• Zalo

Đồ vật tự bốc cháy đùng đùng: Kết luận ra sao?

Thời sựThứ Năm, 11/04/2013 02:30:00 +07:00Google News

(VTC News) - Công an đã vào cuộc điều tra theo hướng truy tìm người châm lửa đốt, gây ra 32 vụ cháy tại nhà ông Thanh tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

(VTC News) - Công an huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đang điều tra theo hướng truy tìm người châm lửa đốt, gây ra 32 vụ cháy tại nhà ông Thanh.

Công an truy tìm thủ phạm

Ngày 10/4, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Nghệ An cho biết, kết quả phân tích các mẫu nước, đất và không khí lấy tại nhà ông Nguyễn Hoài Thanh không phát hiện hóa chất nào gây cháy.


Trước đó, từ chiều 30 đến chiều 31/3, tại nhà ông Thanh ở xóm Hòa Phúc, xã Nghĩa Phúc huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đã xảy ra 32 lần cháy các đồ dùng như chăn màn, quần áo... mà không rõ nguyên nhân. Ông Thanh đã trình báo với chính quyền địa phương về hiện tượng trên.

Chính quyền huyện Tân Kỳ đã xuống tận hiện trường để tìm hiểu sự việc và gửi văn bản lên UBND tỉnh, Sở Khoa học - Công nghệ đề nghị các ban ngành liên quan vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân.

Theo gia đình ông Thanh, sau khi lực lượng chức năng đến nhà thì mấy ngày sau đó cho tới nay mọi chuyện gần như trở lại bình thường với căn nhà này và không có thêm bất cứ chuyện bất thường nào xảy ra nữa.

Hiện Công an huyện Tân Kỳ đang điều tra theo hướng truy tìm người châm lửa đốt, gây ra 32 vụ cháy tại nhà ông Thanh.

đồ vật tự bốc cháy ở Nghệ An
Sau khi lực lượng chức năng đến, căn nhà ông Thanh không có thêm bất cứ chuyện bất thường nào xảy ra nữa.  

Tự châm lửa đốt sẽ bị xử lý hình sự

Trả lời phỏng vấn VTC News về vấn đề này, luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh - Thiên Thanh (Hà Nội) cho rằng, sẽ khó đưa ra chế tài để xử lý nếu không chứng minh được người đó tung tin kì bí để lại hậu quả xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

- Trong trường hợp có người cố ý châm lửa đốt cháy các đồ vật đó gây hoang mang dư luận, đối tượng đó sẽ bị xử lý ra sao?

Nếu là trường hợp có người cố ý châm lửa đốt cháy các đồ vật với mục đích nhằm hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, thì căn cứ vào tính chất mức độ, yếu tố lỗi trong hành vi và hậu quả gây ra trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền sẽ có thể xử lý theo các cách sau:

 

Nếu trường hợp người đó cố ý châm lửa đốt cháy các đồ vật đó với mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây ra các tin đồn thất thiệt về mê tín dị đoan thì có thể bị xử lý về mặt hình sự.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
 
Một là, trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”; Hai là, nếu không đủ căn cứ và các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Nếu trường hợp người đó cố ý châm lửa đốt cháy các đồ vật đó với mục đích nhằm gây hoang mang dư luận, gây ra các tin đồn thất thiệt về mê tín dị đoan thì có thể bị xử lý về mặt hình sự (nếu chứng minh được các yếu tố cấu thành tội phạm của “Tội hành nghề mê tín, dị đoan” hoặc “Tội gây rối trật tự công cộng”).

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, trong hệ thống các văn bản pháp luật tại Việt Nam hiện nay chưa có một quy định cụ thể, cá biệt nào điều chỉnh đối với hành vi tung tin đồn thất thiệt.

Mặt khác, khi xử lý các đối tượng tung tin đồn lại vướng phải một khó khăn rất lớn đó là chứng minh được yếu tố “chủ quan” (tức là động cơ, mục đích) của người tung tin đồn. Bởi phải làm rõ được động cơ, mục đích của hành vi thì chúng ta mới có thể đưa ra được chế tài chính xác nhất.

Trong khi đó, có những người tung tin đồn chỉ vì vô ý, muốn được mọi người chú ý đến mình hoặc chỉ là một câu nói đùa vui giữa nơi công cộng…Đây cũng chính là một khó khăn rất lớn trong việc áp dụng chế tài đối với người tung tin đồn ở nước ta hiện nay.

- Nếu đối tượng là trẻ em thì sẽ bị xử lý thế nào?

Thực ra mà nói, hiện tượng “tự nhiên cháy” ở Nghệ An như các phóng viên đã đề cập không phải lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo và gây sự chú ý trong dư luận.

Chúng ta chắc hẳn còn nhớ về vụ việc vào khoảng giữa năm 2012 có một em bé 11 tuổi (sống tại TP. HCM) mà theo gia đình em và một số báo đã đưa tin là “có khả năng gây cháy các đồ vật”.

Sự việc này cũng đã được rất nhiều các cơ quan ban ngành có liên quan và ngay cả Trung tâm nghiên cứu về tiềm năng con người cũng đã về khảo sát, nghiên cứu... Sự việc trên đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, cũng như sự quan tâm của dư luận.

Song, đến nay vẫn chưa có một kết luận chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự việc này. Không những thế, sự việc trên còn gây ra sự tranh luận không ngừng giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan có liên quan.

- Vậy, dưới góc độ của người quản lý, người làm luật, người áp dụng pháp luật thì làm sao có thể đưa ra được quyết định gì về những vụ việc tương tự như trên?

Theo tôi, đứng trước những tình huống tương tự như trên, chúng ta chưa vội hãy nghĩ đến việc xử lý những người gây ra sự việc (nếu có) mà hãy xem xét lại cách xử lý tình huống của chính quyền sở tại, của các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là cách đưa tin của các cơ quan ngôn luận.

chăn tự nhiên bốc cháy ở Nghệ An
Chăn tại nhà ông Thanh bỗng nhiên bốc cháy. 

Bởi chúng ta biết rằng, trong thời đại thông tin như hiện nay, chỉ cần một hiện tượng rất bình thường trong tự nhiên, chưa kịp có sự giải thích thấu đáo, khoa học từ các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành, với sự “vô tình” tiếp tay của các cơ quan truyền thông, nó sẽ trở thành một chủ đề rất lớn của đại bộ phận người dân quan tâm và tạo nên những dư luận không tốt trong đời sống xã hội như thời gian vừa qua.

Với tôi, trẻ em không có lỗi, những sự việc trên nếu không phải do tự nhiên thì là do những “người lớn” đã cố tình đẩy trẻ em vào việc phạm lỗi và đây là việc làm không tốt đối với sự hình thành nhân cách cũng như sự phát triển một cách bình thường của trẻ em. Vì vậy, cho tôi xin phép không bình luận về việc xử lý lỗi của trẻ em trong tình huống này.

- Nếu kẻ châm lửa đốt cháy các vật dụng đó là thành viên trong chính gia đình này, họ vào hùa với nhau tạo hiện trường giả gây hoang mang dư luận thì đối tượng sẽ bị xử lý ra sao?

Về bản chất, nếu kẻ châm lửa đốt cháy các vật dụng đó là thành viên trong chính gia đình này, họ vào hùa với nhau tạo hiện trường giả gây hoang mang dư luận thì đây chính là một hình thức tung tin đồn thất thiệt. Và những người này có thể bị xử lý như với những người tung tin đồn thất thiệt.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc xử lý đối với những người tung tin đồn với những sự việc đã rõ mười mươi về động cơ, mục đích và xác định được thiệt hại cụ thể thì rất dễ trong việc xử lý.

Song, có rất nhiều tin đồn xuất phát từ sự bông đùa, thiếu ý thức của một bộ phận người dân, họ tung tin mà không nhằm mục đích vụ lợi nào và việc xác định thiệt hại cụ thể là vô cùng khó. Đây là bài toán khó đang đặt ra với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xử lý các vụ việc liên quan đến tin đồn.

Minh Quân

Bình luận
vtcnews.vn