câu chuyện Lọ Lem biến thành công chúa chỉ sau 1 đêm là có thực đối với những cô gái đăng quang trong các cuộc thi nhan sắc.
Một chuyên gia từng có gần 20 năm kinh nghiệm trong việc đào tạo các thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp từng khẳng định, một Hoa hậu sau khi đăng quang, một năm có thể dễ dàng kiếm từ 3 - 5 tỷ đồng. Chỉ cần xuất hiện vài ba chục phút tại một sự kiện, các Hoa hậu có thể bỏ túi từ 1.000 - 2.000 USD (tương đương 22 đến 45 triệu đồng), tức là hơn cả một tháng lương của người lao động bình thường rất nhiều.
Tuy nhiên, việc các người đẹp có cuộc sống đổi đời sau khi đăng quang Hoa hậu là điều dễ hiểu và không có gì đáng phải phàn nàn. Chỉ có điều, các cuộc thi sắc đẹp đã đánh mất đi mục đích ban đầu.
Ban tổ chức các cuộc thi nhan sắc luôn khẳng định, mục đích của họ là vinh danh cái đẹp. Người đăng quang sẽ phải thực hiện các công tác như "nâng cao ý thức cộng đồng" về một vấn đề nào đó, hoặc sẽ có những hành động cụ thể giúp đỡ mọi người xung quanh. Điều này không chỉ được ghi trong tiêu chí các cuộc thi mà ngay trong vòng thi vấn đáp, các giám khảo cũng đưa ra những câu hỏi xung quanh vấn đề đó để thử thách các người đẹp, xem họ có xứng đáng đội vương miện.
Lẽ dĩ nhiên, các thí sinh khi dự thi cũng sẽ cam kết thực hiện những yêu cầu của ban tổ chức. Họ hăng hái khẳng định, nếu đăng quang sẽ dùng ảnh hưởng của mình để tạo ra những thay đổi tích cực trong cộng đồng. Họ tự tin nói điều đó trước sự chứng kiến của ban giám khảo và hàng triệu người với sự hăng say và tràn đầy nhiệt huyết.
Thế nhưng, sự thực thì sao? Sau khi đăng quang, phần lớn các Hoa hậu đều quên ngay nhiệt huyết đó. Đêm trước đón nhận vương miện, hôm sau họ ngay lập tức xuất hiện tại các sự kiện, hôm sau nữa làm đại diện cho một thương hiệu. Vòng quay đó cứ lặp đi lặp lại một cách đều đặn.
Cam kết thực hiện nghĩa vụ cộng đồng mà các Hoa hậu nói to trong đêm chung kết trở nên thứ yếu. Họ chỉ xuất hiện một cách mờ nhạt trong các hoạt động từ thiện do đơn vị tổ chức cuộc thi tổ chức. Ở đó, họ mỉm cười thân thiện với giới truyền thông hay dịu dàng trao các món quà cho những người gặp khó khăn.
Một người đẹp khi tham gia cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 hồn nhiên chia sẻ mục đích của cô khi đến với cuộc thi là vì: "sự nổi tiếng, thu nhập thật cao". Cô gái ấy chia sẻ, cô nhìn vào tấm gương của Phạm Hương - Hoa hậu đương nhiệm của cuộc thi này để đưa ra mục tiêu đó.
Vậy nên, đừng trách cô gái ấy, bởi chính các Hoa hậu cũng đã chứng minh rằng, sau khi đăng quang, họ chẳng làm gì nhiều ngoài việc đi sự kiện, đóng quảng cáo.
Đừng vội chê cười cô gái này, bởi đó chắc chắn là suy nghĩ của rất nhiều người, chỉ có điều, họ khéo léo che giấu nó đi bằng những lý do mỹ miều khác.
Chính ông Dương Xuân Nam - cha đẻ của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải thừa nhận, nhiều người muốn trở thanh Hoa hậu để "đi đóng phim, đóng quảng cáo".
Video: Thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam tuyên bố đi thi vì muốn kiếm được nhiều tiền giống Phạm Hương
Thi Hoa hậu để tìm bóng tùng quân
Ngoài việc thi Hoa hậu như đạp để bước chân vào showbiz, để có thể kiếm được nhiều tiền, không ít người đẹp còn đến với các cuộc thi này nhằm mục đích tìm được một "bóng tùng quân" gửi gắm cuộc đời.
Có người sẽ cho rằng, đây là một nhận định cực đoan, không chính xác nhưng những gì đang diễn ra khiến nhiều người có quyền nghĩ thế. Rất nhiều Hoa hậu sau khi đã tìm được một tấm chồng xứng đáng là lui về ở ẩn, ngay cả khi họ chưa kịp thực hiện những nghĩa vụ của một người đẹp khi đăng quang cuộc thi nhan sắc.
Người đẹp Thu Ngân ngay sau khi đăng quang Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016 ngay lập tức lên xe hoa cùng một doanh nhân thành đạt và an phận với việc làm vợ, làm mẹ. Thỉnh thoảng cô ăn mặc đẹp, xuất hiện lộng lẫy tại một sự kiện rồi ra về.
Đặng Thu Thảo - người được coi là Hoa hậu của các Hoa hậu cũng chẳng hề có một hoạt động cộng đồng nào nổi bật. Cô chỉ liên tục xuất hiện tại các sự kiện với mức cát-xê thuộc dạng cao nhất nhì showbiz rồi lên xe hoa với một thiếu gia có tiếng đất Sài thành.
Hoa hậu Festival biển 2006 Vũ Ngọc Diệp mất hút sau khi đăng quang và chỉ gây ồn ào trở lại khi kết hôn với một đại gia Hà Thành. Hôn lễ của họ gây xôn xao về mức độ hoành tráng. Hơn 30 siêu xe đón cô dâu từ nhà riêng tới một khách sạn 5 sao để tổ chức tiệc mừng.
Sau khi đăng quang Nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu 2017, Ngọc Duyên tìm bến đỗ bên một đại gia bất động sản và tuyên bố, lui về "ở ẩn".
Bằng mọi giá phải trở thành Hoa hậu
Chính vì Hoa hậu đã trở thành một cái nghề quá nhàn mà thu nhập lại cao, lại nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người nên các cô gái đã tìm mọi cách để trở thành người sở hữu vương miện, các nhà tổ chức bất chấp mọi thủ đoạn để tạo ra các cuộc thi này kiếm lợi.
Theo quy định của chính phủ là các thí sinh tham gia các cuộc thi nhan sắc phải có vẻ đẹp tự nhiên, chưa phẫu thuật thẩm mỹ, thế nhưng ban tổ chức Hoa hậu Đại dương 2017 cố tình phớt lờ. Họ cho phép một thí sinh từng nâng mũi tham gia cuộc thi, thậm chí còn vinh danh cô ở vị trí cao nhất.
Dù đã vi phạm quy định một cách rõ ràng như thế, ban tổ chức Hoa hậu Đại dương chỉ phải nộp phạt 4 triệu đồng. Con số quả nhỏ so với lợi nhuận mà họ thu về từ việc tổ chức cuộc thi.
Còn Ngân Anh, cô khư khư giữ lấy cái vương miện, bất chấp việc cô đã vi phạm quy định của chính phủ, bất chấp việc dư luận phản đối, cho rằng cô không xứng đáng với danh hiệu đó.
Trước Ngân Anh, Nguyễn Thị Thành cũng cố đấm ăn xôi, tìm mọi cách để có được một cái danh xưng trong cuộc thi sắc đẹp. Cô tham gia hết cuộc thi này tới cuộc thi khác, thậm chí cả việc nối dối về lý do chỉnh sửa răng.
Hay như người đẹp Vương Thu Phương nói dối về việc từng tổ chức lễ cưới để tìm mọi cách có mặt trong đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Nếu như sự thật đó không bị lôi ra ngay ở giây phút chót, rất có thể cô đã là người được vinh danh ở vị trí cao nhất.
Danh xưng Hoa hậu ngày càng biến tướng
Nếu như trước kia, những cô gái đi thi Hoa hậu phải có lý lịch sạch, không phẫu thuật thẩm mỹ và phải chứng minh được họ có vẻ đẹp từ tri thức tới tâm hồn, thì giờ đây bất cứ ai cũng có thể đi thi Hoa hậu và đoạt giải.
Thế nên mới có chuyện Phi Thanh Vân, Dương Yến Ngọc dù gây ồn ào với đời tư, phẫu thuật thẩm mỹ vẫn đi thi nhan sắc và nếu họ có đoạt giải, cũng chẳng có ai bất ngờ.
Ngọc Trinh tuyên bố sống nhờ bạn trai, làm bồ nhí của một người đàn ông đã có vợ vẫn được vinh danh Hoa hậu Việt Nam Quốc tế.
Hoa hậu không còn là hình mẫu đẹp để nhiều người hướng tới. Và các cô gái đội trên đầu vương miện cũng chẳng phải cố gắng giữ gìn hình ảnh. Họ liên tiếp gây ra những scandal đình đám như: chụp ảnh phản cảm, phì phèo hút thuốc lá nơi công cộng, dùng chất kích thích, bị tố cướp chồng người khác, mua hàng không trả tiền,...
Thế nhưng, những lỗi lầm ấy lại nhanh chóng được bỏ qua. Chiếc vương miện không phải chiếc vòng kim cô giữ cho các người đẹp cư xử trong khuôn phép mà giống như bùa hộ mệnh, giúp họ vượt qua mọi tai tiếng.
Giờ đây, nghĩ tới Hoa hậu là nhiều người nghĩ tới hình ảnh các cô gái đẹp, dùng hàng hiệu, xuất hiện lung linh tại các sự kiện quan trọng, sánh vai bên các đại gia giàu có.
Còn những Hoa hậu hiếm hoi miệt mài với những công tác cộng đồng lại bị coi là nhạt và chẳng được mấy ai quan tâm, mấy người ngưỡng mộ.
Bình luận