• Zalo

Đổ xô đi chợ đầu mối chống "viêm túi" thời bão giá

Kinh tếThứ Sáu, 16/03/2012 06:29:00 +07:00Google News

(VTC News) - Việc chị em nội trợ đổ xô về chợ đầu mối mua thực phẩm thay vì mua ở chợ lẻ, chợ tạm như trước khiến cho chợ đầu mối trở nên đông đúc, đắt hàng.

(VTC News) - Với giá rẻ hơn chợ cóc nội thành, chợ tạm trong các khu phố từ 1/3 đến 1 nửa, các chợ đầu mối ở nội thành Hà Nội giờ đây đã thành địa chỉ quen thuộc của các bà nội trợ thời bão giá.

Chợ đầu mối kiêm bán lẻ

Hàng hóa, thực phẩm tươi sống tại các chợ bán lẻ, chợ dân sinh đang tăng lên từng ngày do tác động của đợt tăng giá xăng mới. Vì thế, thay vì đi chợ lẻ, nhiều chị em chọn giải pháp mua hàng tận gốc ở các chợ đầu mối để tiết kiệm "hầu bao".

Và khi nhu cầu mua lẻ tăng, không ít bà tiểu thương lại “mê” bán lẻ hơn bán buôn. Vì bán lẻ đôi khi không phải kì kèo như bán buôn, do người mua nghĩ giá bán ở chợ đầu mối đã là quá rẻ.

Chị Loan- Chủ sạp kinh doanh rau ở chợ đầu mối Ngã Tư Sở cho biết: “Lượng người đi mua lẻ ngày càng đông, vợ chồng tôi chia nhau người bán buôn và người bán lẻ. Vào những ngày cuối tuần hay ngày nghỉ, số người mua lẻ tăng đột biến, nên tỷ lệ giữa bán lẻ và bán buôn là 50 – 50.”

Không ít bà nội trợ chọn chợ đầu mối là nơi mua thức ăn cho cả nhà hàng ngày hoặc dịp cuối tuần (Ảnh: Thành Công)

5h sáng tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy – Hà Nội), ngoài những chồng hàng cao trên sạp để bán buôn, bây giờ những chủ kinh doanh ở chợ đầu mối còn trải la liệt những tấm nilon, bạt để bày thêm hàng bán lẻ. Cách làm này nhằm phục vụ cho một bộ phận không nhỏ những người nội trợ muốn tiết kiệm chi tiêu.

Theo quan sát của PV VTC News, xe chở su hào của anh Hưng (Gia Lâm – Hà Nội) vừa dừng lại trước cổng chợ đã có hàng chục người “chầu chực” để mua. Người mua 2 kg, 3 kg, cứ thoăn thoắt chưa đầy nửa  tiếng, cả đống su hào chất đầy tràn trên xe đã vơi đi hơn một nửa.

Anh Hưng chia sẻ: “Bán sỉ cho dân buôn thì bị ép giá với mức giá rẻ ngang cho không. Giá bán sỉ chỉ 2.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ được tới 3.000 đồng/kg – 3.500 đồng/kg. Bình thường mỗi xe như thế này bán sỉ tôi chỉ lãi tầm 100.000 đồng là cao tay, còn bán lẻ nếu suôn sẻ,  có thể lãi từ 250.000 đồng – 300.000 đồng”.

Chị Liên (Hàng Bài - Hà Nội) cho biết: “Bình thường đi mua lẻ ở chợ Long Biên rất khó, nhưng bây giờ người bán lẻ la liệt, mua bao nhiêu người ta cũng bán mà lại rất niềm nở mời chào”.  

Đi chợ đầu mối vào sáng sớm không chỉ tiết kiệm mà còn là cách để những người già đã nghỉ hưu kết hợp thể dục buổi sáng.

Theo chân bác Việt, một cán bộ nghỉ hưu ở quận Cầu Giấy, chúng tôi được biết, khoảng gần 2 năm nay, cứ 5h sáng, bác lại đều đặn cùng những người khác trong khu rủ nhau đi bộ ra chợ Dịch Vọng mua thực phẩm.

Bác Việt chia sẻ: "Cá trắm to ở chợ đầu mối chỉ có 60.000 - 65.000 đồng/kg, nhưng khi mua ở chợ cóc lên đến 80.000- 100.000 đồng/kg tùy hôm, còn thịt lợn ba chỉ ở đây mua với giá 75.000 – 80.000 đồng/kg, nhưng khi về chợ lại lên tận 110.000 đồng - 120.000 đồng/kg. Nếu không đi chợ đầu mối mỗi ngày, tiền chợ cho cả gia đình cũng phải ngốn tới 100.000 đồng/ngày. Hôm nào trời mưa rét còn nhiều hơn”.

Người bán hàng nán lại muộn hơn

Trước đây, nhắc tới chợ đầu mối người ta thường nghĩ đây là nơi thức đêm ngủ ngày, hơn 6h đã vắng bóng người bán, người mua, nhưng hiện nay người bán sẵn sàng nán lại để kiếm thêm chút lãi.

Có những quầy hàng trước đây thường dừng bán lúc 4h sáng vì hết hàng, nhưng giờ chủ hàng vẫn dành lại 1 phần để bán tiếp cho người mua lẻ đến lúc tảng sáng (Ảnh minh họa: Hoàng Thủy)

Hàng ngày, vì phải trông con nhỏ đến gần trưa chị Hoài (Phạm Văn Đồng – Hà Nội) mới ra khu chợ tạm để mua thức ăn. Nhưng gần đây, một hôm tình cờ đi qua chợ thực phẩm Dịch Vọng, hơn 9h sáng, nhưng một mua bán vẫn còn rộn ràng.

Chị cho biết: “Từ hôm xăng tăng giá đến nay, mỗi ngày đi chợ phải tiêu ít nhất 120.000 đồng thì mới có rau xanh, thịt cá đủ dinh dưỡng cho gia đình 6 người. Nhưng từ hôm ra chợ đầu mối chị chỉ cần 80.000 đồng – 100.000 đồng là đã có thể đảm bảo ngày ăn cho cả nhà”.

Ra khỏi cổng chợ đầu mối với vẻ mặt khá hài lòng, chị Lan (công nhân quét dọn vệ sinh) thấy thuận tiện hơn, khi kết thúc ca làm việc lúc 7h sáng mà các quầy rau ở chợ Long Biên vẫn còn nhiều mớ rất ngon.

Chị Lan nói: “Trước đây, khi trời sáng, rau còn lại thường không ngon nữa, vì loại ngon đã được chọn hết. Nhưng, mấy tháng nay tôi yên tâm vì đi làm về rau trong chợ vẫn còn mà vẫn tươi. Nay, người bán buôn sau khi bán hết hàng sỉ sẽ vẫn để lại 1 phần để bán cho các bà nội trợ mua lẻ”.

Tiếp xúc với chị Liên (một chủ sạp rau ở chợ đầu mối Long Biên) chúng tôi được biết, trước đây tầm 6h sáng đã đóng hàng không bán nữa, vì cả đêm thức trắng để bán buôn. Nhưng, do lượng khách mua lẻ không ít, nên chị tận dụng thêm 30 phút để đợi các bà nội trợ.

Chị nói: “Nhiều người tranh thủ ở lại bán thêm. Bán lẻ thế này vừa không bị dân buôn ép giá lại vừa có hàng cung ứng cho những người mua lẻ. Mất thời gian một chút nhưng lại có thêm lãi”.

Hoàng Thủy – Thành Công


Bình luận
vtcnews.vn